Saturday, April 20, 2024

Tiểu thuyết ‘Cô Gái Việt và Người Chiến Binh Mỹ’ đầy kịch tính

Ngành Mai/Người Việt

Vào năm 2000 soạn giả Thái Quốc Nam biên soạn vở hát “Cô Gái Việt và Người Chiến Binh Mỹ.” Soạn giả Yên Lang trợ giúp phần tập dượt, đạo diễn, đưa lên sân khấu của hai rạp ở Anaheim, một rạp ở tiểu bang New Mexico.

Nhưng rồi do tình trạng kiệt quệ chung của cải lương, nên vở tuồng “Cô Gái Việt và Người Chiến Binh Mỹ” dựa theo tác phẩm tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngành Mai không có dịp tái diễn.

Soạn giả Thái Quốc Nam, soạn giả Yên Lang, nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm là những người có công dàn dựng vở tuồng thì hiện giờ đã qua đời.

Tuy vậy, mới đây, trong ngày ra mắt sách “Cô Gái Việt và Người Chiến Binh Mỹ,” đạo diễn Bùi Sơn Duân phát biểu rằng, tình tiết câu chuyện mang nhiều kịch tính, có nhiều uẩn khúc, gay cấn và bất ngờ, hy vọng sẽ thành phim sau này.

Ông nói thêm nếu tác phẩm thành phim thì biết đâu một vùng thôn quê mộc mạc ở ven sông Vàm Cỏ Đông, Tây Ninh có thể trở thành địa điểm du lịch, sẽ đón nhiều du khách người Mỹ, đặc biệt là các cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam.

Và ông cũng nhắc đến cuốn phim “Cầu Sông Kwai” được chiếu thì thời gian sau vùng đất có cây câu sông Kwai ở Á Châu đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, tiếp đón hàng triệu du khách Tây phương, và dĩ nhiên là có nhiều du khách Hoa Kỳ.

Những thắng cảnh nổi tiếng khác như Lăng Ông Bà Chiểu trong ngày Tết Nguyên Đán đầy màu sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; Cao Sơn Tự ở Gò Dầu, Tây Ninh; Chùa Dinh Cô ở bãi biển Long Hải, Bà Rịa… là những yếu tố mà nhà làm phim rất cần để thực hiện.

Câu chuyện “Cô Gái Việt và Người Chiến Binh Mỹ” được khởi đầu từ mùa Hè 1969, tức thời kỳ chiến tranh cao điểm, có đến hơn nửa triệu quân nhân Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam.

Với một quân số lớn lao như thế hiện diện trên đất nước, có biết bao nhiêu mối tình đã nảy nở giữa những người lính xa xứ và các cô gái Việt, mà trong sự gặp gỡ dù cố ý hay vô tình đã đưa đến họ quen biết nhau.

Ở đây tác giả không đề cập đến những mối tình tạm bợ, giai đoạn, do nhu cầu cuộc sống thực tế ở mỗi hoàn cảnh, mỗi trường hợp lúc bấy giờ, mà chỉ nói đến một trong những mối tình chân thật.

Nhân vật chính là Quỳnh Chi, cô nữ sinh trường Gia Long, Sài Gòn, trong dịp nghỉ Hè về quê ở Tây Ninh, phụ giúp cha mẹ làm ruộng. Tình cờ cô phát hiện người chiến binh Mỹ thất trận bị thương chạy trốn nằm bất tỉnh trong bụi chuối sau chòi ruộng của cô. Nhìn thấy cảnh tượng này, trước mắt Quỳnh Chi là một con người lâm nạn đang cần sự giúp đỡ, chớ cô không hề chú ý kẻ đó là bạn hay thù, cũng không phân biệt dân tộc này hay chủng tộc khác, đối với cô chỉ là tình nhân loại mà thôi.

Cô gái đã làm gì để cứu giúp người chiến binh Mỹ? Lòng nhân hậu, tài trí, khôn ngoan và sự hy sinh cao cả của một người con gái Việt trong thời chiến thật là vô bờ bến!

Vì muốn kết hôn với một cô gái Việt từng cứu giúp mình trong lúc lâm nạn mà chàng Bill, một người trai Mỹ con nhà giàu đã cố công học tiếng Việt, và phải qua một kỳ thi khảo hạch vấn đáp. Người đọc sách chẳng một ai mà không cười khi đọc đến đoạn chàng Mỹ trả lời các câu hỏi của vị giám khảo. Sau khi “thi đậu” rồi thì chàng Bill sang đất nước Việt Nam, sống chật hẹp trong xóm lao động để đi tìm cô gái mà mình từng thọ ơn.

Phải mất mấy năm trời tìm kiếm mới gặp được cô gái trong buổi chiều 30 Tết, lúc Quỳnh Chi đi lễ ở Lăng Ông Bà Chiểu. Nhưng rồi do hoàn cảnh xã hội, thành kiến, tập quán và thời cuộc đã làm cho họ không thể sum họp được. Chưa chi hết thì đến 30 Tháng Tư, 1975, Bill bắt buộc phải lên máy bay về Mỹ… (Ngành Mai)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT