Friday, April 19, 2024

Vĩnh Quyền, ‘tín đồ sẵn sàng ‘tử đạo’ chữ nghĩa?’

Du Tử Lê

Theo một số nhà xã hội học thì một quốc gia, dù chọn thể chế nào, cũng sẽ không chận đứng được sự biến đổi từng phần hay tận gốc rễ những trào lưu tiến hóa của nhân loại. Thay đổi này, như một thứ quy luật bất thành văn của đời sống. Với những quốc gia chọn theo thể chế độc tài, từ ngoài nhìn vào, người ta những tưởng nó có khả năng làm cho đất nước của họ đứng ngoài, đứng xa những hiện tượng đổi thay không có lợi cho nền độc tài của họ. Lịch sử nhân loại đã minh chứng, sự thực, không phải thế. Một chế độ dù độc tài đến đâu, cũng không thể cô lập đất nước của họ, trước những biến đổi lớn lao của khoa học, kỹ thuật. Danh từ chuyên môn gọi đó là những cuộc cách mạng công nghiệp.

Theo ghi nhận của trang mạng Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia-Mở thì, tính đến hôm nay, nhân loại đã trải qua ba cuộc cách mạng công nghiệp. Hiện chúng ta đang sống trong diễn tiến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và, các cuộc cách mạng công nghiệp đã ảnh hưởng trực hay gián tiếp tới mọi sinh hoạt của nhân loại.

Wikipedia ghi nhận rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất là: Cơ khí hóa với máy chạy bằng thủy lực và hơi nước. Cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ hai là: Động cơ điện và dây chuyền lắp ráp sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba: Diễn ra vào những năm 1970 với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và Internet, tạo nên một thế giới kết nối.

Hiện tại, khởi đầu thế kỷ 21, nhân loại lại bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với các hệ thống liên kết thế giới thực và ảo. Ghi nhận vài nét chính của cuộc cách mạng lần thứ tư đó, trang mạng Wikipedia cho rằng đấy là: “… Sự nối tiếp những thành tựu lớn từ lần thứ 3 để lại, được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet of Things, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới… Hiện tại thế giới đang ở trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này, và là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới, và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người…” (1)

Trọng tâm của bài viết ngắn này, không nhắm đào sâu các cuộc cách mạng công nghiệp mà, là sự ghi nhận trước hay sau hiện tượng Intertnet, ảnh hưởng tới lãnh vực văn chương, chữ nghĩa của nhân loại, ra sao?

Vẫn theo của một số nhà xã hội học thì chỉ một thời gian ngắn, khi công nghệ Internet phát triển, nhân loại đã ghi nhận được hàng loạt những nhật báo từng có mặt hàng trăm năm đã phải tuyên bố đóng cửa. Hàng loạt nhà xuất bản và, các công ty, cơ sở bán sách lẻ cũng theo nhau chia tay thị trường. Do không có đủ sách in, cũng như không có đủ độc giả. Thói quen bao nhiêu đời bị bôi xóa dần bởi sự tiện dụng mà Internet đem tới cho người đọc! Hậu quả của sự kiện thu hẹp mối tương tác giữa người đọc và các ấn phẩm ngày càng nghiệt ngã hơn, khi các nhà nghiên cứu chiếu rọi ngọn đèn bi quan vào sinh hoạt chữ nghĩa của những cộng đồng thiểu số!

Thực tế đầu tiên của hiện tượng này là sự ảnh hưởng tới tập quán sáng tác của lớp nhà văn tỵ nạn. Những người buộc phải ra khỏi quê hương của mình, định cư ở những quốc gia mới vì, lý tưởng tự do. Trực diện với khó khăn đầu tiên của họ là ngôn ngữ và sinh kế.

Tiếp đến là môi trường sống xa lạ khiến nhà văn đuối dần, trước khi khô cạn cảm xúc& (Hiện trạng này không chi phối lớp nhà văn trẻ. Họ có thể sáng tác bằng ngôn ngữ bản địa nơi họ trưởng thành hoặc, quen thuộc từ tấm bé. Họ cũng không bị gánh nặng di sản chữ nghĩa, văn chương, tập quán, tình cảm từ quê hương nguyên gốc).

Lại nữa, cũng không ít người cho rằng, tính xa lạ giữa người đọc và những ấn phẩm văn chương ngày một gia tăng, do sự phát triển cấp số nhân của trào lưu Facebook.

