Thursday, March 28, 2024

‘Tiểu Luận (của/về) Phùng Nguyễn’

Trần Doãn Nho

Ba năm sau khi nhà văn Phùng Nguyễn qua đời (Tháng Mười Một, 2015), Tạp Chí Da Màu vừa cho xuất bản một tác phẩm mới của anh, “Tiểu Luận (của/về) Phùng Nguyễn.”

Với những bài tiểu luận bàn về nhiều đề tài khác nhau vừa văn học vừa chính trị và vừa xã hội, thay vì là “nhà văn,” tác phẩm cho chúng ta thấy một Phùng Nguyễn khác, một “nhà chính luận” sắc sảo.

Tập tiểu luận được chia làm hai phần: phần Một là những tiểu luận “do Phùng Nguyễn viết,” chiếm 2/3 cuốn sách và phần Hai là những tiểu luận “viết về văn chương Phùng Nguyễn” của một số các cây bút hải ngoại. Ngoài ra, còn có phần cuối sách, ghi lại những đoạn ngắn trích từ các bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và bằng hữu tưởng niệm Phùng Nguyễn sau cái chết đột ngột của anh.

Phần Một, gồm 17 tiểu luận, hầu hết đều đã được đăng tải trên Da Màu, tờ tạp chí mạng mà Phùng Nguyễn là một trong những người sáng lập và điều hành chính cho đến lúc qua đời. Bằng một giọng văn sắc bén, anh phân tích, nhận định và đặc biệt, tranh cãi về nhiều đề tài khác nhau, xuất phát từ những sự kiện văn học hay sự kiện xã hội nóng hổi đang diễn ra ở bên ngoài hay trong báo chí, từ cuộc cách mạng sách điện tử (ebook) cho đến văn học miền Nam và văn học hải ngoại, từ thơ cho đến văn và chuyện dịch thuật, từ những khuôn mặt nổi tiếng như Trịnh Công Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Võ Phiến cho đến cuộc triển lãm do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VALAA) tổ chức ở Orange County, vân vân.

Ở đề tài nào, Phùng Nguyễn cũng chứng tỏ anh là một cây bút lý luận chuyên nghiệp, với một cái nhìn khách quan, khi bênh vực cũng như khi phê phán một quan điểm hay một thái độ nào đó. Tuy luôn luôn đứng trên lập trường của một người ủng hộ chế độ VNCH (mà anh đã từng phục vụ) và trên lập trường của một nhà văn hải ngoại, nhưng phải nói là anh rất sòng phẳng khi trưng dẫn các tài liệu và sự kiện để chứng minh cho các luận điểm của mình, dù là ở phía “địch” hay phía “ta.” Khi viết những bài này, rõ ràng là “nhà chính luận” Phùng Nguyễn đã hoàn toàn tạm gác “nhà văn” Phùng Nguyễn sang một bên, để luôn giữ “tay gõ” của mình không bị những cảm xúc đời thường chi phối.

Đề cập đến sức sống của văn học miền Nam sau ngày Cộng Sản chiến thắng, anh viết: “…nhà cầm quyền Cộng Sản đã không hoàn toàn thành công trong ý đồ ngăn chặn sự lan tỏa của văn hóa miền Nam, đặc biệt là âm nhạc và văn chương. Việc ‘những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ mang nội dung phản động hoặc đồi trụy vẫn được chuyền tay nhau, không những ở các tỉnh miền Nam mà ngay cả ở một số thành phố miền Bắc’ cho thấy trong số chiến lợi phẩm mang về từ miền Nam trong những ngày tháng đầu tiên sau chiến tranh không chỉ có đài, đồng hồ không người lái, và xe đạp mà còn có một món hàng quý hiếm khác, đó là những tác phẩm của nền văn chương đa dạng và dựa trên nền tảng tự do sáng tạo của miền Nam. Tôi tin chắc các độc giả hiếm hoi và may mắn ở phía Bắc đã nhanh chóng làm một cuộc so sánh văn chương giữa hai miền dựa trên những trải nghiệm mới mẻ họ có được sau khi đọc một số tác phẩm của các ngòi bút miền Nam. Điều đáng tiếc là họ phải đọc trong lén lút, và nhận định của họ có nhiều phần đã được giữ lại cho chính mình!”

“Ở miền Nam, sau khi các khu chợ trời mọc ra trên vỉa hè các con đường nằm gần trung tâm Sài Gòn như Tôn Thất Thuyết, Huỳnh Thúc Kháng… một thời gian, các sách báo bị cấm đoán của miền Nam bắt đầu xuất hiện trở lại một cách rải rác dưới dạng ngụy trang. Nằm khép nép bên dưới các tạp chí tiếng Anh tiếng Pháp vô hại có khi là một tập truyện xuất bản trước Tháng Tư, 1975, quăn queo, bìa trước bìa sau bị lột sạch. Nhưng bất kể hình dạng thảm hại của nó, một tác phẩm được tìm đọc là một tác phẩm còn sống” (Văn Học Miền Nam 1954-1975: Đường Về Gian Nan).

Phần Hai, gồm có những nhận định và phân tích về văn chương Phùng Nguyễn của sáu cây bút hải ngoại: Đinh Từ Bích Thúy, Đặng Thơ Thơ, Nguyễn Vy Khanh, Bùi Vĩnh Phúc, Trần Hữu Thục và Khánh Phương. Xin dẫn sau đây một vài trích đoạn từ các bài viết nói trên để độc giả có thể có một cái nhìn khái quát về sự nghiệp của anh:

-“Nói chung, dù bắt đầu sự nghiệp văn chương khá muộn, nhưng so với một số cây bút khác cùng độ tuổi, cách viết của Phùng Nguyễn khá tân kỳ và sắc sảo” (Trần Hữu Thục).

-“Trong những truyện ngắn của anh, Phùng Nguyễn đã cho thấy những khát vọng, những tìm về và những khắc khoải của mình trước cuộc đời đang mở ra trước mắt, cùng với những kỷ niệm, những vết cắt, những chấn động của những vết thương vẫn còn đang mở miệng. Tất cả những khổ đau day dứt đó đưa đến những câu hỏi dày đặc về đời sống, về ý nghĩa của nó, về hy vọng, về niềm tin. Từ những ưu tư khắc khoải ấy, Phùng có nhiều khi tìm về với kỷ niệm, qua một số truyện ngắn pha dạng hồi ức của anh” (Bùi Vĩnh Phúc).

-“Ngoại trừ một số truyện ngắn mà người đọc nhận thấy được viết cũng với chủ đề và cấu tứ tương tự nhưng có lẽ hơi thiếu lửa, các truyện ngắn của Phùng Nguyễn cho thấy bút lực mạnh mẽ trong việc khai phá những góc nhìn vào tâm tưởng và các vấn đề bản thể của con người, từ mỗi “bài tập” nhỏ cho đến những công trình của tâm huyết và sáng tạo nghệ thuật” (Khánh Phương).

-“Tôi nghĩ Phùng Nguyễn khó khăn với chính anh, và những đồng nghiệp viết văn của anh, vì anh tôn trọng trách nhiệm sáng tạo, độc lập và quân bình của nhà văn. Trách nhiệm này chính là “đạo luật vàng” của một người viết. Cho dù anh có thể chỉ trích những hành động lạm dụng trách nhiệm của người khác, anh luôn luôn tôn trọng quyền tự do phát biểu của họ” (Đinh Từ Bích Thúy).

-“…với Phùng Nguyễn, siêu hư cấu (metafiction) là một thể loại có khả năng giúp anh thương lượng với đời sống, và với văn chương, cùng lúc. Đây là một giả định và tôi sẽ tìm cách chứng minh trong bài viết này. Trước tiên, viết là cách giúp Phùng Nguyễn giữ thăng bằng với đời sống, như anh đã giải thích lý do tìm đến chuyện viết: ‘Ở vào một thời điểm không lấy gì làm vui vẻ trong đời sống của mình, tôi cho rằng mình cần phải làm một điều gì đó, bất cứ điều gì, bên cạnh chuyện sinh nhai nhàm chán mà tôi vẫn phải làm hàng ngày.’ Kế đó, siêu hư cấu là công cụ hữu hiệu để giữ anh thăng bằng với những giấc mơ. (…) Phùng Nguyễn luôn băn khoăn về vai trò người viết, về sự có mặt của tác giả trong tác phẩm, về một nhân vật viết văn, một tình huống mang tính nguỵ tạo, hoặc truyện trong truyện, truyện về truyện, truyện mang trong nó hai luồng tự sự khác nhau” (Đặng Thơ Thơ).

Phần cuối cùng: gồm 34 trích đoạn của các bạn văn trong và ngoài nước. Xin được trích ra đây một đoạn thơ ngắn tiêu biểu của một nhà văn trong nước, Nguyễn Đạt, gửi ra tưởng niệm Phùng Nguyễn:

Tôi còn đây. Trong xà-lim-quê-hương
Tưởng niệm anh. Thắp một nén nhang
Là thắp cho tôi. Thắp cho tất cả
Điêu linh thấm đẫm đã vô vàn.”

Nhà văn Phùng Nguyễn sinh năm 1950 ở Quảng Nam. Định cư ở Hoa Kỳ từ Tháng Năm, 1984, tốt nghiệp Cử Nhân Quản Trị Kinh Doanh và Tin Học và cao học Quản Trị Kinh Doanh (MBA) tại California State University.

Các sáng tác văn học và tiểu luận của anh xuất hiện trong các tạp chí giấy hải ngoại như Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21 và các tạp chí mạng như Talawas, Tiền Vệ, Da Màu. Anh là chủ bút tạp chí Hợp Lưu (2002-2003) và là đồng sáng lập tạp chí văn chương mạng Da Màu (Tháng Tám, 2006) cùng với nhà văn Đặng Thơ Thơ & nhà thơ Đỗ Lê Anhdao.

Ngoài ra, anh cũng là người sáng lập và xây dựng “Thư viện Kệ Sách eBook” Tháng Năm, 2008. Trong mấy tháng cuối đời, anh phụ trách “Blog Phùng Nguyễn: Rừng và Cây” trên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) chương trình tiếng Việt. Đã xuất bản hai tập truyện ngắn, “Tháp Ký Ức” (1988) và “Đêm Oakland và Những Truyện Khác” (2001).

Một buổi ra mắt sách hai tác phẩm của Phùng Nguyễn do Tạp Chí Da Màu tổ chức, “Tiểu Luận (của/về) Phùng Nguyễn” và “Tháp Ký Ức và Bùa Phép Ở Đường Bourbon” sẽ được diễn ra tại Phòng Hội Tòa Soạn Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683 vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật, 11 Tháng Mười Một, 2018. (Trần Doãn Nho)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT