Friday, April 19, 2024

Ba người Việt thoát chết kể chuyện tàu chìm ở Ý

 


SÀI GÒN (NV)Ba người Việt Nam làm việc trên du thuyền Costa Concordia lâm nạn ngoài khơi nước Ý đã về đến Tân Sơn Nhất đêm 20 Tháng Giêng, kể lại chuyện thoát chết thần kỳ.










Mai Thy ngồi tại nhà ở Sài Gòn kể chuyện tàu chìm. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)


Cô gái Việt duy nhất trong số họ là Mai Thị Phương Thy 29 tuổi, cư dân Sài Gòn cho biết chỉ giữ lại được thẻ nhân viên và một chiếc nơ để làm… kỷ niệm. Còn tất cả tài sản cá nhân của cô gồm laptop, máy ảnh, điện thoại di động… đều đã chìm theo tàu.


Mai Thy làm việc ở tầng 3 còn hai nam đồng nghiệp người Việt Nam của cô là Danh Oanh Di 21 tuổi, cư dân Kiên Giang và Trương Ðình Duy 30 tuổi, trú ngụ tại Sài Gòn đều làm việc tại tầng 7.


Trong số họ, Mai Thy là người may mắn bước lên tàu cứu sinh ngay từ đầu và được đưa thẳng vào bờ. Di lẫn Duy phải phóng xuống biển để thoát thân và Duy thoát chết trong sự thần kỳ.


Báo mạng VNExpress cho biết, du thuyền Costa Concordia đi vòng quanh Ðịa Trung Hải rời bến khoảng 7 giờ tối 13 Tháng Giêng.


Theo Di, tàu đi được chừng hai tiếng thì bắt đầu có dấu hiệu rung lắc. Khoảng nửa đêm 14 Tháng Giêng, tức 5 tiếng đồng hồ sau khi xuất bến, Costa Condordia nghiêng mạnh và lật.










Du khách trên tàu trong giờ lâm nạn. (Hình tài liệu)


Kể chuyện với báo Tuổi Trẻ, Mai Thy cho biết cô đang làm việc tại khu nhà hàng lúc tàu gặp nạn. Cô kể: “Tôi vừa bưng thức ăn cho khách, và mới bưng chồng đĩa lên cao ngang mặt thì nghe một tiếng rầm lớn. Nhiều chồng đĩa rơi khỏi bàn vỡ loảng xoảng.”


Sau đó, điện bị cúp, rồi có điện trở lại. Theo Mai Thy, lúc đó chưa ai hay biết biến cố khủng khiếp sắp xảy ra. Phải 45 phút sau thì con tàu mới thình lình nghiêng sang một bên và người ta nghe còi báo động khẩn cấp. Hỗn loạn kinh hồn xảy ra từ lúc đó.


Mai Thy kể tiếp: “Tiếng la hét, kêu cứu tứ phía, nhiều người xỉu, nhiều người khóc vang…”


Theo Mai Thy, sự bình tĩnh giúp cô biết làm những điều đúng và cần thiết giữa khung cảnh hỗn loạn. Cô chạy lên khu vực cuối tầng 7 hò hét dòng người đang khóc lóc vừa chen lấn, xô đẩy nhau cùng chạy xuống tầng 4 để lên tàu cứu sinh.


Tất cả 16 tàu cứu sinh lần lượt đưa khách vào bờ. Mai Thy cho rằng áo phao ở hành lang tầng 4 trong giờ phút khẩn cấp cũng chỉ đủ cho khoảng 2,100 người, trong khi số hành khách có mặt trên tàu lúc đó khoảng 4,000 người. Ða số họ là người Ý, còn lại là người Pháp và Ðức.


Thy cho rằng mỗi phòng ở đều có áo phao nhưng hầu hết mọi người đều quên đi yếu tố quan trọng đó trong lúc hỗn loạn. Có người sợ hãi không dám xuống tàu cứu sinh vì lạnh và tối làm chậm đi hoạt động cứu nạn.


Trong khi đó, báo mạng VNExpress thuật lời của Di kể nói rằng anh và một số người nhảy xuống nước thoát thân sau khi đưa được một số hành khách lên tàu cứu sinh và khi tàu bắt đầu lật nghiêng.


Theo Danh Oanh Di, tàu lắc nhẹ rồi bị cúp điện hai tiếng đồng hồ trước khi lật chìm. Vì ông thuyền trưởng đã vội rời tàu để thoát thân, việc di tản du khách bằng tàu cứu sinh không được tổ chức chu đáo mới gây thiệt hại lớn.


Anh Di cũng cho rằng tín hiệu báo động được phát ra chậm một tiếng đồng hồ sau hiện tượng bất thường và không từ mệnh lệnh của thuyền trưởng mà của một nữ nhân viên nào đó. Di tận mắt nhìn thấy một số du khách bị đạp chết tại chỗ và người chết vì nhảy xuống nước lạnh dưới 0 độ C.


Cho tới lúc thấy tàu bị nghiêng mạnh, Di quyết định nhảy xuống tàu thoát thân.


Còn Duy thì mất 10 phút mới rút được chân bị kẹt dính tại giải phân cách trên tàu trong lúc hỗn loạn. Sau đó anh cũng nhảy xuống nước. Duy bị sóng nước dâng cao đánh chìm lúc tàu bị lật. Anh níu được một chiếc phao, nhưng chỉ 20 phút sau thì phao lại bị sóng đánh chìm vì chở quá đông người. Cuối cùng anh dùng hết sức lực để bơi vào một hòn đảo gần đó.


Tâm sự với báo Người Lao Ðộng, Duy cho rằng sự sống sót của anh quả là thần kỳ.


Du thuyền Costa Concordia dài 290m, nặng 114,500 tấn xuất bến vào đêm Thứ Sáu 13 Tháng Giêng đụng vào bãi đá ngầm ngoài khơi nước Ý, gần đảo Giglio.


Người ta ước tính khoảng 11 người thiệt mạng và 28 người mất tích trong tai nạn kinh hoàng được coi là một Titanic thứ hai đúng 100 năm sau. (P.L.)


 

MỚI CẬP NHẬT