Friday, March 29, 2024

Trịnh Cung, người thường ‘thả bom tấn,’ đưa tới những phản biện gay gắt

Du Tử Lê/Người Việt

“Cũng cầu mong quý vị đọc nhớ giùm đến thời điểm mà vấn đề được tôi đề cập đến. Cái đúng của ngày hôm qua sẽ chẳng thể đúng mãi với những ngày sau, nhưng xin chắc một điều, đó là những gì được bày tỏ rất chân thành.”

“Ở tuổi 80, hôm nay, tôi không còn mấy bạn thân, nhiều người trong số này đã ra đi vĩnh viễn. Họ đều tài năng và một số là thiên tài. Tôi chỉ là một con ong thợ trong lãnh vực nghệ thuật, cần cù góp nhặt những phấn hoa từ những bông hoa của cuộc đời để làm ra từng giọt mật. Tôi không tự sinh ra chúng như những thiên tài. Vẽ cũng như viết ra, tôi đều như thế…”

Tác phẩm “Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” của Trịnh Cung, được bắt đầu như thế ở trang “Thay lời tựa.”

Ngay sau phần “tự bạch” thẳng thắn, có phần khiêm tốn này, bài đầu tiên của phần “Nhận Định,” họa sĩ Trịnh Cung trình bày sự tương tác, hay tương quan hữu cơ giữa hai lãnh vực “văn học và nghệ thuật.”

Tôi không nghĩ tác giả sắp xếp thế này là một tình cờ hay hứng khởi tình cảm. Tôi nghĩ nó được hướng dẫn, chi phối từ những điều sâu xa hơn, trầm trọng hơn. Thí dụ, sự tuột dốc, thoái trào của cái mà tôi xin tạm gọi là “đạo đức” hay “văn hóa căn bản” của giới làm văn học nghệ thuật.

Sự lên ngôi và ngự trị đỉnh cao của những giá trị vật chất, đã đẩy lùi và gần như xóa bỏ hẳn nền “đạo lý” của giới nghệ sĩ trong sinh hoạt sáng tạo từ văn chương tới đường nét và màu sắc.

Tình cảnh này, qua những trang sách, như những tiếng kêu trầm thống của họa sĩ Trịnh Cung, cho thấy mặt khác, mặt tâm linh sâu thẳm của những thao thiết, đau đáu ở lãnh vực ông không chỉ góp mặt, như một thành phần đáng kể, mà ông còn chính là một thành tố tươi tốt của lãnh vực đó nữa.

Tôi nghĩ, tôi hiểu và cảm được quan niệm, tấm lòng kính trọng những thế hệ nghệ sĩ đi trước ông. Tôi nghĩ, tôi hiểu và cảm được sự trân trọng một cách biết ơn, ông dành cho thế hệ tiên phong…

Trong bài viết đầu sách, tựa đề “Sự phát triển văn học và nghệ thuật khi thiếu tương hợp sẽ ra sao?” Trịnh Cung đặt ra nhiều câu hỏi. Những thực tế tất cả mọi câu hỏi đã được tác giả giải đáp. Xác nhận và khẳng định. Dù càng về sau này, người ta càng phủ nhận giá trị, sự mở đường, của những người đi trước. Bài vừa kể, Trịnh Cung viết từ Tháng Bảy, 2013:

”… Và đối với Việt Nam, giai đoạn vừa thoát khỏi văn hóa Hán Nôm, liệu nếu không có sự ra đời của Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn vào năm 1935 bởi những nhà văn như Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Khái Hưng… thì liệu có sự tỏa sáng của bộ mặt hội họa hiện đại Việt Nam non trẻ lúc bấy giờ hay không, trong khi mấy ai biết đến và thưởng thức được tranh của những Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ… giữa một công chúng Việt Nam còn khốn khó và lạc hậu, con chữ còn mù mờ huống gì là tác phẩm nghệ thuật?

“Đến giai đoạn Việt Nam bị chia đôi đất nước 1954, miền Nam với nền Cộng Hòa non trẻ gặp rất nhiều khó khăn cả về quốc phòng lẫn kinh tế, cả về chính trị lẫn văn hóa, nếu không có sự xuất hiện sớm của nhóm Sáng Tạo và tạp chí Sáng Tạo năm 1956 của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng… đã phổ biến nhiều tác phẩm văn xuôi, thơ, hội họa, kịch, phê bình theo phong cách hiện đại và nhất là dấy lên những cuộc tranh luận bàn tròn để thanh toán cái cũ và hiện đại hóa văn học và mỹ thuật Việt Nam, thổi một luồng gió mới làm thay đổi bầu trời văn nghệ miền Nam vốn rất “êm đềm” đã lâu. Nếu không có cuộc ‘nổi loạn’ mang tên nhóm Sáng Tạo ấy để gây nên một hiệu ứng tích cực cho giới họa sĩ trẻ từ bỏ mỹ thuật trường quy, phiêu lưu vào thế giới sáng tạo hiện đại hơn bao giờ thì liệu miền Nam có được một loạt tài năng như Cù Nguyễn, Lâm Triết, Nguyễn Trung, Đinh Cường, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyên Khai, Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Hồ Thành Đức… những người đã đóng góp phần rất lớn tạo nên bộ mặt hội họa hiện đại phát triển mà kể cả sau ngày nước Việt Nam Cộng Hòa bị xóa sổ 30 Tháng Tư, 1975, dấu ấn của nó vẫn còn in đậm trong ký ức của người Việt yêu mỹ thuật đến tận hôm nay, sau 38 năm…” (Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật, trang 10, 11).

Cũng trong bài viết kể trên, tác giả là người đầu tiên đề cập tới hiện tượng mà ông mệnh danh là “tình trạng mỹ thuật bị tư bản thực dụng lũng đoạn,” chi phối thị trường mỹ thuật Tây phương; dẫn tới những phản ứng dữ dội của nhiều phong trào, điển hình như phong trào Stuckism. Đây là một minh chứng thêm, cho thấy kiến thức sâu rộng, được cập nhật thường xuyên của người họa sĩ, và cũng là một nhà phê bình hội họa hiếm hoi của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Về hiện tượng lũng đoạn ở lãnh vực nghệ thuật, Trịnh Cung viết:

”… Tình trạng mỹ thuật bị Tư Bản Thực Dụng lũng đoạn đã dẫn tới những phản ứng chống đối như phong trào Stuckism (chủ nghĩa Mắc Kẹt) được ra đời năm 1999 tại London bởi hai nghệ sĩ đương đại Billy Childish và Charles Thomson. Ngoài việc chống lại nghệ thuật ý niệm và kêu gọi phục hưng Nghệ Thuật Hiện Đại, nhóm Stuckism còn chống kịch liệt sự thị trường hóa nghệ thuật đương đại của ngành quảng cáo. Điển hình là họ đã phản đối phòng tranh Nghệ Thuật Anh Quốc có tên là Tate Gallery và giải thưởng Turner hàng năm do sự giựt dây đằng sau của những trùm đầu cơ nghệ thuật như Charles Saatchi, Lisson Gallery, Whit Cube Gallery. Với quyền năng khôn lường của ngành quảng cáo, Nghệ Thuật Ý Niệm đã không còn giữ được tính giải phóng tư tưởng và chống lại mọi định chế Cái Đẹp của Nghệ Thuật Hiện Đại và các nền nghệ thuật có trước như lúc nó được khởi xướng bởi những Marcel Duchamp, Paul Klee… Các nghệ sĩ Nghệ Thuật Ý Niệm ngày nay cũng bị thị trường xỏ mũi. Tác phẩm của họ dần dần rời xa chất ‘đường phố,’ dùng chất liệu càng đắt tiền càng tốt, tác phẩm của họ là thời trang sang trọng của giới siêu trưởng giả phương Tây, có giá hằng triệu đến cả trăm triệu đô la. Saatchi hiện nay cũng đang làm ăn lớn ở Việt Nam và hình như cũng đang đứng sau lưng một số sự kiện nghệ thuật đương đại ở Hà Nội và Sài Gòn (…)”

”… Riêng ngày nay, hay đúng hơn là từ cuối thế kỷ 20, khi Chủ Nghĩa Tư Bản Thực Dụng bành trướng ở phương Tây và chủ nghĩa Cộng Sản thống trị một số nước ở phương Đông thì có một số điểm khá giống nhau về lý do làm nên tình trạng hủy diệt sự tự do sáng tạo và tự do liên kết trí thức và nghệ sĩ. Tuy cách thức tiến hành rất khác nhau nhưng tư tưởng của Karl Marx, tác giả của Tư Bản Luận đã xác định ‘Mọi thứ đều là hàng hóa’ đã được các nhà doanh nghiệp ngày nay áp dụng một cách nhuần nhuyễn. Cái hồn nhiên nếu không muốn nói là sai lầm của những nhà khởi xướng cuộc lật đổ chủ nghĩa hiện đại và đòi giải phóng tuyệt đối cho sự độc lập của nghệ sĩ đã làm chia cách các cá thể sáng tạo thành những chủ thể cô độc và yếu ớt, phá tan các salon văn nghệ, nơi sản sinh ra các trường phái văn học và nghệ thuật một thời rất sinh động ở phương Tây…” (Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật, trang 24, 25, 26).

Trước hiện tượng phá sản, tuột dốc của nghệ thuật tạo hình ở “quê hương hội họa” một thời ở phương Tây, Trịnh Cung qua những bài viết về những danh họa “đầu nguồn” của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, từ những năm giữa thập niên 1930, vẫn cho thấy tấm lòng trân trọng, biết ơn của ông đối với lớp người mở đường, đi trước ông.

Sự kiện này, khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng trong con người Trịnh Cung, có rất nhiều con người, tuồng mâu thuẫn nhau?

Bởi vì, trong đời thường ở nhiều giai đoạn khác nhau, không hiếm những lần họa sĩ Trịnh Cung thả những trái “bom tấn” vào dư luận, đưa tới những phản biện gay gắt… Nhưng ông cũng lại là người chung thủy với ngọn cờ “biết ơn người đi trước” và lai tỉnh những văn nghệ sĩ – những người làm văn hóa, trước hơn ai hết, phải chứng tỏ mình có văn hóa!

Rõ hơn, Trịnh Cung quan niệm, phàm là văn nghệ sĩ, những người làm văn học, nghệ thuật, phải có một căn bản văn hóa ứng xử biết ơn tử tế với những danh họa của chúng ta như Mai Trung Thứ, Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Tạ Tỵ, Phạm Tăng… Và thế hệ sau di cư 1954, với những tên tuổi như Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng… Ông cũng không quên nhắc tới, viết về những người bạn đồng hành, từng đặt những viên gạch đầu tiên, làm thành Hội Họa Sĩ Trẻ ở miền Nam, trước Tháng Tư, 1975, mà ảnh hưởng của họ, còn âm vang tới hôm nay.

(Còn tiếp)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm thịt xá xíu đơn giản”

MỚI CẬP NHẬT