Tuesday, March 19, 2024

Norman Mailer, nhà văn ‘đa sự’ của văn chương Hoa Kỳ

Trần Doãn Nho/Người Việt

Norman Mailer, một trong những khuôn mặt văn chương quan trọng của Hoa Kỳ trong thế kỷ 20, sinh ở Long Branch, tiểu bang New Jersey, vào ngày 31 Tháng Giêng, 1923.

Cha, Isaac Barnett, là một di dân Nam Phi gốc Do Thái, kinh doanh tạp hóa. Mẹ, Fanny Schneider, thuộc một dòng họ nổi tiếng cư ngụ ở Long Branch. Cuộc đời cũng như sự nghiệp văn chương của Norman Mailer rất “đa sự.” Con người ông chẳng khác gì một nhân vật tiểu thuyết.

Mailer là người có nhiều “tật xấu.” Từ lúc còn nhỏ, ông đã thích chưng diện, thích “show up,” thích được mọi người chú ý. Bạn bè cùng lớp ở Harvard nhớ về Mailer như một anh chàng ăn to nói lớn và thường trâng tráo kể chuyện tục tĩu.

Ra đời, về sau, ông là một tay ăn chơi phóng đãng, thay nhân tình như thay áo, nghiện rượu và nghiện thuốc phiện nặng. Là một người có thân hình to, cao, ngoại khổ và một cá tính mạnh mẽ, ông là một người hiếu động, tính tình nóng nảy, đôi khi thô lỗ, ưa gây gổ. Ông không ngại đấu đá, bằng lời, bằng chữ hay bằng sức.

Mailer đi mọi nơi và thử mọi thứ. Ông ít khi từ nan làm bất cứ điều gì mà ông thích. Ngoài chuyện viết lách, ông còn tham gia nhiều hoạt động khác, kể cả chính trị.

Năm 1969, ông ứng cử thị trưởng New York với chủ trương “ly khai” (secessionist), muốn New York trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, nhưng thất cử. Có lúc, ông làm cố vấn cho tổng thống Mỹ. Ông tham dự hàng chục cuộc hội thảo, xuất hiện và tham gia tranh luận hàng trăm lần trong các diễn đàn đại học về nhiều đề tài khác nhau.

Năm 1989, Mailer tích cực vận động hỗ trợ cho nhà văn Salman Rushdie khi ông này bị giáo chủ Hồi Giáo Iran kết án tử hình vì đã viết tác phẩm “The Satanic Verses.”

Trong những hoạt động khác của ông, có một chuyện “cười ra nước mắt.” Số là có một tù nhân tên là Jack Henry Abbott chịu án tù dài hạn vì tội giết người. Sau khi đọc được tác phẩm “The Executioner’s Song” của Mailer, anh ta viết thư cho Mailer kể về cuộc sống tồi tệ của tù nhân.

Chịu ấn tượng mạnh mẽ của những lá thư, Mailer giúp Jack in một cuốn sách, có tựa đề “In the Belly of the Beast.” Năm 1981, do sự vận động hết mình của Mailer, Jack được tạm phóng thích. Nhưng chỉ sáu tuần lễ sau, trong một cuộc cãi vả, Jack rút dao đâm chết anh chàng bồi bàn trẻ tuổi tại một quán ăn, để rồi sau đó, phải trở lại nhà tù với một bản án mới.

Riêng Mailer, ông ngậm ngùi nhận thêm một vết đen không cách gì tẩy rửa nổi vào bản tiểu sử của mình. Nghĩ cho cùng, tất cả cũng chỉ vì cái tội “đành hanh” và “đa sự!”

Tính nết bất thường của Mailer còn biểu hiện qua một sự kiện khác, cái nhà. Đầu năm 1960, ông mua một căn nhà ở Brooklyn Heights, New York, nơi mà ông sống hầu hết cuộc đời, kể cả trong những ngày tháng cuối cùng. Căn nhà nhìn ra khu Manhattan. Phòng khách được thiết kế theo một kiểu kỳ lạ được buộc chặt bằng dây nhợ và lưới của một chiếc tàu thủy. Lối tiếp cận duy nhất với phòng làm việc của ông là bằng sợi dây. Khi có tiệc tùng, ông khuyến khích khách khứa tham gia vào một cuộc thi, leo lên leo xuống dây như là một cách giải trí.

Mailer có sáu vợ và chín đứa con. Tuy lăng nhăng và gặp nhiều rối rắm trong tình trường, nhưng ông là một đàn ông rất tận tụy với gia đình. Từ đầu thập niên 1960, do gánh nặng tài chánh vì nuôi con ăn học và các trợ cấp gia đình khác, ông phải viết vội viết vàng hai cuốn truyện theo đơn đặt hàng để có tiền chi trả, trong đó có “An American Dream” (1965), là tác phẩm sau này được tờ tạp chí Time ca ngợi là một tác phẩm hay, báo hiệu sự trở lại của tài năng Mailer. Cũng lạ! Thế mới hay, cái hay và cái dở trong văn chương đôi khi không dễ nghĩ, bàn.

