Friday, March 29, 2024

Bắc Kinh: Không cần Mỹ, Nhật ‘xía’ vào Biển Đông


BANDAR SERI BEGAWAN, Brunei (NV) .- Trung Quốc
đả kích Hoa Kỳ và Nhật Bản khi đại diện các nước này phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á Châu (East Asea Summit) về cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.









Lãnh tụ 10 nước ASEAN chụp hình kỷ niệm với các đối tác gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn quốc, Úc, Tân Tây Lan trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Đông Á tổ chức ở thủ đô Brunei ngày Thứ Năm 10/10/2013. (Hình: PHILIPPE LOPEZ/AFP/Getty Images)

“Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý với nhau là các tranh chấp trên Biển Đông nên được giải quyết ôn hòa qua các cuộc tham vấn và đàm phán giữa các quốc gia liên quan trực tiếp, và những nước nào không phải là thành phần các nước tranh chấp không nên can dự vào”.

Ông Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc phản bác như vậy sau các phát biểu của thủ tướng Nhật và ngoại trưởng Hoa Kỳ ở hội nghị nói trên hôm Thứ Năm 10-10-2013 tại thủ đô Brunei.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi các nước tranh chấp nên tuân thủ theo Công uốc Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) và kềm chế hành động đơn phương dùng võ lực để giải quyết vấn đề chủ quyền Biển Đông. Ông ám chỉ đến những vụ Bắc Kinh xua tàu kiếm chuyện với Việt Nam và Phi Luật Tân trên một số khu vực của Biển Đông những tháng vừa qua và mấy năm gần đây.

“Nhật và các nước khác trong cộng đồng quốc tế có lợi ích đối với sự an bình và ổn định trên Biển Đông.” Ông Abe nói ở Hội nghị nói trên. “Biển là một tài sản quốc tế quan trọng và chúng tôi cho rằng những luật lệ căn bản như những giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, tự do hải hành và tôn trọng luật lệ quốc tế, gồm cả UNCLOS, là những điều cần tôn trọng.”

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phó hội thay cho tổng thống Barack Obama không thể đến, tuyên bố cả các nước tuyên bố chủ quyền và những nước không tuyên bố chủ quyền đều có quyền lên tiếng vì các nước không tuyên bố chủ quyền cũng chia xẻ những lợi ích của một nền hòa bình, ổn định, tự do hải hành và những nguyên tắc hợp pháp về thương mại hàng hải.

Ông Lý Khắc Cường, lần đầu tiên dự hội nghị này từ khi được cử làm thủ tướng hồi đầu năm, phản đối lời phát biểu của Mỹ, Nhật, cho rằng tự do hải hành trên Biển Đông “chưa bao giờ là vấn đề và sẽ không bao giờ”.

Bắc Kinh từng cho tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô trên biển, bắn đạn thật không ngoài mục đích đe dọa Việt Nam và Philippines. Những lần cản trở tàu thăm dò đầu khí và bắn cháy tàu đánh cá của Việt Nam, cản trở và xua đuổi tàu Philippines ở khu vực Scarborough rồi lại chuẩn bị xây cất ở đó là những hành động bá quyền nước lớn rất trắng trợn.

Có 11 vị đại diện của 18 nước tham dự hội nghị đã phát biểu về vấn đề Biển Đông chứng tỏ đây là vấn đề thời sự quan trọng cần được đối phó, hiện còn đang tắc với bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) chưa biết bao giờ có trước những mánh lới vòng vo và áp lực của Bắc Kinh.

Khu vực quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền đang có tranh chấp với Trung quốc, Philippines, Đài Loan, Mã Lai và Brunei. Quần đảo Hoàng Sa thì chỉ có tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng trùm lên cả hai quần đảo này, Bắc Kinh tuyên bố đến 80% Biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc nằm trong phạm vi mà họ vạch thành hình “Lưỡi Bò”. Nhiều chỗ cái vạch ngang ngược này liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Thủ tướng Nhật Abe cho hay nước ông có “lợi ích cao” trong việc nhìn thấy một bộ quy tắc ứng xử COC) được thiết lập sớm sủa. Lý Khắc Cường chỉ hứa hẹn hợp tác “tham khảo” với các nước ASEAN để có “tiến bộ tích cực và đều đặn” mà không ai biết đến bao giờ mới có.

Giống như thủ tướng Nhật, ông Kerry thúc giục ASEAN và Trung quốc nên tiến hành nhanh các cuộc thảo luận mà theo ông “Không có tiến bộ (trong các cuộc thảo luận) thật sự thì chúng ta không thể giảm thiểu nguy cơ, sự tính toán sai lầm và diễn dịch sai lầm”.

Trước hội nghị, các lãnh đạo Trung Quốc gồm chủ tịch và ngoại trưởng đã đi vòng vòng các nước Đông Nam Á để chèo kéo. Sau hội nghị tới lần thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tới Việt Nam. (TN)

MỚI CẬP NHẬT