Trào lưu Facebook được ghi nhận là… “đại trà,” theo một số nhà nghiên cứu. Nó là một phương tiện truyền thông rất “uy lực”; giúp bất cứ ai có “sáng tác,” muốn phổ biến miễn phí tới nhiều người. Hiện tượng này, vẫn theo các nhà nghiên cứu thì, nó đã dẫn tới hai hậu quả khó tránh:

-Thứ nhất: Hiện tượng một sớm, một chiều, rất nhiều cá nhân, từ vị trí độc giả, trở thành người sáng tác… Họ tìm đọc lẫn nhau (trên FB). Mặc cảm trở thành… “nhà văn” (nói chung), theo một nghĩa nào đó, khiến họ không còn thấy có nhu cầu mua, đọc ấn phẩm của người khác.

-Thứ nhì: Sự hỗn loạn hay tình trạng vàng thau lẫn lộn khiến nhiều độc giả truyền thống bi quan. Số độc giả… còn sót lại này, với thời gian, cũng không còn thấy hứng thú tìm tới những tác phẩm văn chương truyền thống.

Từ đấy, ít nhiều gì, những ghi nhận trên cũng góp phần khiến cho thị trường sách, báo in, ngày một thêm teo tóp.

Tuy nhiên, trên tất cả những lý do khách quan cũng như chủ quan ở lãnh vực văn chương của người Việt, thì, trong lặng lẽ, chúng ta vẫn có những nhà văn tự thấy mình như một thứ “tín đồ sẵn sàng ‘tử đạo’ chữ nghĩa!” (2).

Với thành phần (ít oi này), tôi có cảm tưởng dường như họ không mấy quan tâm tới sự tương tác giữa người đọc và người viết. Sự thao thiết tới thắt lòng của họ, vẫn là quyết tâm đẩy chiếc xe văn chương Việt Nam tới gần “mặt bằng” văn chương thế giới?

Theo tôi, một trong những “tín đồ sẵn sàng ‘tử đạo’ chữ nghĩa” có nhà văn Vĩnh Quyền. Cùng một số nhà văn đồng chí hướng, ông không ngừng nỗ lực miệt mài với hy vọng mở được một cửa khác cho chữ nghĩa Việt Nam ra khỏi ao tù hiện tại.

Tới nay, ông đã có ít nhất hai tác phẩm viết thẳng hoặc, dịch qua Anh ngữ…(3) (Du Tử Lê)

(Còn tiếp một kỳ)


Chú thích:

(1) Theo Wikipedia.

(2) Không biết tôi có thậm xưng quá chăng, khi dùng cụm từ “tín đồ sẵn sàng ‘tử đạo’ chữ nghĩa” do liên tưởng tới một phát biểu của nhà thơ Saint-John Perse (1887-1975) trong bài diễn văn nhận giải Nobel Văn Chương 1960 ở Thụy Điển. Ông nói đại ý: Vì lý do gì đó, tương lai, nếu nhân loại không còn một tôn giáo nào tồn tại thì, ngày ấy chúng ta sẽ có một tôn giáo mới, là “Tôn giáo thi ca.” (Nguồn Wikipedia)

(3) Được biết Vĩnh Quyền tốt nghiệp Thủ Khoa Đại Học Sư Phạm Huế, niên khóa 1970-1974, chuyên khoa Việt Hán (hệ 4 năm). Hai tác phẩm Anh ngữ của ông, được in ở hải ngoại là cuốn “Debris of Debris,” viết về chiến tranh Việt Nam. Theo tường thuật của nhà báo Lê Thanh Phong (VN) thì ấn bản lần thứ nhất của tác phẩm này, do Đại Học Saint Benedict, Minnesota ấn hành với số lượng nhỏ, “chỉ dùng để giảng dạy trong phạm vi đại học.” Sau đấy, đầu năm 2014, nhà xuất bản Austin Macauley (London, Anh quốc) tái bản, dạng bìa mỏng. Vẫn theo họ Lê thì, cùng năm 2014, tác phẩm vừa kể của Vĩnh Quyền được Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ lưu trữ với ghi chú “Debris of Debris góp phần làm phong phú tủ sách chiến tranh Việt Nam.” Ít năm sau, ký giả Lê Thanh Phong lại cho biết, ông đã nhận được tập truyện ngắn song ngữ tựa đề: “The Dusk Wolf/Sói Hoàng Hôn” của Vĩnh Quyền. Tác giả tự dịch 9 truyện và, 10 truyện còn lại do Zac Herman dịch qua Anh ngữ. (Nguồn website dutule.com)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT