Thursday, March 28, 2024

Bộ Tư Pháp VN: Gần 4,000 văn bản ‘trái pháp luật’ được ban hành


HÀ NỘI 6-1 (NV) –
Gần một phần ba tất cả các văn bản pháp luật hay gần 4,000 văn bản pháp luật đã được ban hành “trái pháp luật” tại Việt Nam trong năm 2011.

Tỉ lệ phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật những năm gần đây không giảm. Biểu đồ của Bộ Tư Pháp CSVN. (Hình: VietNamNet)

Báo điện tử VietNamNet hôm Thứ Sáu thuật lời thứ trưởng Bộ Tư Pháp Hoàng Thế Liên nói tại “hội nghị triển khai công tác năm mới” của bộ này.

Nguồn tin thuật lại lời ông Liên rằng “Hơn 1,000 văn bản trong số này có nội dung trái pháp luật. Một số đã được chính các cơ quan đơn vị xử lý.”

Nguồn tin đưa ra thống kê của Bộ Tư Pháp Việt Nam cho thấy những năm gần đây tỉ lệ phát hiện các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật không giảm giảm bớt. Như năm 2007 có tỉ lệ “trái pháp luật” là 21%. Năm 2008 văn bản có tỉ lệ trái luật 24.9% năm 2009 là 33.54%. Năm 2010 là 19.24% và năm 2011 là 29.31%.

Tương ứng với tỉ lệ văn bản “trái pháp luật” năm 2008 là gần 6,900 văn bản, theo báo VNExpress năm 2008.

Tình trạng vẫn xảy ra từ năm này sang năm khác chứng tỏ trình độ hiểu biết pháp luật của viên chức cầm quyền tại các cơ quan bộ phủ, tỉnh thị “ra văn phản pháp luật” rất thấp kém, hoặc có thể bất chấp pháp luật. Hồi năm 2008, dư luận đã chế diễu khi Bộ Y Tế ra quyết định cấm phụ nữ “ngực lép” chạy xe gắn máy. Sau đó, trước phản ứng dữ dội của dư luận, cái quyết định quái đản đó đã bị bãi bỏ.

Các viên chức địa phương lợi dụng quyền hành đã ra rất nhiều văn bản pháp luật trái luật cả “về nội dung và thẩm quyền”, theo VNExpress.

Ngày 19 tháng 4 năm 2010, theo tin của VNExpress, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký một nghị định về “kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật” trong đó “cán bộ, công chức vi phạm trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Theo nguồn tin này thì “Cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật phải tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và báo cáo cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định. Người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật cũng phải bị xem xét trách nhiệm.

Cán bộ, công chức trong quá trình tham mưu soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua văn bản, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung trái pháp luật của văn bản phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức.

Trường hợp cán bộ, công chức có vi phạm trong quá trình soạn thảo, ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị đề nghị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Ðến ngày 23 tháng 9 năm 2010, báo Tiền Phong nói cục trưởng Cục Kiểm Tra Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật – Bộ Tư Pháp “tiếp tục gửi văn bản nhắc nhở 7 bộ, ngành cùng 13 tỉnh, thành trong việc ban hành văn bản có dấu hiệu trái luật”. Việc ỳ ra, không chịu sửa đổi hay bãi bỏ các văn bản pháp luật được Bộ Tư Pháp CSVN nhìn nhận là “biểu hiện không tuân thủ quy định của chính phủ trong hoạt động ban hành, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật, có thể gây nên những tác động xấu trong xã hội.”

Cho tới nay, không hề thấy có tin tức nào nói một viên chức nhà nước nào bị phạt vì ban hành văn bản “trái pháp luật”.

MỚI CẬP NHẬT