Friday, April 19, 2024

Bãi biển Phú Quốc tràn ngập rác thải và hôi thối

KIÊN GIANG (NV)Túi nylon, thùng xốp, hộp đựng thức ăn, xác động vật,… nổi dày đặc và bốc mùi hôi thối dọc các bãi biển, mé sông ở thị trấn Dương Ðông, huyện Phú Quốc.


Ðược mệnh danh là “thiên đường du lịch” của Việt Nam, với lượng du khách tăng cao theo từng năm, thế nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phú Quốc đang rất đáng báo động bởi đi đến đâu cũng thấy rác.








Những miệng cống lộ thiên xả nước đen, bốc mùi hôi thối ra biển. (Hình: VNExpress)


Theo mô tả của phóng viên VNExpress, ngày 17 tháng 8, cạnh khu di tích Dinh Cậu tại thị trấn Dương Ðông, một bãi rác dạt vào bờ không được thu dọn, cách đó một con đường là bãi tắm, khiến du khách không khỏi rùng mình trước khi xuống tắm.


Bến neo đậu tàu thuyền gần cửa sông Dương Ðông cũng tràn ngập các loại rác nguy hại, không thể phân hủy như túi nylon, thùng và hộp xốp dùng để đựng thức ăn… Thậm chí, người dân còn làm “cầu tõm” xả thẳng ra biển.


Bà Lê Thị Bé (54 tuổi), cư dân ở gần cửa sông cho biết, nhiều lúc xác nhiều loại động vật bị vứt xuống biển bốc mùi tử khí nồng nặc. “Thỉnh thoảng có đợt phát động phong trào thanh niên thu gom rác nhưng rồi đâu lại vào đấy,” bà Bé ta thán.








Các bãi biển công cộng rác vương vãi khắp nơi. (Hình: VNExpress)


Phía dưới các nhà hàng, quán ăn bên bờ sông Dương Ðông cũng tràn ngập rác. Nhiều nhất là bọc nylon, hộp xốp đựng thức ăn…do du khách mua mang đến khu vực bãi biển ăn rồi vứt lại.


Cùng với rác, khách du lịch đến công viên lớn sát bờ biển ở thị trấn để du ngoạn cũng rất dễ dàng bắt gặp những miệng cống lộ thiên xả nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối trực tiếp ra biển, khiến cho nơi này luôn có “dòng nước đen” nhạt dần ra phía biển.


Ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch huyện Phú Quốc thừa nhận với VNExpress: “Ô nhiễm môi trường ở Phú Quốc hiện rất đáng lo ngại.”


Ngay cả ông Lê Văn Thi, chủ tịch tỉnh Kiên Giang cũng xác nhận, môi trường Phú Quốc hiện chưa bảo đảm, cần phải có biện pháp bảo vệ, nếu không sắp tới lượng khách tăng với nhịp độ 30-40% mỗi năm thì việc bảo vệ môi trường ở đây sẽ khó hơn. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT