Thursday, March 28, 2024

Truyện dịch và dịch giả

Viên Linh/Người Việt

Vào lúc sáng sớm, một người bạn ghé nhà và trong câu chuyện, chúng tôi đã nhắc đến một số tác phẩm Việt Nam dịch ra ngoại ngữ, nhân đó, nhắc đến các dịch giả của ta, từ xưa đến 20 năm ở miền Nam Việt Nam.

Câu chuyện càng lúc càng dài ra, và tôi đứng dậy, tắt đèn lửa trong các phòng, ra khỏi nhà với người bạn. Kinh nghiệm cho biết sau khi chuyện trò với bạn trở về, có khi mình sẽ có đề tài cho bài viết hôm nay.

Đọc báo đâu đó, hay đọc hồi ký các nhà văn, người ta từng biết rời bỏ bàn giấy vào lúc chưa biết làm gì, khi trở về người ta có thể vội vàng hối hả viết, sợ không viết xuống ngay thì những gì đang có trong đầu sẽ tan biến mất. Đây là kinh nghiệm của tôi sáng hôm nay.

Trong khi uống cà phê, người bạn hỏi tôi đang viết gì. Câu trả lời là không có gì để viết. Tức là không biết viết gì. Bạn tôi không phải nhà văn chuyên nghiệp, song hằng năm đều có tác phẩm, đó là một tập đặc san mùa Xuân anh thực hiện mỗi năm ở hải ngoại. Trước di tản anh phục vụ trong ngành quân nhu, những năm gần đây năm nào anh cũng làm một tập san Xuân cho binh chủng của anh.

Những tập san của người Việt hải ngoại có một đặc điểm là tình cảm trong sáng: bài vở nội dung trình bày trong ngoài hầu như đều hướng về những cái đẹp, những gì đáng nhắc nhở – kỷ niệm ngày xưa con người thuở ấy và bây giờ, tất cả phải đẹp, vì người ta thường nói về những gì đáng nhớ, mà những gì còn nhở bây giờ vốn là những gì tốt đẹp của ngày xưa, nhất là tập san ấy làm vào dịp lễ Tết, quan trọng nhất là Tết Xuân Âm Lịch mỗi năm.

Và hôm nay chúng tôi nói đến những truyện hay đọc thời niên thiếu, nhất là những truyện hay ngoại quốc, và vì thế, tên tuổi các dịch giả hiện lên. Anh nói đến Nguyễn Hiến Lê, tôi nhắc đến Vũ Ngọc Phan, người đưa ra Nguyễn Văn Trung, kẻ nói đến Thạch Trung Giả.

Rồi lần lượt chúng tôi kể ra những tên dịch giả Việt Nam, nhân đó những gì dưới đây được ghi lại hầu những ai thấy cần hay muốn đi tìm những tác phẩm hay nước người đã dịch ra Việt Ngữ có thể có thêm ý kiến, hầu giúp trí nhớ chung một khi có thể cần đến, nhắc đến.

Mặt khác, quan trọng hơn: các tác phẩm cổ điển của văn học Việt Nam (trong vài thế kỷ trước) đã có những bản Anh ngữ nào, hầu chúng ta và các thế hệ sau, không rành chữ Hán và không rành cả chữ Pháp, có thể phải trông vào Anh ngữ để tìm hiểu?

Chúng ta nên bắt đầu bằng cách nhắc đến các tác phẩm cổ điển – các tác phẩm tạo dựng của nền văn hóa văn học các thế kỷ trước, rồi sẽ lần lượt đi xuống từ sâu xa tới hiện đại.

Đó là những bản dịch Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, thơ Nam Quốc Sơn Hà Lý Thường Kiệt, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh, Việt Điện U Linh Tập của Lý Tế Xuyên… Những tác phẩm cổ đại trên hiện nay đã có các bản dịch Anh ngữ, hay Pháp ngữ.

Đến gần nữa là những Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm và cả một tản văn học Việt qua Pháp Ngữ đầu tiên ở “Nam Kỳ” – tức là thời người Pháp đến miền Nam và vài chục năm sau với những gì ta còn thấy bây giờ, qua các tên tuổi Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Đản…

Nhắc đến các vị này chúng ta sẽ nhớ đến những tờ báo quen thuộc trong các thư viện sau này: Đông Dương Tạp Chí, Phụ Nữ Tân Văn… Bài này không nhằm vào sự thẩm định văn chương của vấn đề, chỉ nhắc nhở tới những người và vài tờ báo từng nhằm phổ biến văn học việt Nam cho những người, những thế hệ không quen thuộc với các ngoại ngữ từng ngự trị trên đất nước ta trong các thời đại trước.

Các biến cố chính trị quân sự xảy ra trên đất nước từ thế kỷ 19 tới nay đã di hại không nhỏ cho sách vở, hàng trăm ngàn cuốn sách bị tiêu hủy, các dịch giả thời này có thể là nạn nhân của thời khác, biến cố gần nhất năm 1975 cho thấy thật là may mắn mà khoảng một triệu người Việt đã thoát ra khỏi biên giới đất nước.

Họ ra đi dù không mang theo gì nhiều, nhưng chính họ đã là vốn liếng làm sống lại một nền văn học bị kẻ thù mà đầu óc do ngoại bang chi phối, đã tiêu hủy hàng triệu cuốn sách. May thay, những người thoát khỏi tay giặc chính là những người từ hải ngoại làm sống dậy một nền văn học 20 năm mà nay đã sống tới gần một thế kỷ, và đang trở lại quê hương làm sống dậy tâm tư một dân tộc.

Ở đó, sách dịch đang còn đóng góp truyền đi tâm tư ấy, vừa cho nước ngoài, vừa cho các thế hệ sau ở hải ngoại – tầng lớp phải cần đến sách dịch để trở về một quê hương tinh thần của cha mẹ và tiền nhân họ. Đó là công việc của các thế hệ dịch giả hiện nay và trong tương lai.

Mời độc giả xem bình luận “Tình trạng chia rẽ trong cộng động người Việt trên đất Mỹ”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT