Thursday, March 28, 2024

Biếu quà Tết, ‘chuyện nhỏ’ nhưng ‘không nhỏ’

 


Nguyễn Thị Hàm Anh/Người Việt


 SÀI GÒN Trong năm có vài dịp để biếu xén nhau nhưng Tết âm lịch bao giờ cũng là dịp trọng đại mà việc biếu quà gần như sự bắt buộc.









Quà Tết nhiều, nhưng chọn món phù hợp không phải dễ. (Hình: Hàm Anh/Người Việt)


Ngày 23, thiên hạ bắt đầu đi biếu Tết.


Rất nhiều người cần phải biếu trong dịp này. Nào cha mẹ, nội ngoại hai bên, anh chị em, họ hàng, sếp, người ân, kẻ nghĩa. Biếu đồng nghiệp, bạn bè. Biếu sếp to, sếp nhỏ. Biếu giáo viên chủ nhiệm của con cái và cả giáo viên của các môn chính… lỡ chúng nghịch ngợm, phá phách thầy cô châm chước cho hoặc thiếu điểm còn xin điểm.


Xưa kia dịp Tết là vụ mùa thu hoạch chính trong năm nên sẵn cây nhà lá vườn. Biếu nhau thúng gạo, lồng gà, nải chuối… Bây giờ thì vô số hàng hóa làm quà biếu.


Các món hàng được dùng để biếu đều phải có vẻ ngoài bắt mắt. Vỏ hộp thường sặc sỡ, nhiều nhất là màu đỏ tươi được xem tượng trưng cho sự vui vẻ, may mắn. Bắt đầu Tháng Chạp, các cửa tiệm to nhỏ chất hàng như núi. Tại các cửa hàng lớn và siêu thị, nhân viên làm việc không nghỉ tay, quà gói sẵn chất đầy ra tới lề đường. Các gói quà xếp trong lẵng mây, thắt nơ lộng lẫy giá từ vài trăm đến mười mấy triệu.


Ðể hấp dẫn người mua, hàng chục mẫu quà khác nhau được đặt tên Xuân An Khang, Phú Quý Phát Tài, Mùa Xuân Thịnh Vượng… với đặc sản từng miền Bắc, Trung, Nam. Qua lớp giấy bóng kiếng cho thấy thế nào bên trong cũng có chai rượu, hộp trà, dầu gội đầu… chỉ có điều tuy trông đồ sộ nhưng nếu không phải cửa hàng có uy tín, khi mở ra mới phát giác kẹo độn giấy chưa được phần tư hộp, bánh không có “đát,” trà vụn…


Thứ gì cũng có thể làm quà Tết: từ chai dầu ăn, nước mắm… đến sâm Cao Ly, nước yến… Thông thường nhất là lạp xường, cà phê, nho khô… thùng bia hay nước ngọt vác đi trông rất bề thế.


Hàng Việt Nam có nhiều tiến bộ nhưng vẫn bị lép vế trước hàng ngoại quốc tung hoành. Trái cây Úc, chocolate Mỹ, bia Pháp… hoặc bánh kẹo của Thái Lan, Indo, Mã Lai nhưng áp đảo vẫn là Trung Quốc từ hàng điện máy, quần áo, thực phẩm… không thiếu thứ gì. Tuy nhiên không phải cứ mác ngoại quốc là hàng tốt. Hoặc hàng giả hoặc hàng quá cũ nên mở ra có khi bánh ỉu, kẹo ướt…


Rượu là thứ dễ làm giả nhất, chẳng thà mua một chai Lúa Mới hay vang Ðà Lạt, Bình Thuận còn bảo đảm hơn mua rượu ngoại bởi ngày nào chẳng nghe ve chai rao thâu vỏ chai rượu ngoại, mang về bơm rượu giả, đóng hộp cẩn thận, dán tem nhập khẩu. Trừ phi khui ra uống thì không thể biết giả mạo chỗ nào.


Ðó là quà Tết thông thường. Sau này có nhiều món giá trị hơn như vé tour du lịch ngoại quốc, chiếc TV Sanyo màn hình siêu phẳng hay dàn DVD karaoke… Cao cấp hơn nữa là những hợp đồng chia phần trăm, những cổ đông được chia lãi mà không cần đóng phần hùn… Quà loại đó vô biên vô hạn nên ở đây chỉ đề cập đến quà Tết bình thường.


Quà gói sẵn giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu. Nếu quà chưa đủ giá trị, nhiều trường hợp phải gài thêm một chiếc phong bì cho đủ ký. Quà gói sẵn ngoài tiệm thường chênh lệch nhau từng vài chục ngàn đồng cho khách hàng dễ chọn, Thậm chí các gói quà có ngang giá nhau thì nội dung vẫn khác để bảo đảm không đụng hàng, không gói nào giống y gói nào.


Chủ một sạp hàng ở chợ Cũ-Hàm Nghi cho biết cứ qua cách chọn và gói hàng, có thể đoán khách tặng quà cho loại người nào. Ðơn giản bỏ bịch ny lông hay giấy báo gói lại rồi trả tiền liền không thèm nhìn là tặng gia đình, họ hàng. Tặng bạn bè hay đồng nghiệp thì bao giấy hoa đơn giản. Quà cấp trên đương nhiên màu mè, đắt tiền, nhìn vào thấy ngay vừa sang vừa đẹp. Biếu Tết là chính dịp trả ơn, cầu cạnh mà không bị sượng. Cũng có sở ra thông báo cấm nhân viên đi Tết quà cấp trên, nhất là cứ công quỹ trích ra vô tội vạ. Có điều không thể khép tội được khi mọi người nhất định tôi đi Tết vì “tình cảm” chứ không vì lý do nào khác.


Quà cho người thân rất thực tiễn là tôm khô, gạo thơm, nước tương… nhưng quà xã giao cầu kỳ hơn như chocolate, mứt sen trần, hồng khô… Mua cho người thân chỉ tay món hàng nào gói cân liền món đó nhưng để biếu xén thì người khách còn chần chừ lựa chọn, cân nhắc tính toán xem giá trị có xứng đáng, phù hợp với người biếu không, hình thức có đẹp đẽ, bắt mắt không… Thành thử cứ nhìn vào món quà là có thể phần nào biết mối liên hệ giữa người tặng và người nhận.


Mua ngoài mắc quá nên một số bà nội trợ tự muối hành kiệu, nấu thịt đông… làm quà biếu vì tiết kiệm lại vệ sinh, và quý do tự tay làm. Cứ đến khoảng 26, 27, họ làm sẵn mấy chục túi mỗi phần chia đều hộp giò thủ, hũ dưa món… cứ thế đưa đều các nhà.


Một bà buồn hiu vì sui gia biếu Tết hậu hĩ quá. Lạp xưởng, tôm khô, nếp cái… toàn là quà dưới quê. Ðó là thực phẩm nên đỡ đi chợ còn hơn những món xa xí bánh mứt ngọt đường nên kiêng ăn. Bà than thở mình đâu có ăn mấy thứ mắc tiền đó. Ngày thường chỉ mua lạp xưởng bán ngoài sạp thịt, tôm khô nhỏ lép như con tép… Nhận quà mắc tiền thì cũng phải tính sao để “đi’ lại tương đương thật méo mặt.


Người nào có nhiều mối quan hệ thì phải lật sổ ra coi danh sách. Năm ngoái đã biếu vịt lạp thì năm nay đổi món khô bò, năm kia biếu xúc xích thì năm nay nem chua, thùng bia hoài cũng nhàm thì thay bằng chai rượu tây…


Thật ra quà Tết biếu nhiều và nhận cũng nhiều vì thế hàng hóa có sự luân chuyển.


Một giáo viên kể cô lựa trong số quà của học sinh hộp chocolate ngoại quốc để biếu hiệu trưởng, một hộp kem cạo râu ngoại quốc gửi về không dám dùng dành cho hiệu phó. Hộp kem nhỏ quá đưa cũng kỳ nên kèm thêm gói lạp xưởng hút chân không mua trong siêu thị. Lạp xưởng bán ngoài chợ không có nhãn hiệu, khách thích nhãn hiệu nào, chủ sạp lôi tờ nhãn ra dán vào nên chỉ để nhà ăn thôi! Phần bà nội móm mém hộp sữa Ensure và hai hộp phô-mai. Cho cháu chồng hộp kẹo thắt nơ sặc sỡ cũng của học trò. Ông anh chồng nhà nghèo đưa hộp bánh hợp tác xã to đùng đổi lấy hai đòn bánh tét. Hai đòn bánh này xách đi xem chừng hơi lủng lẳng nên cô mang về đàng ngoại, đồng thời lấy của bà ngoại ký giò lụa thông gia mới biếu để mang đến cô giáo của con trai. Cơ quan của chồng khá hơn nên chồng cô phải chung với đồng nghiệp khiêng đến sếp hai két bia. Anh đi riêng thêm giò hoa lan. Dĩ nhiên nói dối vợ nửa giá tiền và kể với sếp đây là giống hoa mới mới lai tạo của kỹ sư em họ. Còn bà trưởng phòng nhận xấp áo dài gấm vợ được tặng hôm khai trường nhờ chạy cho con ông hàng xóm vào lớp điểm… Tặng quà cho sếp rất mệt óc vì phải đón đúng ý thì món quà đó mới coi là thành công.


Kể nghe giống như chuyện khôi hài nhưng thực sự đó là tình trạng chung của đa số gia đình. Cho nên có nhà tết đến hàng năm, bảy cây giò ăn tới cuối Tháng Giêng, ba bốn thùng nước ngọt để tới nửa năm chưa uống hết… trong khi nhiều nhà khác, công nhân khu chế xuất chẳng hạn, một số người cuối năm bị quỵt lương không xoay sở nồi thịt kho, đòn bánh tét… Siêu thị vào giữa trưa, khách hàng kìn kìn đẩy xe đầy bánh mứt, hoa giả… Riêng một cô chỉ xách giỏ nhẹ tênh vài hộp sữa. Cô cho biết vì làm bên ngành kiểm toán, khách hàng cho nhiều quà lắm nên không cần sắm sửa nhiều.


Vào những ngày cận Tết này, góc nhà chất đầy các loại quà luân phiên đến và đi một cách mau chóng. Các bà nội trợ kinh nghiệm đầy mình nên phân loại rất thành thạo các món quà từ sang đến hèn, từ cầu kỳ đến đơn giản, từ hình thức đến nội dung… để giao đi đúng người, đúng chỗ. Việc biếu xén cứ thế mỗi ngày càng cận Tết càng hối hả, xem chừng người ta biếu mình cái gì kiếm chỗ sang tay gấp, thiếu gì mới tất tả đi chợ lo mua thêm.


Tuy nhiên năm nay kinh tế khó khăn. Hàng bày nhiều nhưng ít người mua. Việc biếu xén phiền phức cũng giảm đi hẳn. Mọi người lo đến cuộc sống hàng ngày. Ðiện nước đều tăng giá, không biết ra Giêng thế nào…


 

MỚI CẬP NHẬT