Friday, April 19, 2024

An ninh CSVN thả các bloggers từ Philippines về


HÀ NỘI (NV) –
Sau nhiều giờ đồng đồ thẩm vấn moi tin, tuyên truyền và đe dọa, Công an CSVN đã thả các bloggers Việt Nam sang Philippines dự khóa huấn luyện về xã hội dân sự.


Các bloggers bằng hữu đứng biểu tình đòi thả người ở phi trường Tân Sơn Nhất hôm Thứ Bảy 5/10/2013. (Hình: Dân Làm Báo)

Châu Văn Thi, Bùi Tuấn Lâm, Trần Hoài Bảo An bị giữ ở phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn còn, Đỗ Văn Thưởng, Nguyễn Việt Hưng đã bị an ninh bắt giữ ở phi trường Nội Bài, Hà Nội khi họ vừa từ Philippines trở về Việt Nam trong các đêm Thứ Sáu và ngày Thứ Bảy.

Trước đó, họ được một tổ chức phi chính phủ (NGO) có tên là Asian Bridge, tại Philippines, mời tới quốc gia này tham dự khóa học diễn ra trong hai tuần lễ về “xã hội dân sự”. Tin cho hay người cuối cùng được thả vào 7 giờ tối ngày chủ nhật ở Hà Nội sau nhiều tiếng đồng hồ thẩm vấn mà không có cớ gì để buộc tội.

Tuy nhiên, theo Dân Làm Báo, An ninh cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã thu giữ trái phép hai chiếc máy tính cá nhân mua mới tại Phi Luật Tân của các bloggers.

Trước khi sang Philippines tham dự khóa học về “xã hội dân sự”, do Asian Bridge tổ chức, các bloggers vừa kể là những thành viên tích cực trong các hoạt động cổ súy cho nhân quyền tại Việt Nam: Phân phát Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền trong buổi Dã ngoại Nhân quyền diễn ra hồi đầu tháng 5. Ký tên vào tuyên bố của cộng đồng blogger Việt Nam, đề nghị cộng đồng quốc tế tác động, gây áp lực để chính quyền Việt Nam hủy bỏ điều 258 trong Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Blogger Châu Văn Thi (phải) sau khi vừa được thả, chụp hình với vợ (sau lưng), chị (giữa) và blogger An Đổ Nguyễn. (Hình : Facebook An Đổ Nguyễn).

Trong tuyên bố vừa kể, các blogger Việt Nam cho biết sẽ thực thi nghiêm túc các nguyên tắc mà Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã đề ra như: Tiếp tục xúc tiến và truyền đạt đến dân chúng Việt Nam các quyền của mỗi công dân bằng cách phân phối công khai bản Tuyên ngôn Nhân quyền, tổ chức các diễn đàn công khai để thảo luận về nhân quyền ở Việt Nam và vận động cho những cải thiện cần thiết trong việc tôn trọng và bảo vệ nhân quyền.

Các blogger cũng sẽ tiếp tục giám sát, báo cáo và bình luận công khai về sự cải thiện, thụt lùi hay vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, với sự tập trung vào vấn đề chính sách và thực thi chính sách ảnh hưởng đến nhân quyền do nhà cầm quyền CSVN thực hiện.

Chế độ Hà Nội đang tìm nhiều cách để có thể trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Trong khi về nguyên tắc, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm tăng cường việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới, giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền và đưa ra khuyến nghị.

Đó cũng là lý do để các blogger khẳng định, nhà cầm quyền CSVN phải xem lại tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, dân chúng Việt Nam cũng phải có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt, bởi trách nhiệm thực thi “những chuẩn mực cao nhất trong việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền” cần được áp dụng không chỉ trên bình diện quốc tế, mà còn phải áp dụng ngay tại Việt Nam. 

Blogger Bùi Tuấn Lâm. (Hình: Facebook An Đổ Nguyễn)

Dựa trên các tiêu chí, nguyên tắc về bảo vệ và thực thi nhân quyền ở phạm vi toàn cầu – điều mà nhà cầm quyền CSVN không thể chối bỏ khi vận động cộng đồng quốc tế để được chọn làm thành viên Hội đồng Nhân quyền liên Hiệp Quốc, các blogger Việt Nam kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc chú ý và yêu cầu chế độ Hà Nội loại bỏ điều 258 khỏi Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Điều 258 được đặt định để xử phạt những người bị cáo buộc là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Các blogger Việt Nam nhận định, điều 258 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam vi phạm điều 19 của Tuyên ngôn Nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở, được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”.

Giới blogger Việt Nam hi vọng, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ thúc đẩy CSVN loại bỏ điều 258 trong Bộ luật Hình sự như một bằng chứng về thiện chí và nỗ lực thực hiện những cam kết về nhân quyền.

Đến nay, chưa có thông tin nào về phản ứng của giới blogger ở Hà Nội về việc an ninh Việt Nam bắt giữ hai blogger Đỗ Văn Thưởng và Nguyễn Việt Hưng. Nhung tại Sài Gòn, theo một số blog, trang facebook, trong hai ngày 5 và 6 tháng 10, một số blogger ở Sài Gòn đã kéo đến phi trường Tân Sơn Nhất, biểu tình phản đối việc bắt giữ trái phép và đòi thả bạn bè của họ. 

Khóa học về “xã hội dân sự” do Asian Bridge tổ chức, mà năm blogger bị bắt vừa mới tham dự, có nhiều diễn giả là đại diện của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Hỗ trợ Pháp lý Nhân đạo (HLAF), Liên minh Các Hội Nông dân và Ngư dân Philippines (PAKISAMA) và một số thượng nghị sĩ, luật gia Philippines… (G.Đ.)

 

 

MỚI CẬP NHẬT