Friday, March 29, 2024

Khuôn mặt Thanh Lãng

Viên Linh

Những năm 70, Thanh Lãng là một khuôn mặt nổi bật trong sinh hoạt văn hóa giáo dục tại miền Nam, trong và ngoài môi trường đại học. Trong thế kỷ XXI này nhắc đến tên ông ở hải ngoại không biết còn bao nhiêu người đọc đến và nhớ đến tác phẩm tiêu biểu của ông: “Biểu nhất lãm Văn học sử Việt Nam” (có thể sau đó đổi thành Bản Lược Đồ Văn Học Việt Nam).

Tôi không còn nhớ đã quen ông trong trường hợp nào, nhưng còn nhớ rõ đó là một người cởi mở, dễ dàng trao đổi đối thoại, khác hẳn cung cách người ta có thể thường hình dung về một vị mặc áo nhà Dòng. Nhớ về ông có cái vui vui, nhất là hình ảnh sợi dây vàng mắc vào khuy áo, đầu sợi dây bỏ trong túi áo ngực, hình như mắc vào đó là một cái đồng hồ vàng.

Trong thời gian những năm cuối thập niên 60, làm việc hầu như suốt ngày từ sáng tới chiều tại các tòa soạn mấy tờ báo, phần lớn quanh quẩn khu các nhà in và các nhà xuất bản, các tòa soạn tạp chí văn hóa văn học ở miền Nam, có lần ông và Giáo Sư Nguyễn Văn Trung đưa tôi đi ăn miệt ngoại ô Ngã Ba Ông Tạ, gần ngã tư với con đường ven đô chạy vòng từ Gia Định qua khu rừng cao su Phú Thọ. Đó là ngã tư Bảy Hiền. Từ Bảy Hiền hướng về Sài Gòn trên đường Lê Văn Duyệt, người ta phải đi qua giữa những nhà hàng có nơi treo nguyên một cái thân thịt luộc chín của một con vật thân thiết như bạn quí của loài người. Nể lòng tốt của những người bạn văn tôi tới đó, song suốt đời chưa bao giờ đụng đũa vào cái món ăn đã có kẻ đại ngôn nói rằng nếu không ăn món đó, xuống âm phủ sẽ hối tiếc, vì ở âm phủ không có món đó. “Sống ở đời không ăn miếng thịt nó, chết xuống âm phủ biết có hay không.”

Chữ nó là tôi viết trại đi, thay cho tên chỉ con vật trung thành xấu số. Không bao giờ tôi bị thuyết phục để đụng đũa vào món thịt đó cả, cho dù là một miếng gan.

Giáo Sư Linh Mục Thanh Lãng tên khai sinh là Đinh Xuân Nguyên, ra đời năm 1924 tại Tam Tổng, quận Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, năm 12 tuổi được gửi vào Tiểu Chủng Viện Ba Làng, năm 1945 học xong bậc trung học với bằng tú tài, hai năm sau ra Hà Nội vào Đại Chủng Viện Xuân Bích và trong hai năm theo học Triết rồi được gửi đi du học Ý, học trường Truyền Giáo La Mã, thụ phong linh mục năm 1953, lúc 29 tuổi.

Về văn học, ông đậu bằng tiến sĩ tại Đại Học Frisbourg ở Thụy Sĩ. Về nước ở tuổi 33, ông được bổ làm giáo sư tại Chủng Viện Tân Thanh ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Phải tới năm 1957 ông mới được bổ nhiệm dạy tại các trường lớn như Văn Khoa Sài Gòn và Văn Khoa Huế. Cũng năm này ông đã soạn xong bộ sách về văn học: Văn Học Cận Đại Việt Nam.

Trong thập niên 60, ông tham gia các tổ chức văn hóa của Hội Bút Việt (Văn Bút Việt Nam) và cho thấy khuynh hướng hoạt động chính trị của ông, có phần bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa, nhất là sau khi ông trở thành chủ tịch của Hội Bút Việt, tức Hội Văn Bút Việt Nam trụ sở là một công thự ở trung tâm Sài Gòn. Hoạt động với các đoàn thể chính trị cùng thời, cộng tác với các tạp chí thiên tả như “Trình bày” (chữ bày không viết hoa chữ b, như tờ báo khẳng định, – tờ báo có những cây bút chủ chốt như Thế Nguyên, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan,… Thanh Lãng chính là người đã tuyên bố những câu trở thành khẩu hiệu chính trị cho nhóm chủ trương “chống Mỹ cứu nước:” “Việt Nam Cộng Hòa là một nhà tù lớn.” Ông đã không kịp tỉnh ngộ vì qua đời chỉ 3 năm sau năm 1975.

Trong các giáo sư ngành văn học và triết học, Thanh Lãng là người đã để lại tương đối nhiều sách biên khảo và sách giáo khoa nhất. Có bài báo đã kể lại việc ông thuê người chuyên đánh máy trong dự định in ấn phổ biết sách học và sách đọc cho sinh viên, và những người ham đọc, ham học.

Ông đã để lại những tác phẩm sau đây, xin ghi kỹ để những người sưu tầm tìm đọc dễ dàng thực hiện được điều cần tìm biết:

–Khởi thảo Văn học sử Việt Nam-Văn chương Bình Dân, Hà Nội 1953.

–Văn học Cận đại Việt Nam, Sài Gòn 1957.

–Đóng góp của Pháp trong Văn học Việt Nam (luận án tiến sĩ, 1961).

–Thử suy nghĩ về Văn hóa Dân tộc (Sài Gòn 1967).

–Bảng lược đồ Văn học Việt Nam (2 tập, Sài Gòn 1967).

–Văn học Việt Nam đối kháng Trung Hoa (Sài Gòn 1969)

–Văn học Việt Nam thế hệ dấn thân (Sài Gòn 1969)

–Phê bình Văn học Thế hệ 1932 (hai tập, 1972)

–Từ điển Việt-La-Bồ (soạn chung với Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính, (1991)

–13 năm tranh luận văn học, 3 tập, 1995.

Có người gần đây cho rằng người ta đã quên mất Thanh Lãng. Một cách nào đó tác phẩm Thanh Lãng không được phổ biến đầy đủ, điều này không phải chỉ xảy ra cho một người, mà rất nhiều người và rất nhiều tác phẩm về văn hóa văn học Miền Nam không được phổ biến đầy đủ, bởi rất nhiều lý do. Có những nguyên nhân khác nhau, hoặc vì ảnh hưởng chính trị riêng, hoặc vì các diễn đàn trên không gian vi tính không được những người chủ trương có hoàn cảnh – kể cả tuổi tác và tay nghề chuyên môn – phụ trách. Mặt khác, nhiều sách của Giáo Sư Thanh Lãng là những bài giảng từ học đường, người ta phải mua mới có, đã thế còn phải san nhuận mới phổ biến được.

Như người viết bài này được biết, Thanh Lãng là vị giáo sư Văn Khoa có nhiều tác phẩm (và bài giảng) được mua đọc nhiều nhất – và việc này cũng gây ra – ngoài ý muốn hay sự kiểm soát của ông, những dư luận trên báo chí, truyền thông. Việc giới thương mại xâm lấn vào thị trường sách học ở Sài Gòn trước 75 đã trở thành sự việc phải mang ra trước tòa án công lý.

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Dân tộc Karen – Người cổ dài ở Thái Lan”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT