Thursday, April 18, 2024

Vài nét về văn chương Phùng Nguyễn

Trần Doãn Nho

Phùng Nguyễn bắt đầu sự nghiệp văn chương khá muộn, và bắt đầu tại hải ngoại, nhưng so với một số cây bút khác cùng độ tuổi, cách viết của Phùng Nguyễn khá tân kỳ và sắc sảo, một phần có lẽ do anh đọc nhiều và thấm sâu văn học Mỹ.

Ngay ở truyện ngắn đầu tiên, “Tháp Ký Ức,” cái chất riêng của Phùng Nguyễn đã hiện rõ. Sau khi kể rất chi li về thời thơ ấu của mình, Phùng Nguyễn kết luận truyện bằng một câu hỏi: “Tôi cũng rất mong gặp lại cô Tố Quyên để hỏi cô một lần nữa: phải chăng hy vọng chỉ hướng về tương lai? Nếu phải thì buồn quá, bởi vì chẳng lẽ những ngăn kéo ký ức tôi mở ra cùng với ly cà phê lai căng và điếu thuốc đầu ngày chỉ chứa có mỗi một niềm tuyệt vọng thôi sao?”

Câu hỏi đó thực ra là một phản bác lại ý kiến của cô giáo dạy lớp 7 khi cô giải thích rằng “hy vọng luôn luôn hướng về tương lai” dựa theo truyện ngắn “Vàng Tháp Hời” của Vũ Hạnh, một nhà văn Cộng Sản mà anh không thích.

Trong cái tháp quá khứ với vô vàn kỷ niệm kia, đây là sự kiện ám ảnh nhất. Và ám ảnh này xuất phát từ một khái niệm về cái gọi là “hy vọng.” Với anh, trong trí tưởng của một học sinh cấp hai, hy vọng không nhất thiết phải hướng về quá khứ, nghĩa là hướng về một cái gì có thực. “Tôi đưa tay lên phản đối. Hy vọng không nhất thiết phải hướng về tương lai! Trước khi đi tìm vàng, hai người hy vọng đã có một kho tàng trong cái tháp Hời. Có vàng hay không có vàng trong cái tháp Hời là chuyện quá khứ. Do đó, trong trường hợp này, hy vọng đã hướng về quá khứ.”

Câu hỏi được dùng làm kết thúc truyện cho thấy khi ghi lại những kỷ niệm vụn vặt của mình bằng hình tượng một cái tháp, Phùng Nguyễn chỉ muốn tra vấn một điều gì đó. Thành ra, tự truyện của anh là một sự “trăn trở” về quá khứ hơn là chỉ để thuần túy “kể lể.” Nói khác đi, thay vì kể lại quá khứ đời mình để gây một xúc cảm hay mối thương xót nào đó, Phùng Nguyễn nhằm một mục đích khác.

Mục đích này, Phùng Nguyễn nói rõ trong một lần phỏng vấn do Tường Vi thực hiện. Theo anh, những gì mà người ta “thấy phảng phất” hình ảnh của tác giả trong đó, thực ra, “là những điều được mang vào truyện như là ‘điểm quy chiếu’ hơn là một nỗ lực tự khai báo. Quá khứ đối với tôi là một tài sản không còn sinh sôi nảy nở trừ phi chúng được sử dụng như là một món đầu tư cho tương lai. Tôi sử dụng ‘quá khứ’ trong tinh thần đó.”

Phùng Nguyễn tỏ ra trung thành với quan điểm này trong hầu hết các sáng tác của anh. Có lẽ chính vì điểm này mà Phan Xuân Sinh, sau khi đọc hết “Đêm Oakland và Những Truyện Khác,” cho rằng giọng văn Phùng Nguyễn có tính chất “lý sự,” một thứ lý sự đậm chất Quảng Nam, quê của cả hai anh.

Đúng thế. Nhưng theo tôi, còn hơn thế. Phùng Nguyễn đưa “lý sự” vào trong truyện không chỉ để lý sự. Anh dùng hình thức lý sự để phân tích tâm lý, hoàn cảnh của nhân vật và các sự kiện diễn ra. Tính cách lý sự trong văn Phùng Nguyễn, ở một khía cạnh nào đó, là một phương pháp sáng tác. Nói khác đi, anh sử dụng hư cấu và các chi tiết để chứng minh cho một luận điểm nào đó hay chí ít, cũng để soi sáng một hoàn cảnh hay một thân phận nào đó.

Trong truyện ngắn “Đêm Oakland. Câu Hỏi,” Phùng Nguyễn tìm cách giải thích sự khác biệt giữa thế hệ của anh – những người tham dự cuộc chiến – và thế hệ sau anh sang định cư ở nước ngoài, không biết tí gì về cuộc chiến: “Và trên hết, điều gì đã khiến Đức và những người bạn của hắn không chịu quay lưng lại với cái quá khứ buồn thảm mà bọn người lớn chúng tôi cứ giữ rịt lấy như một bộ phận bất khả phân của phần đời còn lại. Tại sao tôi chưa từng đặt ra cho chính mình những câu hỏi này khi bắt gặp những người tuổi trẻ dắt tay nhau đi vào quán ăn trong khu phố Việt Nam đông đúc ở xứ người, ở đó họ sẽ gọi phở hay bún bò và trao đổi với nhau những câu nói mà cấu trúc có khi bao gồm những từ ngữ không chỉ thuộc về tiếng mẹ đẻ? Vì họ đã xem những cuốn phim về chiến tranh Việt Nam do những đạo diễn ngoại quốc tăm tiếng thực hiện với những diễn viên nói tiếng Tàu và được dàn dựng ở Mã Lai hay Miến Điện? Vì họ đã đọc những trang sử của những sử gia cũng tăm tiếng không kém và được viết ra ở mười ngàn dặm phía sau những trận địa ở đó tôi và bạn bè đã để lại những xương cùng máu? Phải chăng chính nỗi sợ hãi phải đối diện với cách nhìn của những người trẻ tuổi về mình qua cái lăng kính làm nên bởi những điều nói trên làm tôi tránh né họ? Tôi nghĩ đến nỗi trơ trọi của Đức và những người bạn của hắn trong cuộc hành trình tìm kiếm một ý nghĩa cho cái giá quá đắt đỏ không chỉ riêng tôi và những người bạn của tôi mà cả Đức và những người bạn của hắn phải trả cho những điều đã xảy ra nhiều năm về trước.”

Tính cách phân tích không chỉ nằm ngay trong từng đoạn văn mà có khi nằm cả trong câu chuyện. “Bắt Hến Ở Hồ Isabella” chẳng hạn. Từ câu chuyện của một người quen thích đi bắt hến, anh kể chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu và cuối cùng anh mô tả về con hến quê hương: “Và xuống giọng thật thấp như thể đang nói về một điều gì vô cùng bí mật, tôi sẽ kể chúng nghe cuộc hành trình của con hến nhỏ trong lòng bàn tay mình, bắt đầu không phải từ đỉnh núi cao ngất trên kia, nơi có chiếc hồ nhân tạo mang tên Isabella, không phải từ cái bờ vực dốc đứng nhìn xuống dòng sông Kern hung bạo ở ba trăm bộ phía dưới, mà từ một ngôi làng nhỏ bên kia bờ Thái Bình Dương, nơi dòng sông chảy qua sẽ cạn dần theo ngày tháng.”

Chẳng thế mà, đọc truyện Phùng Nguyễn, ta không chỉ đọc một câu chuyện hay nghe những điều vặt vãnh chung quanh cuộc sống mà còn bị lôi kéo vào những phân tích khúc chiết của anh về người đời và đời người. Hơn thế nữa, đó là những dằn vặt. Dằn vặt anh. Dằn vặt đời. Dằn vặt người. Đó có lẽ chính là phương cách đầu tư quá khứ của anh. Về điểm này, tôi tìm thấy có một sự gần gũi giữa những sáng tác và các tiểu luận của anh về phong cách viết, mặc dù đây là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau.

Trong một số sáng tác khác, Phùng Nguyễn vượt ra khỏi “tháp ký ức,” không tự truyện, cũng không lý giải, mà lưu tâm đến tính cách và khả năng của chính cái mà chúng ta mượn để thực hiện văn chương: ngôn ngữ.

“Bùa Phép Ở Đường Bourbon” là một truyện khá ngắn và bắt đầu bình thường như những truyện bình thường khác. Nhưng những gì xảy ra sau đó lại khá khác thường. Người đàn ông bị một người đàn bà da trắng bắt cóc, còn người đàn bà thì bị một người đàn ông da trắng dụ dỗ. Không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng hôm sau khi thức giấc, cả hai tìm thấy nằm “trên chiếc giường trong chính căn phòng khách sạn hai người đã dọn vào hôm qua.”

“Bùa Phép Ở Đường Bourbon” chẳng cho ta biết nó đang kể chuyện gì. Các nhân vật hóa thân vào nhau, nhập nhòe tan vào nhau như thể họ chỉ là những cái bóng của nhau. Trong truyện, ngôn ngữ đã đóng vai trò của những nhân vật.

Trong một truyện khác, “Văn Sĩ Ngại Ngần,” Phùng Nguyễn thả chữ vào một dòng chảy. Chữ nối chữ, miên man, tạo ra một dịch chuyển liên tục. Khác với hai truyện trên, chữ được cấu trúc trong một hình thái tự do hơn đồng thời lại mang tính “lý sự:” lý giải về cái hiện tượng được gọi là nhà văn. Anh vừa để cho ngôn ngữ thực hiện chức năng riêng của chúng vừa tuồn vào cách lý giải của riêng anh.

Phùng Nguyễn học về kinh doanh và tin học, nhưng lại chọn viết văn. Vì sao lại thích viết văn? Phùng Nguyễn trả lời một cách gián tiếp trong truyện ngắn “Nhà Văn:” “Ở vào một thời điểm không lấy gì làm vui vẻ trong đời sống của mình, tôi cho rằng mình cần phải làm một điều gì đó, bất cứ điều gì, bên cạnh chuyện sinh nhai nhàm chán mà tôi vẫn phải làm hàng ngày. Tôi chọn viết lách thay vì đầu tư vào thị trường chứng khoán, đánh cá ngựa, chơi ma túy, hoặc la cà hàng đêm ở những quán rượu có nhảy cởi truồng, những điều mà hậu quả chưa hẳn sẽ tệ hơn hậu quả có thể xảy ra cho điều tôi đã chọn lựa. Sau này tôi nghiệm ra chính cái nhu cầu cần được chia sẻ là động cơ thúc đẩy tôi đến gần với văn chương thay vì với những điều khác.” (Trần Doãn Nho)


Tài liệu tham khảo:

(1) Văn Học (Cali) số 105 & 106.

(2) Phùng Nguyễn trả lời phỏng vấn của Tường Vi. Xem ở Đặc Trưng: www.dactrung.com/phorum/tm.aspx?m=8409

(3) Phan Xuân Sinh, “Giới thiệu tập truyện ‘Đêm Oakland và Những Truyện Khác,’” tạp chí Quảng Đà: xuquang.com.

(4) Vài nét đặc thù trong văn chương Phùng Nguyễn, Trần Hữu Thục, trong tập “Tiểu Luận (của/về) Phùng Nguyễn.”


11 Tháng Mười Một, ra mắt tác phẩm Phùng Nguyễn

Buổi ra mắt sách giới thiệu hai tác phẩm của Phùng Nguyễn: “Tiểu Luận (của/về) Phùng Nguyễn” và “Tháp Ký Ức và Bùa Phép Ở Đường Bourbon” do Tạp Chí Da Màu tổ chức, sẽ bắt đầu lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật, 11 Tháng Mười Một, 2018, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Video: Phóng sự Việt Nam Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT