Friday, April 19, 2024

CSVN họp “Hội nghị trung ương” lần 8

HÀ NỘI (NV) .- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (Hội nghị Trung ương) lần thứ 8 vừa khai mạc hôm 30 tháng 9 và sẽ kết thúc vào ngày 9 tháng 10, trước khi Quốc hội của chế độ tái nhóm.









Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN nghẹn ngào loan báo kết quả Hội nghị Trung ương 5, khai sinh thành ngữ “Đồng chí X” đã trở thành đề tài cho công chúng Việt Nam giễu cợt. (Hình: Internet)


Cho đến hết ngày 30 tháng 9, hầu hết hệ thống tuyên truyền CSVN vẫn chưa đưa tin về Hội nghị Trung ương lần này. Chỉ có trang web của chính phủ Việt Nam tóm tắt một số thông tin giới thiệu về Hội nghị Trung ương 8.


Kết quả hai lần hội nghị trung ương gần nhất (sáu và bảy) đã từng bị công chúng Việt Nam chỉ trích kịch liệt. Thậm chí không ít người biến hai hội nghị trung ương đó thành đề tài để diễu cợt.


Ở Hội nghị Trung ương lần 6, 175 thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương của Đảng CSVN đã “nhất trí” không kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng Việt Nam, dù nhân vật này được xác định là đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng và phải chịu trách nhiệm về tình hình kinh tế – xã hội càng ngày càng bi đát.


Tổng Bi thư Đảng CSVN đã ứa nước mắt khi thông báo kết quả  Hội nghị Trung ương lần 6 và gọi ông Dũng – nhân vật không thể kỷ luật là “Đồng chí X”. Nước mắt của ông Trọng và cụm từ “Đồng chí X” trở thành một thành ngữ mới để công chúng dè bỉu cả Đảng CSVN lẫn Thủ tướng Việt Nam.


Sang Hội nghị Trung ương lần 7, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng CSVN đã “nhất trí” đưa ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân – hai Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào Bộ Chính trị, nâng tổng số thành viên Bộ chính trị từ 14 lên 16 người. Sự “nhất trí” đó lại tiếp tục là đề tài để công chúng bình phẩm về những rạn nứt trong nội bộ và về sự thất thế của ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng CSVN.


Trước đây, ông Trọng đã vận động tái lập hai ban trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng là Ban Nội chính và Ban Kinh tế, sắp xếp để ông Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng Ban Nội chính, ông Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban Kinh tế. Tuy nhiên trong Hội nghị Trung ương lần 7, cả ông Thanh và ông Huệ đều không đủ phiếu để trở thành Ủy viên Bộ Chính trị.


Theo trang web của chính phủ CSVN thì ở hội nghị trung ương lần này, Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 của Đảng CSVN sẽ “bàn về công tác nhân sự”.


Chưa rõ các thành viên trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 của Đảng CSVN sẽ bàn những gì về “công tác nhân sự” nhưng vài ngày trước khi Hội nghị Trung ương lần 8 khai mạc, ông Nguyễn Phú Trọng tuyên bố, Tổng Bí thư có thể kiêm Chủ tịch Nhà nước song không nên đưa yếu tố này vào hiến pháp vì “phức tạp”.


Cũng theo trang web của chính phủ CSVN, Hội nghị Trung ương 8 sẽ cho ý kiến về nội dung dự thảo hiến pháp, trước khi dự thảo này được trình cho Quốc hội Việt Nam xem xét ở kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc vào trung tuần tháng 10.


Ông Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN cũng vừa mới bị công chúng chỉ trích khi ông nói về Hiến pháp. Theo đó, Hiến pháp là một văn kiện pháp lý quan trọng, chỉ đứng sau… cương lĩnh chính trị của Đảng CSVN.


Chưa rõ các ủy viên trong Ban Chấp hành trung ương Đảng CSVN sẽ nói gì về dự thảo hiến pháp nhưng những thông tin do Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp cho thấy, các phản ứng của công chúng đã gây ra áp lực đáng kể đối với ủy ban này.


Cách nay bốn tháng, trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 7, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định, Đảng CSVN vẫn “phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN”. 


Nhưng hồi giữa tháng 9, Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp cho biết, dựa trên góp ý của công chúng, họ đang phân vân giữa việc giữ hay bỏ “vai trò chủ đạo” của kinh tế nhà nước trong hiến định về “thành phần kinh tế”. Người ta đang thắc mắc, nếu trong hiến pháp mới, “kinh tế nhà nước” không còn giữ “vai trò chủ đạo” thì chưa rõ các lý thuyết gia cộng sản ở Việt Nam sẽ giải thích “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế là gì (?).


Trang web của chính phủ CSVN còn cho biết, trong Hội nghị Trung ương lần 8, tất cả 175 ủy viên của Ban Chấp hành trung ương Đảng CSVN sẽ “kiểm điểm công việc của Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong năm 2013” và “có khả năng sẽ diễn ra các phiên chất vấn như tại Quốc hội”. Giới quan sát thời sự Việt Nam tin rằng, với các diễn biến như vừa qua, cuộc “kiểm điểm” có thể sẽ hết sức khốc liệt và đem lại nhiều kết quả bất ngờ. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT