Thursday, March 28, 2024

Trịnh Cung với nỗ lực ‘đả thông kinh mạch’ hội họa

Du Tử Lê/Người Việt

(Tiếp theo và hết)

Tôi cho rằng, nếu không có Trịnh Cung với tác phẩm “Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” thì không biết tới bao giờ, mảng hội họa “tranh hang động” mới được soi sáng, trả lại đúng vị trí, vai trò lịch sử của nó, trong tương quan với nghệ thuật tạo hình hôm nay.

Tôi nghĩ, riêng tại Việt Nam, chưa có một nhà nghiên cứu, phê bình hội họa nào, đề cập tới sự hiện diện rất sớm của loạt “tranh hang động” thời nhân loại có chữ viết. Đấy là một lãnh vực rất mù mờ, nhiều ngộ nhận trong kiến thức của người thưởng ngoạn, cũng như với chính những người tham gia sinh hoạt tạo hình Việt Nam.

Trả lời câu hỏi về “tranh hang động,” phần thứ nhất, họa sĩ Trịnh Cung viết: “… Trước những họa sĩ (thời) Phục Hưng, hội họa đã xuất hiện bởi những họa sĩ vô danh lâu rồi nhưng bị coi là sơ khai, đó là nghệ thuật thời Tiền Sử. Người ta coi tranh hang động là nghệ thuật của loài người chưa văn minh, thiếu học hành, nguệch ngoạc trong lúc nhàn rỗi của những người đi săn, đi mưu sinh. Đây là một đánh giá nhầm lẫn của những nhà nghiên cứu quá thiên về chủ nghĩa hàn lâm. Không ai dám phủ nhận sự tuyệt vời của nghệ thuật hàn lâm nhưng vì sao ngày nay nó mất ngôi thống trị nền nghệ thuật thế giới? Và oái oăm thay, cái mà nó bị gạt ra bên lề của nghệ thuật suốt mười thế kỷ đầu của lịch sử nhân loại là bài học mở đường cho Nghệ Thuật Hiện Đại. Thậm chí Picasso đã có lần ca tụng tranh hang động đã làm lu mờ hội họa hiện đại…” (Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật, trang 178).

Cũng vẫn là vai trò hay, vị trí lịch sử của “tranh hang động,” trả lời hai câu hỏi, nằm trong phần “Những Câu Hỏi Về Hội Họa,” phần thứ tư, tác giả, họa sĩ Trịnh Cung đã nói thêm, rõ hơn: Như ở phần kỳ 1, của ‘Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật,’ tác giả có đề cập đến tranh hang động của người tiền sử và những giá trị nghệ thuật của nó, vậy những giá trị nghệ thuật của nó nằm ở chỗ nào khi mà những người tiền sử, tác giả của chúng là những con người thuộc thời đại cách ngày nay hơn 40,000 năm Trước Công Nguyên, đời sống còn rất hoang dã và mọi việc của họ làm đều phụ thuộc hoàn toàn vào bản năng?” (Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật, trang 202)

Một câu hỏi nữa: ‘Mặt khác, trong khi nghiên cứu về hội họa hiện đại có phải người ta đã nhận ra trong nhiều tác phẩm của một số danh họa hiện đại có nhiều dấu vết liên quan với tranh hang động nói riêng và các di sản nghệ thuật khác của người tiền sử như điêu khắc đá hay tượng totem cũng như mặt nạ?’”

Trịnh Cung: Tranh của người cổ xưa đã xuất hiện trong các hang động ở nhiều nơi trên thế giới, từ Châu Âu đến Châu Á từ hơn 40,000 năm Trước Công Nguyên không chỉ được các nhà sử học, khảo cổ, triết gia… coi đó như những văn bản đầu tiên chứa đựng những thông tin, những câu chuyện có liên quan giữa con người và thiên nhiên trước khi con người chưa có chữ viết. Những hình vẽ ấy không chỉ là tiền thân của chữ viết, ngôn ngữ đặc trưng của con người mà nó còn là những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên, khai mở cho lịch sử hội họa của nhân loại.” 

Thật vậy, không như những đánh giá trước đây còn hạn chế của những nhà khảo cổ, những triết gia thời Phục Hưng, chỉ coi tranh hang động là những mô phỏng thiên nhiên một cách đơn sơ, ngây ngô, chỉ có giá trị về mặt thông tin, chỉ là những chứng cứ về một phần cuộc sống con người thời tiền sử. Có lẽ vì bị choáng ngợp bởi những nền nghệ thuật hàn lâm cực kỳ tinh xảo và toàn bích của các thiên tài Hy Lạp và Phục Hưng Ý mà người ta đã có những nhận định nghệ thuật không đầy đủ giá trị cho tranh hang động cho mãi đến khi các nhà nghệ sĩ tiền phong của nền hội họa hiện đại thế kỷ 20 như Picasso chẳng hạn, đã nhận ra một cách đầy đủ những giá trị nghệ thuật hảo hạng bộc lộ trên toàn bề mặt của chúng rất đáng tôn vinh và học hỏi.”

Ở đây, xét về mặt nghệ thuật tạo hình, chúng có đầy đủ những yếu tố thẩm mỹ cơ bản của một bức họa như bố cục vững vàng, vẻ đẹp hiện thực của hình thể, sự uyển chuyển nhịp điệu của đường nét cùng với sự hài hòa của màu sắc và sau cùng, toàn bức tranh đã khơi dậy cảm xúc đầy thú vị. Ngoài ra, có một yếu tố mà tranh hang động làm chúng ta phải tự hỏi, phải ngạc nhiên, sao những nhà nghệ sĩ cổ xưa ấy, vốn chưa có trí thức, chưa có khoa học, lại tạo ra những tác phẩm hội họa có thể tồn tại như vĩnh viễn trước muôn trùng thời gian, không gian và thời tiết? Hội đủ cả hai mặt kỹ thuật và nội dung như đã đề cập ở trên, đó không chỉ là nghệ thuật đích thực mà còn hơn thế nữa…” (Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật, trang 202, 203, 204, 205).

Trong tinh thần “tôn vinh và học hỏi,” tác giả “Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” khi đề cập tới những họa sĩ Việt Nam có công cách tân, mở đường ở lãnh vực tạo hình, như họa sĩ Mai Trung Thứ, một tên tuổi có thể không được phổ biến lắm, trong giới thưởng ngoạn hội họa hôm nay, Trịnh Cung viết: Là một trong ba danh họa Việt Nam về tranh lụa, hai họa sĩ kia là Nguyễn Phan Chánh và Lê Văn Đệ, họa sĩ Mai Trung Thứ sinh ra ở Hải Phòng, năm 1906, tốt nghiệp khóa đầu trường Mỹ Thuật Đông Dương – Hà Nội, sang Pháp và định cư tại đây năm 1938. Sau nhiều năm nổi tiếng với thể loại tranh lụa vẽ về đề tài phụ nữ và trẻ em Việt Nam được người Pháp yêu quý, ông mất vào năm 1980.”

Tranh lụa Mai Trung Thứ không chỉ được người Pháp yêu quý mà còn được cơ quan UNESCO của tổ chức Liên Hiệp Quốc chọn như một biểu tượng nghệ thuật của tình yêu dành cho trẻ em trên toàn thế giới.”

Khác với cách vẽ tranh lụa của hai nhà danh họa Nguyễn Phan Chánh và Lê Văn Đệ, họa sĩ Mai Trung Thứ không áp dụng cách vẽ lụa ướt (lụa rửa) từng được hai bạn đồng môn đồng khóa tài hoa như đã nêu trên và được lưu truyền cho rất nhiều họa sĩ Việt Nam từ trước đến ngày nay, ông tìm ra một cách vẽ lụa khác, phi truyền thống, đó là vẽ trực tiếp xuống nền lụa được bồi sẵn như vẽ bột màu trên giấy canson, như vẽ sơn dầu trên vải bố, tạm gọi là vẽ lụa khô. Đây là cách vẽ được ông cách tân dựa trên kỹ thuật vẽ của hội họa hiện đại phương Tây. Với cách vẽ trực tiếp xuống nền lụa như thế sẽ giúp nhà nghệ sĩ tránh được việc phải trải qua các công đoạn chuẩn bị cầu kỳ như căng lụa, làm phác thảo rồi dùng giấy ‘can’ đặt lên phác thảo để đồ lại những nét vẽ (đường viền) của các hình thể trong bức phác thảo, sau đó, đặt giấy ‘can’ này có lót giấy than (một loại giấy dùng cho máy đánh chữ) lên mặt lụa và đồ lại cho những nét vẽ ấy được in trên mặt lụa, sau đó làm ướt lụa trước khi tô màu,…sau cùng là bồi lụa trên giấy bản để kết thúc một tiến trình vẽ tranh lụa theo truyền thống (…)

Mặt khác, cách vẽ lụa của Mai Trung Thứ cho người xem sự trực cảm với màu sắc và đường nét trong tranh. Màu và nét vẽ của Mai Trung Thứ được họa sĩ chọn lọc dựa trên luật tương phản vừa có sức thu hút mạnh mẽ thị giác người xem đồng thời cũng không kém phần tinh tế của thứ thẩm mỹ kinh điển. Hiển nhiên, đây là kết quả tuyệt vời của sự kết hợp hòan hảo giữa hai bản sắc nghệ thuật Đông và Tây, một bên đầy lý tính và phía kia là thế giới của trầm mặc.” (Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật, trang 57, 58, 59)

*

Chỉ với hai thí dụ nêu trên, trích từ tác phẩm “Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” của Trịnh Cung, đã cho thấy nỗ lực “đả thông kinh mạch” của tác giả với nền hội họa Việt Nam và thế giới nữa.

Theo tôi, tác phẩm “Nhận Định và Những Câu Hỏi Về Mỹ Thuật” của họa sĩ Trịnh Cung, chí ít cũng giúp người đọc tăng bổ phần kiến thức về bộ môn nghệ thuật tạo hình này.

Mời độc giả xem chương trình dạy nấu ăn “Tôm kho tàu gạch đỏ au”

MỚI CẬP NHẬT