Thursday, March 28, 2024

7 người bị bắt trong vụ nổ súng chống cưỡng chế đất

Ðoàn Văn Vươn từng được ca ngợi là ‘kỳ tài đất Tiên Lãng’


HẢI PHÒNG (NV) Gia đình vợ con, anh em của ông Ðoàn Văn Vươn đã bị bắt giam tất cả 7 người, tính đến ngày 9 tháng 1 năm 2012, theo các tin của một số báo ở Việt Nam sau cuộc nổ súng chống cưỡng chế ở một thôn ven biển thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ngày 5 tháng 1 năm 2012 vừa qua.









Người dân địa phương đứng chật con đê dài 2 cây số và đường lộ xem vụ “đấu súng” chống cưỡng chế. (Hình: Culangcat blog)


Chỉ một ngày sau hôm sau xảy ra vụ việc, công an đã bắt giam chủ đầm Ðoàn Văn Vươn, Ðoàn Văn Tịnh (em ông Vươn), Ðoàn Văn Vệ (cháu ông Vươn), Ðoàn Xuân Quỳnh (con trai ông Vươn), Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn), Phạm Thị Hiền (em dâu ông Vươn). Ðoàn Văn Quý, em trai ông Vươn, bị nói là người nổ súng, ra trình diện hôm 7 tháng 1, 2012 và cũng đang bị giam giữ để điều tra.


Khi lực lượng đông hơn 100 người đến cưỡng chế khu ao hồ nuôi thủy sản và vườn cây trái rộng khoảng 50 ha của đại gia đình ông Vươn, họ đã bị chống trả với mìn và súng bắn đạn hoa cải. Có 4 công an và 2 bộ đội bị thương. Những người chống cưỡng chế đã bỏ trốn khi thấy lực lượng cưỡng chế quá đông. Căn nhà gạch có lầu của ông Quý cũng như căn nhà lợp bổi của ông Vươn đã bị đoàn cưỡng chế bắn xối xả trước khi giật sập.


Nếu anh em ông Vươn bị truy tố theo điều 82 của Bộ Luật Hình Sự với tội danh “Tội bạo loạn”, hình phạt có thể lên đến tử hình. Nhưng nếu chỉ bị truy tố theo điều 257 “Chống người thi hành công vụ”, và điều 232, 233 về tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ và vũ khí thô sơ, có thể chỉ bị tù từ 1 năm đến chung thân.


Báo Ðất Việt ngày 9 tháng 1 năm 2012 dựa theo thông tin từ cơ quan điều tra nói rằng trước vụ cưỡng chế xảy ra “anh em ông Quý, Vươn và một số đối tượng khác đã bàn bạc, thống nhất hành động”.


Khi nhà cầm quyền địa phương ra quyết định truy tố “vụ án giết người và chống người thi hành công vụ” dù không có ai chết, cho người ta hiểu là anh em ông Vươn đang đối diện với các bản án rất nặng, dù chưa biết ở cấp độ nào.

* Nhất định giữ đất

Báo Dân Trí thuật theo cơ quan điều tra thì sau 2 ngày lẩn trốn, ông đoàn Văn Quý “khai do không đồng tình với việc khu đất của gia đình bị cưỡng chế, Quý cùng các thành viên trong gia đình đã bàn nhau quyết định giữ đất. Trước đó, các thành viên trong gia đình Quý đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng ở huyện Tiên Lãng. Sau 8 lần hòa giải không thành công, cuộc cưỡng chế được thực hiện”.








Chủ đầm Ðoàn Văn Vươn sau bao năm bám biển nay bị cưỡng chế thu hồi đất. (Hình: PLTP)


Sau 5 ngày xảy ra vụ việc, nhiều tin tức xuất hiện trên nhiều nguồn khác nhau đã cho người ta một thứ hình ảnh khá rõ rệt về bản chất sự việc. Một vụ cưỡng chế nhằm cướp đoạt mồ hôi nước mắt của một đại gia đình đã có công biến một vùng bờ biển hoang vu thành một khu đầm nuôi tôm nuôi cá và vườn cây ăn trái. Họ đã bỏ công sức suốt hai chục năm, nay vẫn còn nợ nhiều tỉ đồng, bị cưỡng chế không được bồi thường, họ không còn gì để sống.


Theo nhà báo Huy Ðức viết trên Facebook và được một số báo mạng đăng tải lại “Theo Ðiều 67 của Luật Ðất đai: ‘Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai… ’ ’ Chắc bởi chính quyền địa phương lấy đất đầm của ông Ðoàn Văn Vươn giao cho người khác nên mới xảy ra cơ sự vậy. Mặt khác, cũng theo Ðiều 67, ‘Trường hợp đất được nhà nước giao, cho thuê trước ngày 15 tháng 10, 1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày 15 tháng 10, 1993’. Tính từ 15 tháng 10, 1993 thì thời hạn được thuê của ông Vươn còn gần hai năm nữa, 15 tháng 10 năm 2013, thu bây giờ là sai luật rồi. Các nhà báo nên điều tra kỹ trước khi viết”.


Blogger Culangcat bình luận rằng dù chưa đến hạn phải trả đất mà “huyện đã nuốt lời, bần cùng hóa một người lương thiện đến vô ơn”.


Một số người tìm lại được bài viết “Kỳ tài đất Tiên Lãng và cuộc chinh phục lời nguyền của biển” của báo Pháp Luật và Ðời Sống viết ngày 22 tháng 7, 2010 nay đã bị xóa. Bài ký sự mô tả Ðoàn Văn Vươn là một “bộ đội phục viên” năm 1986, con của một đảng viên, vừa làm nông dân vừa ghi tên học canh nông. Ðỗ đại học không kiếm chức quyền vừa nhàn hạ vừa có cơ hội tham nhũng mà lại quyết chí đi ngăn biển lấy đất, làm ao nuôi cá.


Sau nhiều năm trời kiên trí, khoảng 20,000m3 đất đá cũng đã tạo được bờ kè chắn sóng lấn biển để gia đình anh em ông có cơ ngơi như ngày nay.


Bây giờ, công lao đội đá lấn biển của ông và anh em gia đình nhà ông sắp được thưởng những bản án rất có thể đến tử hình.



* Lấy chứ không đền bù



Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC hôm 9 tháng 1 năm 2012, bà Trần Thị Mịn, em dâu ông Ðoàn Văn Vươn nói rằng gia đình họ hiện đang nợ hơn 10 tỉ đồng. “Họ lấy trắng chứ không đền bù cái gì nên gia đình mới cố giữ để sinh nhai, giả nợ.” Bà Mịn nói. “Trước kia anh Vươn làm đơn ở tòa án thành phố, tòa yêu cầu giả lại mặt bằng cho anh rồi. Chủ tịch huyện đồng ý cho ký kết hợp đồng lại, nhưng hai năm nay lại bắt dừng đầu tư. Có nộp sản cũng không lấy, không hiểu làm sao”.


Bà Mịn kể trong cuộc phỏng vấn rằng con trai ông Vươn và mấy phụ nữ trong gia đình đã bị đánh đập dã man.


Trong một bản tin khác của báo Ðất Việt ngày 9 tháng 1 năm 2012, nhà cầm quyền đã dồn đại gia đình anh em ông Vươn, ông Quý vào đường cùng nên họ đã “quẫn trí” mà hành động chống cưỡng chế.


Theo tìm hiểu của tờ Ðất Việt, “Sáng 8 tháng 9 năm 2009, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, lần đầu tiên lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng mới đề xuất với chính phủ phương án xây dựng sân bay cấp vùng duyên hải phía Bắc ở khu vực Tiên Lãng, thay thế cho sân bay Cát Bi sau năm 2025 và là sân bay hỗ trợ cho sân bay quốc tế Nội Bài. Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm cục trưởng Cục Hàng Không Phạm Quý Tiêu cho rằng, nếu Hải Phòng có 2 sân bay dân dụng là không ổn về mặt kinh tế. Và Hải Phòng vẫn có kế hoạch nâng cấp sân bay Cát Bi đến năm 2015 và 2025.”


Thế rồi “Mãi đến ngày 28 tháng 4, 2011 vừa qua, thủ tướng chính phủ mới ký quyết định 640/QÐ-TTg phê duyệt quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng. Theo đó, vị trí quy hoạch cảng hàng không mới sẽ nằm ở 4 xã Vinh Quang, Tiên Hưng, Ðông Hưng, Tây Hưng của huyện Tiên Lãng. Tức là cho đến nay, sau khi có sự đồng ý này, Bộ GTVT mới bắt tay vào việc lập quy hoạch sân bay. Trong khi đó, ngay từ 2005 người dân đã khiếu nại, 2007 đã khởi kiện ra tòa về quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng.” (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT