Thursday, April 18, 2024

Trần Thanh Hiệp: ‘Thành công và Thất bại của nhóm Sáng Tạo?’

Du Tử Lê/Người Việt

Như đã trình bày, theo tiết lộ của cố nhà văn Mai Thảo (4), chủ biên tạp chí Sáng Tạo từ số đầu tiên tới số cuối cùng, trước khi đình bản thì Sáng Tạo có hai lý thuyết gia. Một là nhà văn, Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế. Hai là nhà văn, Luật Sư Trần Thanh Hiệp.

Nhưng gần như chỉ có nhà văn Trần Thanh Hiệp xuất hiện đều đặn trên Sáng Tạo, như một lý thuyết gia, những khi ông trình bày quan niệm của ông về thơ tự do, hoặc nhận định về những đóng góp của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, thời kỳ Sáng Tạo có mặt ở Sài Gòn, trước 1975 và năm, tháng ông sống ở hải ngoại, sau 1975.

Ở khía cạnh này, nhà văn Trần Thanh Hiệp táo bạo hơn các thành viên khác của nhóm Sáng Tạo, đã phát biểu thay cho cả nhóm: “Tự Lực Văn Đoàn chưa bao giờ là thần tượng của mấy anh em chúng tôi.” Nửa thế kỷ sau, đọc lại ý kiến này, chúng ta thấy con người Trần Thanh hiệp thời trẻ sôi nổi với ý nguyện thay đổi văn chương, làm mới ngôn ngữ!

Nhưng nhiều chục năm sau, ở trang mạng Wikipedia-Mở,  người ta lại được đọc một bài viết khác của cựu chủ nhiệm đặc san Lửa Việt, tuyên dương những đóng góp mang tính mở đường của nhà văn Nhất Linh/Nguyễn Tường Tam, con chim đầu đàn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, thời tiền chiến. Nhà văn Nhất Linh/Nguyễn Tường Tam tự tử ngày 7 Tháng Bảy, 1963, tại Sài Gòn, với di ngôn nổi tiếng: “Đời tôi để lịch sử xử…”

Đó là bài viết nhan đề “Để trả Nhất Linh Nguyễn Tường Tam về cho lịch sử.”

Trong bài này có đoạn, nhà văn Trần Thanh Hiệp nhận định lại về Tự Lực Văn Đoàn, ông nhấn mạnh: “Với bút danh Nhất Linh, một  nhà văn, nhà báo… ông là cha đẻ của một loạt nhân vật hư cấu, những Lệ Nương, Loan, Dũng, Nhung, Nghĩa, Phương, Thái, Triết, Trương, Thu, Mùi… Những nhân vật không có thật, nhưng rất sống động, tựa như họ có thực và đang sống ở ngoài đời.” (5)

Vẫn theo ông thì, vì thế mà những nhân vật ấy, đã phản ảnh được một bộ mặt nhất định của xã hội thời đó. Với tư cách nhà văn, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, Nhất Linh đã mở được một chiều hướng đi lên cho cuộc sống. Ông cũng cung cấp cho xã hội một kiểu mẫu sống, một rung cảm mới và nhất là một ngôn ngữ mới, một văn phong mới. Công trình mở đường này đã khiến cho Nhất Linh được đồng thanh nhìn nhận là người mở đường cho văn học sử Việt Nam vào thời điểm thập niên 1930, mang lại cho bộ môn tiểu thuyết một bước tiến bộ theo hướng nghệ thuật, và thổi vào báo chí tiếng Việt một sức sống tích cực, mới.

“Trong chừng mực đó, Nhất Linh đã đi vào lịch sử của đất nước.” Và tác giả ra khỏi bài viết của mình bằng câu: “Người Việt Nam có thể tự hào đã có một nhân vật Nhất Linh/Nguyễn Tường Tam trong lịch sử.”

Tôi không đề quyết rằng với những cảm nhận như đã ghi lại ở trên, của nhà văn Trần Thanh Hiệp, dành cho nhân vật đứng đầu nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Nhất Linh/Nguyễn Tường Tam, khiến cho nhóm Tự Lực Văn Đoàn trở thành “thần tượng” của Luật Sư Trần Thanh Hiệp và các bạn của ông. Nhưng có người cho rằng sự nhìn lại của ông, có phần công bình hơn về Tự Lực Văn Đoàn: Tiêu biểu là tài năng và những đóng góp to lớn của Nhất Linh, cho văn học và đất nước!

Nói cách khác, thời Sáng Tạo ra đời, với những bài viết nằm trong “chiến dịch” chôn sống Tự Lực Văn Đoàn, khó ai có thể phủ nhận sự tham dự vào “chiến dịch” của nhà văn Trần Thanh Hiệp, với tư cách “lý thuyết gia” của tạp chí này. Dù cho nhà văn Trần Thanh Hiệp có “nhìn lại” hay không thì, lịch sử văn học Việt Nam cũng đã dành cho những đóng góp tài năng và trí tuệ  của Tự Lực Văn Đoàn, một vị trí trân trọng. (6)

Nhận định trên, theo chỗ tôi được biết, không phải chỉ riêng với tác giả Hoàng Lan Chi (thể hiện qua bài phỏng vấn nhà văn Trần Thanh Hiệp cách đây trên 10 năm), mà đó cũng là quan điểm của nhiều người thuộc đa số thầm lặng.

Tinh thần “nhìn lại” của nhà văn Trần Thanh Hiệp còn được thể hiện cụ thể hơn, qua bài ông viết về cố nhà văn Mai Thảo, tựa đề “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn” viết tại Paris, mùa Xuân 2008.

Ở bài viết có nhiều tiểu đoạn này, một trong những tiểu đoạn đó, có tiểu tựa bất ngờ là “Mai Thảo là Sáng Tạo nhưng Sáng Tạo không là Mai Thảo.”

Mở đầu tiểu đoạn này, nhà văn Trần Thanh Hiệp ghi nhận, tạp chí Sáng Tạo đã tự ý đình bản năm 1962. Nhưng những thành viên nòng cốt vẫn tiếp tục hoạt động trong lãnh vực văn chương và, Mai Thảo là người tích cực nhất…

Kế tiếp, với tiểu đoạn “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn,” Trần Thanh Hiệp cho biết, đại ý Mai Thảo đã viết xuống truyện của mình bằng những mới mẻ, nhất là ở phương diện hình thức, nếu không muốn nói rằng Mai Thảo đã làm thành một cuộc đổi mới cho cho văn học Việt. Có dễ vì thế mà sáng tác của Mai Thảo thường được phê bình từ lăng kính văn học sử. Trước khi ra khỏi bài viết của mình, nhà văn Trần Thanh Hiệp kết luận: “Tòa kiến trúc văn học đồ sộ Mai Thảo để lại cho đời sau, theo tôi quả thật Sáng Tạo chẳng có công lao gì.” Trần Thanh Hiệp đã thấy những đóng góp lớn của Mai Thảo xuất hiện sau khi tạp chí Sáng Tạo đã đình bản, còn phần sáng tác trong Sáng Tạo chỉ là bước khởi đầu.

Tôi nghĩ những ai, từng có dịp giao tiếp với các thành viên của nhóm Sáng Tạo, sẽ nhận ra rằng, họ chỉ được nghe Mai Thảo ngợi ca những bằng hữu trong nhóm của ông mà, hầu như không bằng hữu nào của tác giả “Tháng Giêng Cỏ Non,” công khai tuyên dương tài năng, trí tuệ của Mai Thảo, như nhà văn Trần Thanh Hiệp đã làm. Nếu tôi không lầm, đó là bài viết đầu tiên và duy nhất, tính tới hôm nay, của một thành viên sáng lập tạp chí Sáng Tạo.

Hơn thế, cũng lần đầu tiên, cách đây hai năm, khi chúng tôi tới Paris thăm, ở lại ăn Tết với bạn, là nhà văn Vũ Thư Hiên… thì trong một bữa ăn trưa do nhà văn Từ Thức/Trần Công Sung khoản đãi, nhà văn Trần Thanh Hiệp đã bất ngờ hỏi, theo tôi thì đâu là thất bại của Sáng Tạo? Tôi chưa kịp trả lời, ông đã nói: “Sáng Tạo đã thành công trong việc đổi mới thơ. Nhưng đã thất bại trong việc đổi mới thơ cho mọi người; thay vì chỉ đổi mới thơ cho một số người chủ trương nó.” (7)

Tôi muốn nhấn mạnh hai chữ “bất ngờ” vì, chưa bao giờ tôi có ý chờ đợi phong cách nhà-văn-thẳng-thắn-tự-tin, như phong-cách-Trần-Thanh-Hiệp, ở Paris, hôm đó. Vô tình, ông đã cho chúng tôi, một cái nhìn ấm áp về con người của ông. (Du Tử Lê)



Chú thích:

(4) Trang Wikipedia-Mở cho biết, nhà văn Mai Thảo sinh ngày 8 Tháng Sáu, 1927, tại thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, Nam Định, trong gia đình giàu có nhờ buôn bán và làm ruộng. Mai Thảo là cựu học sinh trung học Đỗ Hữu Vị (sau đổi tên là Chu Văn An, ở Hà Nội).

Ông có một thời gian tham gia kháng chiến, khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Năm 1951, Mai Thảo bỏ kháng chiến về thành đi buôn.Thời 16, 17 tuổi, ông làm thơ rất nhiều. Nhưng sau khi vào miền Nam, 1954, ông chuyên viết truyện, không làm thơ nữa. Năm 1956, ông là chủ biên tạp chí Sáng Tạo, gây được tiếng vang lớn. Năm 1974, ông trông nom tạp chí Văn.

Ngày 4 Tháng Mười Hai, 1977, Mai Thảo vượt biển, tới Pulau Besar, Mã Lai. Tháng Bảy, 1982, ở Hoa Kỳ, ông cho tái bản tạp chí Văn. Đến 1996, vì tình trạng sức khỏe, ông trao tạp chí Văn cho Nguyễn Xuân Hoàng. Ông có rất nhiều truyện nổi tiếng đã được xuất bản. Năm 1989, ông cho in thi phẩm “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền,” được đón nhận nồng nhiệt.

Nhà văn Mai Thảo mất ngày 10 Tháng Giêng, 1998, ở miền Nam California.

(5) Trần Thanh Hiệp, “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn.” Sưu tập của Lê Hoàng Tuấn Kiệt (Website dutule.com)

(6) Sau nhiều chục năm nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, vì quan điểm chính trị, coi như trong lịch sử văn học Việt Nam, không hề có sự hiện diện của cái gọi là nhóm Tự Lực Văn Đoàn thì năm đầu thiên niên kỷ mới, năm 2000, cơ sở Văn Hóa-Thông Tin ở Hà Nội đã cho xuất bản tập sách tựa đề “Nhất Linh, cây bút trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn.” Trong sách có bài của ông Nguyễn Tường Thiết, trưởng nam cố nhà văn Nhất Linh, hiện cư ngụ tại tiểu bang Washington, về cái chết của cha ông. Trước đó, tác phẩm của Thạch Lam (trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn) cũng đã được Hà Nội cho phép in lại.

(7) Nguồn: Facebook Tuyền Phan, video post ngày 7 Tháng Giêng, 2016.

Cảnh sát Beverly Hills điều tra 12 vụ tấn công tính dục

MỚI CẬP NHẬT