Tuesday, April 16, 2024

Báo Nhật phanh phui ngành đường sắt Việt Nam tham nhũng

Quan chức Việt Nam bị tố nhận hối lộ 16 tỉ đồng của công ty Nhật



VIỆT NAM (NV) – Tờ báo lớn nhất ở Nhật, Yomiuri Shimbun, vừa phanh phui vụ tham nhũng khổng lồ dính tới ngành đường sắt Việt Nam, với trị giá món tiền hối lộ trên $700,000. Chiều ngày 23 Tháng Ba, trong một quyết định khẩn cấp, ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch tổng công ty Ðường Sắt Việt Nam, cho hay, đã đình chỉ công việc của ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Ban Quản Lý Các Dự Án Ðường Sắt, và thành lập tổ điều tra nghi án nói trên.

Báo Tuổi Trẻ cho hay, tổng công ty Ðường Sắt Việt Nam đã họp khẩn các đơn vị trực thuộc để thông báo nội dung vụ JTC nói đã “hối lộ 16 tỉ đồng cho một vài cán bộ lãnh đạo ngành đường sắt.” Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Thành cũng ví von rằng: “Hiện tại chưa kết luận ai sai, ai vi phạm, ngay cả việc tạm dừng công tác cũng chỉ để yêu cầu giải trình, làm rõ trách nhiệm, chứ chưa phải kết luận có vi phạm.” Ông này cũng nói rằng, sẽ rà soát tất cả các dự án có liên quan đến nhà thầu JTC vì hiện nay tổng công ty Ðường Sắt Việt Nam đang thực hiện nhiều dự án có sử dụng nguồn vốn vay của Nhật.

Ðường sắt Việt Nam càng dài, tiền hối lộ tham nhũng càng lớn? (Hình: Việt Nam Net)

Theo báo Tuổi Trẻ, JTC là tên viết tắt của Tổ Hợp Tham Vấn Giao Thông Nhật. Ðơn vị này liên kết với công ty Tham Vấn Quốc Tế Thái Bình Dương (PCI) và công ty Dịch Vụ Kỹ Thuật Ðường Sắt Nhật (JARTS) cung cấp gói dịch vụ tham vấn nâng cao độ an toàn cầu và đường sắt tuyến Hà Nội – Sài Gòn cho tổng công ty Ðường Sắt Việt Nam. Hợp đồng tham vấn này trị giá 150 tỉ đồng, tương đương $7.5 triệu, thực hiện trong 4 năm 8 tháng.

Tại Việt Nam, JTC có mặt trong hầu hết các dự án liên quan đến đường sắt, như dự án an toàn giao thông đường sắt Bắc-Nam, đường sắt đô thị, nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam…

Báo Tuổi Trẻ trích lược nguồn tin đang gây chấn động dư luận là vụ chủ tịch tổ hợp JTC thú nhận đã hối lộ cho một vài cán bộ lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia gần $1 triệu để có các hợp đồng tham vấn thiết kế các dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Nhật tại các nước này.

Riêng tại Việt Nam, ông Tamio Kakinuma, 65 tuổi, chủ tịch JTC, thừa nhận đã hối lộ khoảng $700,000 cho quan chức ngành đường sắt.

Nhiều nguồn tin nói rằng, ông Kakinuma đã đến văn phòng công tố Tokyo hôm 18 Tháng Ba, cung cấp thêm chi tiết thời gian và số tiền đã đút lót cho các quan chức ba nước Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia. Trước đó, ông này bị văn phòng công tố Tokyo thẩm vấn và đã ký vào biên bản xác nhận lời khai.

Khoản tiền hối lộ này bị Cục Thuế Khu Vực Tokyo khám phá hồi Tháng Tư, 2013, từ các khoản thanh toán trái phép lên tới 100 triệu Yen, từ Tháng Hai, 2008 đến Tháng Hai, 2012.

JTC nói đã chia nhỏ khoản tiền khổng lồ này và 40 lần đưa hối lộ cho các nhà lãnh đạo ngành đường sắt ba nước nêu trên. Riêng khoản hối lộ dính đến Việt Nam, ông Kakinuma nói đã “đút lót” cho các quan chức Việt Nam 80 triệu Yen, tương đương $782,000 để đối lấy dự án trị giá 4.2 tỉ Yen, tương đương $41 triệu. JTC còn khai đã đưa tiền hối lộ cho năm người của ba nước, trong đó có một cán bộ Văn Phòng Quản Lý Dự Án tại Tổng Cục Ðường Sắt Việt Nam. Danh tính của người Việt Nam này hiện chưa được tiết lộ.

Vụ ông Hỳnh Ngọc Sĩ, phó giám đốc Sở Giao Thông-Vận Tải Sài Gòn, trưởng ban quản lý dự án đại lộ Ðông-Tây của Sài Gòn, bị tố nhận $262,000 tiền hối lộ hồi năm 2008 cũng xuất phát từ một bài điều tra của tờ Yomiuri. Sau bài báo này, Nhật truy tố bốn quan chức PCI đã hối lộ quan chức Việt Nam để được thắng thầu dự án đại lộ Ðông-Tây và môi trường nước ở Sài Gòn. Cuộc phối hợp điều tra giữa hai nước sau đó dẫn đến việc đưa ông Huỳnh Ngọc Sĩ và một số cán bộ liên quan ra tòa.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị tòa án Sài Gòn năm 2010, bị kết án chung thân về tội nhận hối lộ, sau đó giảm xuống còn 20 năm tù giam. (PL)

MỚI CẬP NHẬT