Friday, April 19, 2024

Tuần báo văn chương đầu tiên in offset ở miền Nam

Viên Linh

Nhan đề bài viết như trên có thể gây ra thắc mắc: Miền Nam Việt Nam vốn là cái nôi báo chí văn hóa, tài liệu ở đâu và trí nhớ bao xa để hơn nửa thế kỷ sau có thể trình bày lại một sự việc bao la như thế?

Người viết xin tóm tắt cụ thể ngay: tuần báo nhiều vô kể, nhưng tuần báo văn chương thuần túy thì chỉ có một vài, còn lại là nguyệt san, bán nguyệt san, hay loại đặc san hai ba tháng mới ra một lần. Quả thật miền Nam năm 1965 có một tuần báo văn chương, bảy ngày ra một số mới, lại quy tụ những nhà văn nhà thơ họa sĩ danh tiếng, và đặc biệt lại in bằng kỹ thuật offset tối tân nhất, không có một vị tướng hào hoa thì không có tuần báo này, đó là trường hợp tuần báo Nghệ Thuật và mạnh thường quân Nguyễn Cao Kỳ.

Ngay số 1, tờ báo đã có bài vở của Vũ Khắc Khoan, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Mạch Côn, Mặc Đỗ, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Viên Linh, Sơn Nam, Thanh Nam, Tạ Tỵ, Doãn Quốc Sỹ, Trần Lê Nguyễn… Là thư ký tòa soạn của tờ báo kiêm cả việc trình bày offset (kỹ thuật tân tiến nhất mới nhất lúc bấy giờ), từ lo bài vở tới việc trình bày bài vở, tờ báo (khuôn khổ, trang, cột, tựa bài, chữ đứng, chữ nghiêng…) tôi biết rõ báo in 5,000 tờ, và bán hết trong vòng một tuần.

Trên nửa thế kỷ nay người ta đã viết nhiều về tờ Nghệ Thuật, song có lẽ chưa có bài viết nào nói rõ vì sao miền Nam có một tờ báo văn chương (là loại báo không nhiều độc giả do đó các thương gia không muốn in quảng cáo trong đó) lại in offset nhiều màu (là kỹ thuật tốn kém nhất). Tôi may mắn được biết từ đầu vì là người cùng với họa sĩ Đằng Giao trình bày tờ báo, nghĩa là sửa soạn làm tờ báo từ giây phút đầu tiên. Đây cũng là lần đầu tiên câu hỏi: “Ai bỏ tiền ra làm tờ báo văn chương lại in offset như thế?”

Câu hỏi này lúc ấy là một bí mật. Nguồn gốc tài chánh của một cơ quan ngôn luận dù thế nào luôn luôn là một bí mật. Khi báo đang làm số 1 (1 Tháng Mười, 1965) tôi đang ở chung phòng với nhà văn Thanh Nam, tổng thư ký tòa soạn tờ Nghệ Thuật. Nơi chúng tôi cư ngụ quen gọi là building Cửu Long, một tòa nhà hai tầng trên đường Hai Bà Trưng thuộc Quận Nhì, Sài Gòn. Sài Gòn 1965 là khoảng thời gian phơi phới của tự do, hai năm tự do bát ngát sau khoảng 1954-1963, chín năm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa – cơ cấu dàn dựng nặng phần Cơ Đốc Giáo – sụp đổ bằng một cuộc thảm sát, cái chết của hai vị lãnh tụ đảng Cần Lao.

Sự xuất hiện của Nghệ Thuật làm rúng động làng báo văn chương: báo in offset “phải” là báo giàu. Kết luận như thế là hợp lý, song Chủ Nhiệm Mai Thảo và Tổng Thư Ký Thanh Nam hay ông quản lý Từ Ngọc Toản (ca sĩ Anh Ngọc) không phải là dân giàu có.

Mai Thảo di chuyển bằng cách ngồi xích-lô đạp, Thanh Nam ở xa tòa báo (nhà in) hơn, đi taxi, còn tôi vốn được tặng cái Lambretta mới từ hồi nhận làm tổng thư ký một tờ nhật báo mới ra số đầu, nhật báo Dân Tiến (hậu thân Dân Ta của nhà thơ Nguyễn Vỹ), từ đó mà có xe mới.

Nói chung giới làm báo Sài Gòn đều di chuyển bằng xe gắn máy là chính, khoảng hai phần mười có xe hơi, loại Simca hay Con Cóc. Dân Tiến thể thức báo Nam, trang nhất phải có 14 cái tin và hình (đếm số tựa trang nhất là một cách phê phán hồi đó, đếm số tiểu thuyết và thể loại bài vở tiết mục trang trong cũng vậy). Nửa thế kỷ sau một nhà thơ bạn tác giả Thắp Tình cho biết: người ta sắp hàng trước cửa tiệm sách chờ mua Nghệ Thuật ngày báo ra Trung nơi tỉnh anh.

Bước chân vào làng báo từ vai trò thấp nhất: phóng viên một nhật báo, lại là phóng viên chiến trường, được “đặc cách” cử vào Rừng Sát theo Chiến Dịch Hoàng Diệu lùng bắt Bảy Viễn của Tướng Dương Văn Minh, và Chiến Dịch Thoại Ngọc Hầu (hay Trương Tấn Bửu cũng của ông này) – những năm đầu tiên vào nghề báo của tôi xét ra là những năm thử lửa. Tập sự mà thử lửa.

Trong đám phóng viên tôi luôn luôn là người trẻ nhất, nếu không muốn nói là học trò nhất, măng sữa nhất. Đi tàu há mồm đâm thẳng vào bãi bùn lầy rồi nhảy vào bùn mà leo lên bờ ở Rừng Sát, cùng kháo nhau là “đi bắt Bảy Viễn và tịch thu hai thùng vàng và đô la” của ông ta, cuối cùng được trông thấy… bãi đất san bằng bên cạnh, và lời giải thích của một vị sĩ quan quân chính phủ: “Tiếc thay ta đến chậm, kia là bãi đất chúng san bằng cho phi cơ đáp xuống. Nó chở hai thùng vàng bạc bay qua Nam Vang rồi!” Hỏi “nó” là ai thì được trả lời: “Thì nó là thằng Paul, con Bảy Viễn chứ ai.” Một vị đàn anh trong nghề già đời nhìn tôi: “Biết rồi khổ lắm nói mãi! Mấy đứa gian manh lúc nào nó cũng lẹ không hà!” Rồi vị đồng nghiệp già nói nhỏ đủ cho tôi nghe: “Mấy đứa này lúc nào cũng có tay trong biết trước không hà!”

Nhưng bây giờ nhìn lại, chưa biết chừng tôi đã may mắn bước vào nghề báo từ vai trò lấy tin, hồi 1955-56, ở tuổi 17, làm tin, làm phóng viên một nhật báo là thích hợp, nhất là chỉ làm buổi sáng, còn buổi chiều vẫn đi học. Làm nhật báo trước hết biết cách lấy tin tức. Trước hết phải nhanh. Biết nguồn tin, tìm nguồn tin. Tạo ra tin.

Phụ trách lao động, mỗi sáng tôi phải tới các văn phòng Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam của ông Trần Quốc Bửu, Lực Lượng Thợ Thuyền Việt Nam của ông Bùi Lượng, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (ông Cư), để xin những tin tức mới nhất về đình công, về tranh đấu, để viết tin, hay phỏng vấn, hay nếu đang có biểu tình lãn công ở đâu, thì tới chụp hình, lấy thông cáo, tiếp xúc, tìm phản ứng… Công việc này cực kỳ vất vả, khó khăn, không biết hỏi thì không ai nói, họ nói mà mình viết không thành bài, không nêu được sự việc hay vấn đề, thì không phải “bồ tèo,” không gây ra tiếng vang nào.

May mắn thay, giai đoạn ấy qua mau, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, tôi trở thành biên tập viên nhật báo Ngôn Luận, được một cái bàn viết nhỏ trong tòa soạn, đi đâu về ngồi vào bàn mình: trên đó hoặc là có những thiếp mời mình sẽ đi dự rồi về viết bài, hay những tài liệu ông chủ bút hay tổng thư ký muốn mình tùy tiện khai thác. Hay kèm theo lệnh: Đi họp viết bài, phỏng vấn…

Nhưng khoảng một năm sau, tức là khoảng 1957, quen rộng trong làng báo, đã được cử đi các chiến dịch ở miền Trung, và sáu tỉnh Nam Kỳ, được mời đi dự và… cộng tác ở mấy tờ báo khác, và cũng chỉ hai năm, tôi trở thành thư ký tòa soạn và tổng thư ký tòa soạn các nhật báo Dân Ta rồi Dân Tiến, sau nữa có thời gian làm quyền chủ nhiệm kiêm quyền chủ bút nhật báo Tiền Tuyến của Cục Tâm Lý Chiến thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị khi hai ông trung tá chủ nhiệm và thiếu tá chủ bút cùng đi công du Á Châu.

Thời gian này trở thành hai nhiệm kỳ làm nghĩa vụ quân sự của một thanh niên thời chiến, hết hai nhiệm kỳ sáu năm tôi được giải ngũ năm 1972; được mời làm trưởng tiểu ban bình luận đài Mẹ Việt Nam, một đài phát thanh Việt Ngữ (song song với hai đài Miên Ngữ và Lào Thái) của tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Do công việc này, gia đình tôi gồm 10 người đã rời Sài Gòn sáng ngày 21 Tháng Tư, 1975, bay ra Phú Quốc bằng D.C. 3 và 11 giờ 30 đêm 29 Tháng Tư lên tàu American Challenger. Ngày 2 Tháng Năm tàu tới Đảo Guam. Ngày 3 Tháng Tám tới bến xe buýt Washington, D.C. Nhà thờ bảo trợ gia đình tôi là The Methodist Church tại đường số 9 East, Washington, D.C., thủ đô Hoa Kỳ.

Tôi không rõ sự tài trợ từ Tướng Nguyễn Cao Kỳ cho tờ Nghệ Thuật là bao nhiêu. Chỉ biết dồi dào lúc đầu, nhưng cạn kiệt trong khoảng 15 số, ngay đó Mai Thảo gặp nạn kim đao phải nằm nhà thương của Bác Sĩ Nguyễn Duy Tài – phải giao việc điều hành tờ báo cho tôi. (Viên Linh)

Ý nghĩa sự nghiệp văn hóa của Trương Vĩnh Ký đối với thế hệ trẻ Việt Nam

MỚI CẬP NHẬT