Friday, March 29, 2024

ASEAN cố đạt thỏa thuận COC với Trung Quốc


HONOLULU, Hawaii 5-4 (NV) –
ASEAN vẫn cố đạt thỏa thuận với Bắc Kinh một bản Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông trong hy vọng nhờ đó mà tránh được các vụ xung đột võ trang.


Bản đồ Biển Đông với 9 vạch nối lại có hình dáng “Lưỡi Bò” mà Trung quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền không được các nước tranh chấp công nhận. (Hình: Wikipedia)

Theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, Ng Eng Hen, nói có vẻ lạc quan thì các nước ASEAN đạt được một số tiến bộ trong cuộc đàm phán với Bắc Kinh cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử COC (Code of Conduct). Ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN khác đến tham dự cuộc họp hai ngày (1-3/4/2014) với Hoa Kỳ ở Honoluu, Hawaii, về các chủ đề hợp tác chống thiên tai và các thảm họa.

“Tôi nghĩ có thể có một nghị quyết nhanh chóng về tự do hải hành.” Ông Ng nói với các nhà báo sau khi dự hội nghị. “(Rắc rối) Ngư nghiệp hơi phức tạp hơn một chút nhưng các vấn đề dầu khí thì phức tạp hơn nhiều lần, và hiển nhiên các vấn đề chủ quyền lãnh thổ lại còn được coi là linh vật hơn nữa.”

Dù không phải là nước tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, nhưng Singapore cũng như những nước ASEAN khác, đều quan tâm đến vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước, đặc biệt là Việt Nam và Phi Luật Tân. Theo nhận xét của ông Ng, cả ASEAN cũng như Trung Quốc đều muốn có một bản COC càng sớm càng tối. Nhận định của ông Ng khác hẳn với những diễn biến xảy ra trước đây khi có các cuộc đàm phán về COC, người ta thấy thái độ của Bắc Kinh rất ngang ngược.

Cũng vì Bắc Kinh đưa các hành động, từ quân sự đến hành chính, nhằm củng cố cho những lời tuyên bố chủ quyền, nên những lần họp đó đều nhúc nhích rất chậm chạp.

Tháng 7 năm ngoái, các bên bắt đầu cuộc đàm phán nhưng tháng Giêng năm nay, Bắc Kinh cho tỉnh đảo Hải Nam ra quyết định buộc tàu đánh cá “nước ngoài” đánh cá trên vùng biển họ tuyên bố chủ quyền, phải xin phép trước, nếu không bị coi là đánh cá “bất hợp pháp” và có thể bị bắt giữ, tịch thu đồ nghề và phạt vạ. 

“Những chỗ chồng lấn (chủ quyền) dù nhỏ hay những biến có dù có rất ít hệ quả chiến lược cũng có thể phát khởi các cuộc xung đột.” Ông Ng nói.

Cũng vì các vụ căng thẳng gia tăng mà Phi Luật Tân đưa kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tháng Giêng vừa qua, tàu hải giám Trung Quốc xịt nước đuổi tàu đánh cá của Phi Luật Tân ở khu vực bãi cạn Scarborough Shoal, theo tin của quân đội Phi. Đến Tháng Ba vừa qua,  tàu hải giám Trung Quốc ngăn chặn tàu tiếp tế của Phi tiếp cận một đơn vị quân đội trú đóng trên một chiếc tàu dùng làm căn cứ trên khu vực bãi cạn Second Thomas Shoal mà Phi tuyên bố chủ quyền.

Dù Trung Quốc nhiều lần đòi hỏi các cuộc tranh chấp biển đảo trên Biển Đông giải quyết qua đàm phán song phương để Bắc Kinh lợi dụng thế mạnh nước lớn lấn át, ông Ng lại cho rằng Trung Quốc không chống lại các diễn đàn đa phương để giải quyết tranh chấp. Khác với nhận định của ông Ng, Bắc Kinh còn nhất định gạt Hoa Kỳ ra khỏi các cuộc đàm phán về tranh chấp Biển Đông vì coi nước này không liên quan. Trái lại, Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố ở các diễn đàn ASEAN là có “lợi ích quốc gia” trên Biển Đông, đặc biệt là quyền tự do hải hành trên các vùng biển quốc tế.

Nhiều hơn một lần, Bắc Kinh tuyên bố sẽ ngồi xuống họp về một bộ COC khi “thời gian chín mùi”, tức khi họ đã chuẩn bị đủ áp lực để có một thứ thỏa hiệp có lợi cho họ. Năm 2009, Bắc Kinh nộp ở Ủy Ban Công Ước về Luật Biển (UNCLOS) một bản đồ Biển Đông trên đó vẽ đường 9 đoạn gom lại như hình “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80%, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Phi Luật Tân. Bản đồ này lập tức bị các nước liên quan tranh chấp phủ nhận.

Tại cuộc họp ở Honolulu, các bộ trưởng quốc phòng ASEAN đã cùng với bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel thảo luận các biện pháp hợp tác thế nào để cùng phối hợp đối phó tốt hơn khi các thiên tai và thảm họa bất ngờ xảy đến. Họ đã đến thăm Trung Tâm Cảnh Báo Bão Tố cũng như thăm viếng tàu cứu hộ USS Anchorage của Hải quân Mỹ trang bị các dụng cụ và đồ dùng cần thiết cho các cấp cứu khi tai họa xảy ra.

Singapore đề nghị các đối tác ASEAN sử dụng trung tâm kiểm soát ở Changi, gần phi trường nước này để phối trí các chiến dịch cứu trợ và đối phó thiên tai, thảm họa, đặc biệt những biến cố cực kỳ nghiêm trọng như bão Hải Yến (Haiyan typhoon) đã làm thiệt mạng khoảng 6,000 người hồi năm ngoái. (TN)

MỚI CẬP NHẬT