Thursday, April 18, 2024

Tháng Bảy, nhớ Nguyễn Mộng Giác

Trần Doãn Nho

Ðọc lại truyện ngắn ‘Ngày Về Không Nắng’

Nguyễn Mộng Giác mất ngày 2 Tháng Bảy, 2012. Đã sáu năm!

Với một số lượng sáng tác dồi dào, đa dạng, phong phú bao gồm hai trường thiên tiểu thuyết, một số truyện dài, rất nhiều truyện ngắn, Nguyễn Mộng Giác đã tạo ra một số lượng nhân vật đủ hạng đủ loại, từ trí thức, vua quan, cho đến người bình dân, từ phe bên kia phe cho đến bên này, và cả người nước ngoài. Các nhân vật của anh thường là những “nhân vật tâm lý” với những biến chuyển tâm lý phức tạp, nhưng không vượt quá những giới hạn thông thường.

Nhớ Nguyễn Mộng Giác, tôi đọc lại một trong những truyện ngắn hay mà tôi thích của anh: “Ngày Về Không Nắng,” từ trong tập truyện “Xuôi Dòng.”

Truyện kể về cuộc hội ngộ của hai vợ chồng sau một thời gian dài xa cách, diễn ra trong một buổi chiều tại căn nhà cũ của hai vợ chồng. Người chồng vừa trở về từ trại “cải tạo” sau sáu năm “học tập.” Người vợ, hiện đang sống với tình nhân ở một nơi khác trong cùng thành phố, được bà mẹ chồng báo tin và cho phép đến thăm chồng cũng như thăm đứa con của hai người hiện do bà nội nuôi dưỡng. Ngoài hai vợ chồng, còn có thêm bốn nhân vật khác, mỗi người đóng một vai trò riêng, gia thêm mùi vị cho một cuộc đoàn tụ éo le. Mẹ chồng, thương con, do đó, trong thâm tâm, dù không nói ra, nhưng mong hai vợ chồng có ngày tái hợp. Đứa con thì ngây thơ, hồn nhiên, thấy mẹ là sa vào lòng, không hề biết rằng mẹ minh đã “mất quyền làm mẹ.” Một người bạn tình cờ tới thăm lại càng vô tình hơn, vì chẳng biết mô tê gì về hoàn cảnh ngang trái của cặp vợ chồng này, cứ vui vẻ kể chuyện gia đình đoàn tụ. Chỉ có cô em chồng là thái độ dứt khoát, không chấp nhận người chị dâu “lăng loàn,” bỏ chồng theo trai.

Chả thế mà buổi gặp gỡ diễn ra đầy kịch tính.

Sau một thời gian hồi hộp chờ đợi, người chồng nhìn thấy vợ mình đi vào.

Vợ chàng vào sân xong, em gái chàng dập thật mạnh cánh cổng sắt. Hình như vợ chàng có nói cảm ơn, nhưng chỉ có tiếng chân bước thình thịch của Bích ở hẻm phụ đáp lại. Không thể trốn tránh được nữa, chàng đứng dậy. Tiếng guốc ngập ngừng, rồi dừng lại ở cửa lớn. Chàng tiến thêm hai bước. Vợ chàng gầy ốm hơn chàng tưởng. Đôi vai so trong chiếc áo dài mầu hoa cà có in hoa trắng trang nhã, quà chàng tặng vợ sau một chuyến đi xa. Da mặt nàng tái xanh, hai bên má phơn phớt hồng. Vợ chàng có thói quen dùng sáp môi xoa một lớp mỏng lên hai bên má thay cho phấn, và ngay từ ban đầu, chàng nhận thấy nàng vẫn còn giữ thói quen cũ.

Có lẽ trước khi đến gặp chàng, nàng điểm trang vội nên một vệt son còn rõ ở má phía trái. Chàng chú ý nhất đến đôi mắt vợ. Đôi mắt hớt hãi, ngượng ngùng, chới với, giống y đôi mắt Sonia trong tranh bìa cuốn tiểu thuyết Crime et Chatiment của nhà xuất bản Marabout nàng mua tặng chàng hồi còn học ở Văn Khoa. Chàng cảm thấy thương hại, chứ không thù hận nàng, như chàng đã chuẩn bị để thù hận từ buổi sáng.”

Lạ chưa! Một người chồng đi ở tù về, bị vợ bỏ; một người vợ bỏ chồng đi lấy trai trong khi chồng đang ở tù, mà trông như hai người đang gặp nhau ở chỗ hẹn đầu đời. Thay vì chứng kiến cảnh một người chồng giận dỗi, sẵn sàng mắng nhiếc người vợ phản bội, và một người vợ tới thăm chồng với thái độ lì lợm, trâng tráo, chua ngoa sẵn sàng đối phó với bất kỳ lời kết án nào, ởđây, ta thấy nàng “ngập ngừng,” “đôi mắt hớt hãi, chới với” còn chàng thì “cảm thấy thương hại, chứ không thù hận” nàng.

Sau đó,

Vợ chàng dừng lại ở chỗ ngạch cửa, chờ chàng tiến đến. Chàng bước thêm hai bước nữa, chỉ còn cách nàng không đầy một thước. Nàng liếc nhanh nhìn chàng, rồi cúi xuống nhìn chiếc guốc phải đang dí dí trên nền xi măng loang lở, nói nhỏ trong hơi thở:

– Em xin đến thăm con!”

“Em xin đến thăm con,” tội nghiệp! Như thế thì đã rõ. Người đàn bà này, do hoàn cảnh nào đó xui đẩy, đã phải bỏ chồng, nhưng cảm thấy mình có tội, nên bày tỏ thái độ của một người biết mình có tội.

Còn đứa con thì sao?

“Vừa lúc đó, con chàng chạy về. Nó trố mắt nhìn mẹ, rồi phóng đến ôm chầm lấy nàng. Giọng thằng bé thảng thốt:

– Má, má! Má về luôn hở má?

(…)

Chàng liếc nhìn mẹ, e ngại. Vợ chàng tận dụng cơ hội, ôm lấy con hôn lấy hôn để. Vừa hôn, nàng vừa khóc.”

(…)

“Thằng bé đi rồi, vợ chàng chới với không biết phải làm gì, như vừa mất chỗ tựa cuối cùng khiến cuộc đời trở nên chênh vênh.”

Người chồng, sau cảm giác thương hại lúc đầu, bỗng hoàn toàn thay đổi thái độ:

Chàng ngước lên, và lần đầu tiên, thấy trong cách nàng mỉm cười, có cái gì đĩ thõa, tráo trở. Lòng chàng sôi lên hận thù. Phải, nàng đã nhìn hắn hàng trăm lần, hàng nghìn lần một cách mơn trớn vuốt ve như thế, có thể còn mơn trớn vuốt ve hơn lúc này nữa. Bây giờ, chàng thấy lối trang điểm vội vàng qua loa là dấu hiệu sự chểnh mảng, xem thường. Đi với hắn, nàng có dám trang điểm cẩu thả thế đâu! Nàng còn cả gan mặc chiếc áo tím hoa cà ngày xưa! Thêm thái độ tự tung tự tác của người chủ nhà nữa chứ! (…) Nàng nắm đàng cán. Nắm vận mệnh của đời ta. Không có chữ ký của nàng, chàng thành kẻ vô sở trú, không nhà cửa, không nghề nghiệp, làng thang đầu đường xó chợ. Càng nghĩ, hận thù càng dâng trào.”

Có thế chứ! Giận là đúng. Căm thù là đúng. Tạo sao lại phải thương xót một người vợ đã nhẫn tâm bỏ chồng trong cơn hoạn nạn?

Ấy thế mà, chỉ một lát sau, tâm trạng anh ta lại thay đổi một lần nữa:

“…khi thấy vợ chàng nhìn theo mẹ chồng nước mắt đoanh tròng, chàng bùi ngùi thương hại. Chàng không nỡ. (…)…chàng không thể tàn nhẫn. Hận thù lại tan dần, thay thế bằng lòng thương hại.”

Rồi sau đó, chàng “chua chát,” chàng “nghẹn lời.” Tóm lại, chàng vẫn còn thương vợ. Chàng bày tỏ tình thương đó bằng một cử chỉ đơn giản: đẩy tách nước đến mời vợ uống. Vợ cảm động, thút thít khóc. Và chàng cảm thấy khó xử, không biết phải làm gì. Thấy chồng không giận, nàng van xin chồng cho nàng được đến thăm con thường xuyên. Thấy vợ xuống nước, chàng lại nói, “…cần gì cô phải xin. Cô là chủ hộ. Cô muốn làm gì trong nhà này chẳng được.”

Trước câu nói tuy thành thực, nhưng chứa đầy nét hờn dỗi đó, người vợ phản ứng ra sao?

“Nàng mím môi lại. Không nói năng, nàng chụp lấy cây bút bi, ký vào phần ý kiến của chủ hộ. Cây bút bi để lâu ngày không ra mực, nàng phải di di đầu bút lên lòng bàn tay nhiều lần. Chữ ký của nàng run rẩy. Nét gạch bên dưới không được ngay, trông giống như một chữ ký giả mạo.

Chàng lấy giọng khách sáo:

– Nhờ cô mà tôi được tạm trú trong nhà mình. Cảm ơn cô.

Phần nàng, nàng trở lại van lơn:

– Em van anh, cho em được ở tạm đây với con đến sáng mai. Em ao ước được ôm con ngủ trọn một đêm. Em van anh!”

Nàng khóc nức nở. Chàng đâm hối hận, muốn ôm lấy vai nàng, muốn nói điều gì đấy để an ủi. Nhưng cổ họng chàng nghẹn. Rụt rè do dự mãi, đến lúc không thể dằn được, chàng run run đưa lưng bàn tay lên gạt nước mắt trên má nàng. Ban đầu, hình như nàng chìm đắm trong nỗi thống khổ da diết, không hay biết gì. Về sau, nàng hiểu thiện chí của chàng. Nàng càng nghẹn ngào hơn, đưa hai bàn tay ôm bàn tay chàng, gượng nhẹ, như e sợ nắm phải một điều gì không thực.”

Một cảnh sum họp ngang trái, rốt cuộc, diễn ra y như một cuộc trùng phùng.

Rồi sao nữa? Đúng lúc hai người nắm tay nhau, thì bà mẹ chồng xuất hiện, “ngơ ngác nhìn hai người.” Và tấm sáo trúc dùng làm màn ngăn phòng “bị rẽ đôi, đôi vành khuyên đang rỉa lông cho nhau xao động biến dạng không còn hình thù gì nữa…”

Rồi sao nữa? Tác giả để cho người đọc tự thêm vào. Nhưng trong phạm vi của một truyện ngắn, đó là một “happy ending.” Thực ra, theo tôi, cái “happy ending” này chỉ là bắt đầu cho một bi kịch trải dài về sau. Độc giả có thể tìm đọc truyện ngắn này ở đường nối sau: https://nguyenmonggiac.com/truyen-ngan/xuoi-dong/492-ngay-ve-khong-nang.html

Nguyễn Mộng Giác, sinh năm 1940 tại Quy Nhơn, là tác giả của hai bộ trường thiên nổi tiếng: “Sông Côn Mùa Lũ” và “Mùa Biển Động.”

Người mẹ nhấn chìm con gái nhỏ, đang được tòa xem xét bệnh tâm thần

MỚI CẬP NHẬT