Giống như con người, sự nghiệp văn chương của Mailer cũng “đa sự” không kém. Theo nhận xét của những nhà nghiên cứu văn học Hoa Kỳ, thì không có một nhà văn nào mà đời sống cũng như sự nghiệp văn chương vừa rực rỡ, vừa đa dạng lại vừa gây nên tranh cãi và bị hiểu lầm đến thế.

Tác phẩm cũng như đời sống của ông vừa “được” vừa “bị” công chúng soi mói, mổ xẻ trong một thời gian dài. Ngoại trừ nhà văn Edgar Allan Poe, chưa nhà văn nào đồng thời vừa được ca ngợi và vừa bị chưởi rủa như ông.

Tùy lúc, tùy cách nhìn, Mailer được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau. Lúc đầu, khi cuốn truyện đầu tay được xuất bản, Mailer được gọi là “một tài năng khác thường.” Sau này, đã thành danh, khi thì ông được gọi là “nhà viết báo xuất sắc,” khi thì là “ông hoàng đực rựa của nền văn chương Mỹ,” khi thì là “ông hoàng ưa gây gổ của văn chương Mỹ,” khi thì là “nhà văn lớn hơn cuộc đời”…

Khen là thế, nhưng đồng thời nhiều lần, ông bị tấn công và đôi lúc bị tấn công nặng nề đến nỗi (khoảng giữa thập niên 1970), một số nhà phê bình văn chương còn tìm cách loại ông ra khỏi hàng ngũ các nhà văn Mỹ. Nói cho đúng ra, hầu hết những cuộc tấn công đều xuất phát từ sự trả đũa các bài viết và thái độ khiêu khích cố hữu của chính ông.

Mailer thuộc loại nhà văn xem viết lách là một công việc cao cả, chỉ có thể do những người tài ba mới làm được. Mailer viết nhiều, viết khỏe qua nhiều thể loại khác nhau: truyện dài, truyện ngắn, hồi ký, tiểu sử, tiểu luận đủ loại (chính trị, xã hội, văn chương, thể thao…), bút chiến, phóng sự, thơ, kịch, kịch bản phim. Ngoài ra, có lúc, ông còn làm đạo diễn phim và ngay cả đóng phim.

Thành tích lớn lao về nhiều mặt đã giúp ông đoạt nhiều nhiều giải văn chương từ nhỏ đến lớn trong đó có hai giải Pulitzer – với “The Armies of the Night” và “The Executioner’s Song” – và đặc biệt, được trao tặng giải National Book Award để vinh danh toàn bộ sự nghiệp viết lách của ông.

Nhìn chung, sự nghiệp của Mailer lên, xuống bất thường. Ông viết nhiều, nhưng không đều tay, có cuốn hay thì thật hay, mà cuốn thì lại khá dở hoặc không dở thì “có vấn đề” đến nổi có tác phẩm như “The Deer Park” bị đến sáu nhà xuất bản từ chối trước khi nhà xuất bản Putnam nhận in.

Ngoài truyện hư cấu, ông viết nhiều tác phẩm phi-hư cấu (non-fiction) khác nhau. Nổi tiếng nhất là “The White Negro” (1957), “Marilyn: a Biography” (1973) viết về nữ tài tử Marilyn Monroe, “Portrait of Picasso as a Young Man: An Interpretative Biography” (1995) viết về danh họa Picasso, “Oswald’s Tale” (1996) viết về người đã giết Tổng Thống Kennedy.

Mailer có loại hành văn chắc, khỏe, gân guốc, sắc cạnh. Đặc biệt, cách viết rất riêng ông đã tạo ra một phong cách viết báo kiểu mới, về sau được mệnh danh là “literary journalism.”

Đó là một cách viết tổng hợp các biến cố có thật kết hợp với tự truyện, bình luận chính trị và hư cấu tiểu thuyết hay nói cách khác, là một loại phi hư cấu nhưng mang hơi văn, ngôn ngữ và cách diễn đạt của truyện hư cấu. Đây là điểm mạnh nhưng cũng là điểm yếu của Mailer.

Theo nhận định của James Campbell trên tờ Guardian thì, “Ông thiếu sự cô đơn cần thiết để suy tưởng và sáng tạo.” Do đó, nó có thể đã góp phần cản trở ông trở thành một nhà văn vĩ đại, người có thể viết một “Đại Thư” (Big Book) vượt qua bóng dáng của Hemingway như ước mơ của ông lúc sinh thời.

Nhà văn Norman Mailer mất ngày 10 Tháng Mười Một, 2007.

———————

Tài liệu tham khảo:
– Charles Mcgrath, “Norman Mailer, Outspoken Novelist, Dies at 84” (New York Times 10/11).
– American Writers, Norman Mailer: Autocrat of the Remainder Table.
– Norman Mailer, Wikipedia.
– Le Monde, CNN, AP, Boston Globe.

MỚI CẬP NHẬT