Friday, March 29, 2024

Với ‘Truyện Tình,’ phải hiểu thế nào về ‘Lời bạt?’

Du Tử Lê/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Tôi thực sự không hiểu do ý kiến hay “sáng kiến” của ai, mà bất ngờ, ở những trang giữa tuyển tập “Truyện Tình,” trước khi bước vào phần “Thơ Nguyễn Tường Giang” lại là “Lời bạt: Những bài thơ viết riêng cho bạn.”

Những trang đầu của cuốn sách, có bài viết của Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng (*) ta có thể gọi đó là lời nói đầu, vì trước nó, không hề có một nhận định hay phát biểu nào hết. Nhưng, giữa sách mà đã có “Lời bạt” thì đó là điều khó hiểu cho những người đọc, quen hiểu rằng, “Bạt” là lời nói sau cùng, trước khi cuốn sách được xếp lại. Mục đích của “Lời nói sau cùng” này, là ghi nhận những gì của một người đọc, sau khi đọc xong tác phẩm, trước khi tác phẩm được đem in.

Vì thế, theo tôi, mấy cảm nghĩ của nhà văn Nguyễn Tường Giang viết về mấy bài thơ của ông gửi cho người bạn đã vĩnh viễn đi xa, là những ghi nhận từ bàn-viết-Nguyễn-Tường-Giang. Nó ý nghĩa và, hữu ích cho độc giả trong ngữ cảnh ấy. Nhưng hiển nhiên không thể gọi đó là “Bạt” được!

***

Tôi rất thích tính chân thật, không làm dáng của nhà văn Nguyễn Tường Giang, khi ông mở đầu phần dẫn nhập cho những bài thơ của mình rằng, trước năm 1975 ở Việt Nam, ông và hai bạn Nguyễn Mạnh Hùng, Đinh Cường của ông, không hề quen biết nhau. Mỗi người ở một lãnh vực chuyên môn riêng: Đinh Cường là họa sĩ thành danh trong giới hội họa, đã có nhiều cuộc triển lãm thành công ở nhiều thành phố lớn. Nguyễn Mạnh Hùng là giáo sư trường Luật, Quốc Gia Hành Chánh và nhân viên cao cấp trong chính phủ miền nam ở thời điểm đó. Riêng Nguyễn Tường Giang là bác sĩ y khoa. Ông nói “đôi khi lạc đường vào chốn văn chương, nghệ thuật”…

Rõ hơn, như tôi biết cùng với vài bằng hữu đồng chí hướng, ông là một trong những người điều hành tạp chí Văn Chương, tới Tháng Tư, 1975 (?).

Ông nói, như những người tị nạn xa xứ khác, ông và hai người bạn mới của mình, cũng có những khó khăn trong việc mưu sinh, những thân cây bật gốc đi tìm mảnh đất mới để hồi sinh, cũng phải đối phó với những đồi thay trong môi trường xã hội, của cả người bản xứ lẫn đồng hương. Cũng tình cờ họ gặp gỡ và quen biết nhau trong những giao tiếp tìm về bản chất quê hương.

Nguyễn Mạnh Hùng đã trở lại ngành giáo dục, giáo sư của một trường đại học lớn trong vùng. Ông hay làm gạch nối để tổ chức những chương trình văn hóa đa dạng, nhất là nhiều buổi triển lãm tranh tại một cơ sở của trường đại học, trong đó có nhiều cuộc triển lãm tranh Đinh Cường. Và ông, cũng chỉ như một người khách lạ đến xem tranh, đã từ đó gặp gỡ và làm quen với hai người bạn mới Đinh Cường và Nguyễn Mạnh Hùng.

Ông viết: “Chúng tôi bắt đầu thân nhau hơn sau nhiều lần gặp gỡ và đi chơi cùng nhau, cùng sở thích âm nhạc và ẩm thực, cùng yêu văn chương và hội họa và nhất là cùng có những khắc khoải và băn khoăn về thân phận biệt xứ, lưu vong. Nỗi bất an hoài mong đó, cũng chính là lý do Nguyễn Mạnh Hùng chọn dịch năm truyện ngắn trong tập sách này, là nguồn cảm hứng cho tôi viết những bài thơ tặng riêng cho bạn, và là những cảm xúc Đinh Cường đưa màu sắc và hình tượng vào tranh, những bức tranh được chọn lựa bởi Đinh Trường Chinh, người con trai út tài hoa theo nghiệp bố…”

Trong số 11 bài thơ Nguyễn Tường Giang cho in, để tặng riêng bạn, tôi thích bài “Ẩn Tình:”

“Ngoành mặt lại mùa xuân đã cũ
Em áo vàng, khăn lụa, tóc bay
Ẩn hiện đáy hồ, hồng má đỏ
Tranh Đinh Cường, ấn tượng, thơ ngây.

Ẩn tình vùi chôn đáy huyệt
Hai mươi năm lặng lẽ sống đời
Hồi sinh đâu tháng ngày huyễn mộng
Em của ai và tình của tôi.

Chợt ngó lại – mùa xuân – đã tới
Em áo vàng, khăn lụa, ở đâu
Ẩn hiện đáy hồ, hoa rực rỡ
Tranh Đinh Cường, hiện thực, thương đau”

Và: “Xem tranh ở nhà Đinh Cường”
“Ai kia lặn lội rừng thu ấy
Quanh quẩn tìm đâu một ráng chiều
Quanh quẩn tìm đâu hơi thở cũ
Đã đắm say trút máu vào sơn.

Tuổi trẻ đốt tan như lửa đỏ
Cháy tiêu bao mầm mống gian ngoan
Ai tìm trong màu xanh u uẩn
Chút tình yêu hơi thở hòa bình.

Đời bế tắc căng lên khung vải
Tiếng kèn buồn lạc điệu thê lương.

Cũng đành một kiếp ly hương
Vải đời gửi một chút sơn cuối mùa”

Hay bài “Ngồi ở Starbucks nhớ Đinh Cường:”

“Tôi ngồi một mình trong quán vắng
Buổi chiều mưa tuyết bay
Hai ly cà phê bốc khói
Chiếc ghế trống ngồi chờ ai

Tôi vẫn ngồi chờ một người
Tôi vẫn ngồi chờ đôi mắt nhìn ngơ ngác
Nụ cười như trẻ thơ
Giọng nói thì thầm thủ thỉ
Chiếc áo manteaux dầy che xương thịt
Hình nhân
Chiếc mũ xám mùa đông không làm đủ ấm
Đầu trọc thiền sư
Tôi thấy bạn tôi vẫn ngồi trên ghế
Ảo ảnh ba chiều
Ly cà phê còn bốc khói
Một regular tall
Lạnh như chưa bao giờ lạnh thế
Mùa đông đã bắt đầu
Muốn uống cà phê với một người bạn cũ
Buồn thay
Số điện thoại đã không còn”

***

Kế tiếp trước khi độc giả bước vào phần tranh chọn lọc, rất quý của Đinh Cường, cũng như tranh của Đinh Trường Chinh thì lại là “Lời bạt (2): Ngọn lửa nhỏ cuối mùa đông!”

Đinh Trường Chinh viết: “Ý tưởng ra đời của tập sách này có thể bắt đầu nhen nhúm từ những trao đổi  hay gợi ý trước đây giữa ba người bạn, nhưng chưa thành. Lý do ‘chưa thành’ chắc hẳn do nhiều yếu tố. Những yếu tố xác định nhất có lẽ là một trong ba người bạn ấy đã giã từ cuộc đời, khi vẫn còn ấp ủ nhiều dự án.”

“Ba người bạn đó là những người cùng thời, đồng trang lứa: Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Tường Giang, Đinh Cường. Họ trở thành thân thiết nhau từ một nối kết vô hình của nghệ thuật. Ba người, thuộc ba ngành nghề chuyên nghiệp khác nhau, lại ‘gặp’ qua chữ nghĩa và màu sắc. Họ đã làm bạn và có chung nhiều bạn – mẫu số chung bạn bè đó phần lớn nhất vẫn là những người làm văn học nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật cũng chỉ là cái ‘duyên.’ Sự thân thiết có thể đến từ những thứ nhỏ nhặt hơn thế. Những bữa ăn chung. Những sáng chiều ngồi cà phê…” theo Đinh Trường Chinh. (Du Tử Lê)

————
Chú thích:

(*) Trong bài viết “‘Truyện Tình,’ tuyển tập lung linh vầng trăng tình bạn” trên nhật báo Người Việt số ra ngày Thứ Bảy, 16 Tháng Sáu, khi trích một câu văn trong “Lời nói đầu” của dịch giả Nguyễn Mạnh Hùng, chúng tôi đã bỏ sót một số chữ quan trọng, khiến câu văn bị hiểu sai lạc trầm trọng. Sau đây là phần đúng của nội dung câu văn ấy: “…phần khác vì chúng tôi cũng có những kỷ niệm đi chơi xa với nhau, nhất là Paris, một thành phố mà Đinh Cường rất thích từ hồi còn trẻ ở Việt Nam…” Trân trọng cáo lỗi cùng dịch giả Nguyễn Mạnh Hùng và bạn đọc. (Du Tử Lê)

Anaheim để người dân quyết định việc tăng lương cho nhân viên Disneyland

MỚI CẬP NHẬT