Tuesday, April 23, 2024

Trần Thanh Hiệp, ‘lý thuyết gia’ của nhóm Sáng Tạo?

Du Tử Lê/Người Việt

Một nhà sử học Tây phương từng cho rằng, lịch sử nào cũng chứa ít, nhiều những tình cờ định mệnh. Ngay cả lịch sử văn học, nghệ thuật với sự ra đời và biến, hoại của các học thuyết hay trường phái…

Nhận định này khiến nhiều người đã liên tưởng tới sự ra đời của tạp chí Sáng Tạo ở Sài Gòn, năm 1956, với những thành viên sáng lập, tình cờ gặp nhau trên bước đường di cư, từ miền Bắc vào miền Nam. Họ tập trung, quanh tờ Lửa Việt, tiếng nói của Hội Sinh Viên Đại Học Hà Nội Di Cư.

Về sự có mặt của tạp chí Sáng Tạo, đa phần người ta hay nói về nhà văn Mai Thảo, trong cương vị chủ biên tạp chí này, chứ không mấy ai để ý tới vai trò có tính cách kiến tạo, khởi đầu của những nhà văn như Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp.

Sinh thời, nhà văn Mai Thảo từng nhắc tới hai nhân vật kể trên, như hai “lý thuyết gia” của nhóm Sáng Tạo. Nhưng cố nhà văn Nguyễn Sỹ Tế rất ít có những bài viết bàn về vấn đề văn học nghệ thuật. Tác giả “Đêm Giã Từ Hà Nội” cũng cho biết thêm rằng, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế không biết vì quá bận rộn hay vì bản chất kín đáo, dè dặt, nên trước mấy cuộc thảo luận bàn tròn về thi ca, hội họa… của Sáng Tạo, ông cũng không tham dự. (1)

Vẫn theo nhà văn Mai Thảo thì họ Nguyễn chỉ trình bày quan điểm, suy tư của ông trong những họp mặt, gặp gỡ riêng tư, hoặc cho in trong những tác phẩm phê bình, nghiên cứu  văn học được ông cho ấn hành mà, không nhân danh, cũng không để Sáng Tạo đứng tên xuất bản.

Hơn thế nữa, tinh thần cởi mở, khách quan, không phe nhóm của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế còn biểu lộ rất rõ, khi ông nhắc tới dư luận đám đông, phê bình về nhóm Sáng Tạo (do chính nhà văn Trần Thanh Hiệp ghi lại trong một bài viết về Mai Thảo).

Đại ý nhà văn Nguyễn Sỹ Tế kể, có một thời gian, người dân Sài Gòn đã vui đùa, truyền tai nhau rằng, nếu ghé thăm “ngôi nhà” Sáng Tạo thì sẽ “…chỉ thấy bốn năm ông nhà văn mỗi ông ngồi một xó trước cái bàn thờ tổ sư riêng…” (Trích: Trần Thanh Hiệp: “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn”).

Phải chăng nội dung sâu xa của nguồn dư luận này, ngụ ý, mỗi nhà văn thuộc nhóm Sáng Tạo là chưởng một môn phái văn chương riêng? Và họ tự lạy chính họ?

Cũng trong bài viết này, có thể do tuổi tác, nhà văn Trần Thanh Hiệp (hiện ngoài 90 tuổi) đã lầm lẫn khi nói rằng, câu thơ nổi tiếng “Nhà văn An Nam khổ như chó,” là thơ của nhà văn Lê Văn Trương.  Trong khi câu thơ ấy của nhà thơ Nguyễn Vỹ, trong một bài thơ Nguyễn Vỹ viết tặng bạn là nhà nghiên cứu, phê bình văn học Trương Tửu. (2)

Về phương diện văn chương, tuy cả hai được cố nhà văn Mai Thảo ghi nhận là hai “lý thuyết gia” của Sáng Tạo, nhưng nhà văn Trần Thanh Hiệp thì ngược lại với Nguyễn Sỹ Tế. Họ Trần năng động, xông xáo với nhiều bài viết trên Sáng Tạo và thường xuyên ủng hộ, bênh vực những phát biểu của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, khi nhà thơ này bị dư luận phản ứng gay gắt trước những nhận định mới mẻ của ông về thi ca.

Điển hình trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhà văn Hoàng Lan Chi (website “Người Muôn Năm Cũ”), nhà văn Trần Thanh Hiệp đã “trầm trọng” bảo vệ Thanh Tâm Tuyền ở lãnh vực thơ tự do, khi ông nghe Hoàng Lan Chi nói thật cảm nghĩ của bà, về thơ Thanh Tâm Tuyền…

Nhà văn Trần Thanh Hiệp ghi nhận rằng “lịch sử” thơ Tự Do ở Việt Nam, đã chào đời khoảng cuối thập niên 1920, đầu thập niên 1930. Ông cũng dẫn chứng một bài thơ tự do của Nguyễn Đình Thi (ở miền Bắc), sáng tác năm 1945, được coi là thuở “sơ khai” của thơ Tự Do, với những câu như:

“Sáng mắt trong như sáng mắt năm xưa
Gió thổi mùa Thu hương cốm mới
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
Gió thổi mùa Thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
Thềm cũ ra đi lá rụng đầy”
(3)

Ngược lại, vẫn theo nhà văn Trần Thanh Hiệp thì thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền (ở miền Nam), trên Sáng Tạo (sau 1954) đã “dọn” cho thơ tự do một chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn. (Trích: Trần Thanh Hiệp: “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn”).

Để minh diễn quan điểm của mình (mục đích chính là bênh vực cho thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền), ông đưa ra một định nghĩa mới cho thơ tự do, nhân cuộc phỏng vấn khá “gập ghềnh” của Hoàng Lan Chi. Ông cho rằng thơ tự do (của Thanh Tâm Tuyền?) là loại thơ kết hợp được nhiều đặc tính của các loại thơ đã ra đời từ trước. Tuy nhiên, vẫn theo ông, thì thơ tự do (ở tạp chí Sáng Tạo) cũng có vần, điệu, niêm, luật… “nhưng theo một cung cách diễn tả mới, tự do hơn để bám sát hiện tượng sống của con người trong xã hội.” (Trích: Trần Thanh Hiệp: “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn”).

Phát biểu hay quan niệm thi ca của nhà văn Trần Thanh Hiệp, tiếc thay lại không nói rõ “cung cách diễn tả mới” là cung cách gì? Thế nào? Ra sao? Và, “để bám sát hiện tượng sống…” Mà, tiêu biểu cho quan điểm của mình, vẫn theo nhà văn Trần Thanh Hiệp, là thơ tự do thời Thanh Tâm Tuyền. Ông cũng thận trọng khi nhấn mạnh xin độc giả đừng hiểu lầm là ông có quan niệm lệch lạc vì tinh thần phe nhóm hoặc, vì tình bạn mà thiếu khách quan. (Trích: Trần Thanh Hiệp: “Mai Thảo, người kể chuyện bằng văn”).

Dù vậy, vẫn có không ít người muốn được hỏi ông rằng: Chỉ tính từ thời thơ mới (tức thơ Tiền Chiến) thôi, phải chăng tất cả đều là loại thơ xa lìa đời sống? Trong khi khó ai có thể phủ nhận, ngay thơ siêu thực, những tưởng nó không liên quan gì tới con người thì, hiểu theo nghĩa nào đó, nó vẫn có phần máu, thịt của cuộc sống nhân loại vậy! (Du Tử Lê)

(Kỳ sau tiếp)


Chú thích:

(1) Được biết nhà văn Nguyễn Sỹ Tế sinh năm 1922 tại Nam Định. Gia đình nội, ngoại thuộc hàng Nho học có khoa bảng. Thuở nhỏ ông học chữ Hán tại nhà, sau học trường Thành Chung Nam Định, trường Bưởi Hà Nội và trường Đại Học Luật Khoa Hà Nội. Ông làm thơ chữ Hán từ hồi nhỏ, làm thơ chữ Pháp từ thời trung học. Bắt đầu viết văn và dạy học từ 1945. Ông hoạt động trong ngành giáo dục nhiều năm… Ông mất ngày 16 Tháng Mười Một, 2005, tại Hoa Kỳ.

Về những tác phẩm nghiên cứu văn học của ông, có thể kể: Hồ Xuân Hương (khảo luận, 1956); Việt Nam Văn Học Nghị Luận (khảo luận, 1962); tiểu luận Văn Hóa và Giáo Dục (khảo luận 2000); luận đề về các tác giả cận kim và hiện đại Việt Nam (sách giáo khoa)… (Theo trang nhà “Ái Hữu Đại Học Sư Phạm Sài Gòn,” tác giả Ngộ không Phí Ngọc Hùng.)

(2) Bài thơ này có những câu: “Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ Nhà văn An Nam khổ như chó/ Mỗi lần cầm bút nói văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương/ Và nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm giời: Kiết vẫn kiết!/ Mà thương cho tôi, thương cho anh/ Đã rụng bao nhiêu mớ tóc xanh.” Đọc thêm: “Trần Thanh Hiệp: Mai Thảo, người kể truyện bằng văn,” sưu tập của Lê Hoàng Tuấn Kiệt (trang nhà dutule.com).

(3) Sự thực, ngay khi bài thơ trên của Nguyễn Đình Thi được phổ biến, dư luận những người làm thơ thời đó, đã cho rằng, đó là một thứ thơ 7, 8 chữ biến thể – không chú trọng số chữ, hiệp vần, nhưng hơi thơ vẫn là loại thơ có vần, điệu. Ngược lại, khá nhiều bài thơ của nhóm “Nhân Văn, Giai Phẩm” xuất hiện giữa thập niên 1950, mới thực sự là thơ tự do…

MỚI CẬP NHẬT