Thursday, April 18, 2024

Bỏ phiếu tín nhiệm chủ tịch nước, thủ tướng từ 2013

HÀ NỘI (NV) – Quốc Hội CSVN vừa thông qua một bản nghị quyết, kể từ khóa họp đầu năm tới, sẽ bắt đầu tiến hành “lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc Hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”.









Các thợ mộc thất nghiệp ngồi chờ xem có ai cho mình việc làm, không bận tâm gì với phiên họp Quốc Hội đang diễn ra cách đó không xa. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)


Tổng cộng, ở thượng tầng nhà nước, có 49 chức danh bị đưa vào danh sách phải lấy phiếu tín nhiệm. Trong đó có “Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch Quốc Hội, phó chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch Hội Ðồng Dân Tộc, chủ nhiệm Ủy Ban Của Quốc Hội, các thành viên khác của ủy ban thường vụ Quốc Hội; thủ tướng chính phủ, phó thủ tướng chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của chính phủ; chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, tổng kiểm toán nhà nước”.


Tin này được loan truyền rộng rãi trên hệ thống tuyên truyền của chế độ, ca tụng một bước tiến đến “văn hóa từ chức” hoàn toàn không có trong guồng máy nhà nước, xưa nay nổi tiếng với tham nhũng và bè đảng.


Bản nghị quyết là hệ quả của nhiều tháng qua mà báo chí tại Việt Nam đưa ra những lời bàn tán về những khuyết tật, sai trái của giới lãnh đạo nhưng vẫn ngang nhiên bám chặt chiếc ghế đầy quyền lực và bổng lộc bất chấp sự đả kích của dư luận cả trong nước lẫn quốc tế.


Cuộc họp giữa kỳ của trung ương đảng CSVN hồi đầu tháng 10 được xì ra cho thấy ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bị đả kích dữ dội về sự thất bại trong chính sách kinh tế xã hội, nạn tham nhũng. Nhưng đáng ngạc nhiên là người ta không thấy ông từ chức hoặc bị cách chức.


Ông Dũng chỉ ra ngoài Quốc Hội nói vài lời xin lỗi rồi mọi chuyện qua đi. Ông vẫn ngồi vững vàng trên ghế thủ tướng.


Ngày 21 tháng 11 năm 2012, TTXVN tường thuật lại cuộc biểu quyết ở Quốc Hội Hà Nội, ca tụng bản nghị quyết là “Từ ngày 1 tháng 2 năm 2013, một phương thức mới nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc Hội, hội đồng nhân dân đối với người giữ chức vụ do Quốc Hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; giúp những người này nhận thấy được mức độ tín nhiệm để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của mình.”


Theo tin tức, cứ hai năm, sẽ có một cuộc biểu quyết để lấy “phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm” nhưng riêng nhiệm kỳ 2011-2016 thì sẽ bắt đầu kỳ đầu tiên vào khóa họp đầu năm 2013.


Khi bị đưa ra đánh giá tín nhiệm, TTXVN nói “người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc Hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ thì có thể xin từ chức. Người có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc Hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc Hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá ‘tín nhiệm thấp’ thì ủy ban thường vụ Quốc Hội, thường trực hội đồng nhân dân trình Quốc Hội, hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.”


Ðồng thời “Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc Hội, đại biểu hội đồng nhân dân bỏ phiếu ‘không tín nhiệm’ thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc Hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc Hội, hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc Hội, hội đồng nhân dân tín nhiệm”.


Coi vậy, nhiều tầng nấc “đánh giá” sẽ khó lòng đưa tới sự tự nguyện từ chức hoặc cách chức. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào sự đấu đá phe đảng và sự chỉ thị của cái cơ chế ngồi trên đầu nhà nước: Những kẻ cầm đầu đảng CSVN.


Ông Nguyễn Tấn Dũng, trong phiên họp Quốc Hội ngày 14 tháng 11 năm 2012, bị một đại biểu chất vấn và gián tiếp kêu gọi ông từ chức. Ông Dũng đã tránh né chuyện từ chức mà đổ tội cho đảng CSVN đã giao nhiệm vụ cho ông làm vì ông không “xin” việc làm. Nhưng với một người có tinh thần trách nhiệm, sau những điều tiếng không tốt và các thất bại của những chính sách đưa ra, phải tự động xin từ chức. Một điều cực hiếm trong văn hóa và truyền thống CSVN. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT