Friday, March 29, 2024

Cán bộ xúi dân kiện quy định phạt ‘không chính chủ’


VIỆT NAM (NV) –
Nghị Ðịnh 71 của nhà nước cộng sản Việt Nam phạt từ 60 đô đến 500 đô người lái xe không phải của mình vẫn tiếp tục gây xôn xao dư luận.










Chạy xe giữa phố phải mang theo nhiều giấy tờ hơn nữa, theo Nghị Ðịnh 71. (Hình: báo Lao Ðộng)


Tại Hà Nội, bất chấp sự phẫn nộ của người dân, công an giao thông đã nâng số người lái xe “không chính chủ” lên 19 khi N.Ð 71 bước sang ngày thứ năm có hiệu lực thi hành. Theo nghị định này, người đi xe gắn máy “không chính chủ” bị phạt 60 đô, còn người đi xe hơi “không chính chủ” bị phạt khoảng 500 đô.


Báo Pháp Luật Sài Gòn cho biết, phòng Công An Giao Thông Hà Nội ngày 15 tháng 11, xác nhận rằng số chủ xe chưa sang tên và chuyển quyền sở hữu hiện nay “còn rất lớn.”


Cũng theo báo Pháp Luật Sài Gòn, ít nhất 2 cán bộ cao cấp của ngành tư pháp cộng sản Việt Nam đã lên tiếng chỉ trích và bài bác điều khoản phạt vạ “không chính chủ” của Nghị Ðịnh 71.


Báo Pháp Luật Sài Gòn dẫn lời ông viện trưởng Viện Nghiên Cứu Lập Pháp của Quốc Hội cộng sản Việt Nam, Ðinh Xuân Thảo, nói rằng nhà nước Việt Nam cần phải “xem xét lại” nghị định này.


Theo ông Ðinh Xuân Thảo, lệ phí trước bạ và phí sang tên, đổi chủ hiện nay là 10% và 2% giá trị chuyển nhượng, mua bán xe hơi và xe gắn máy là quá cao. Ông Thảo còn cho rằng cần phải hủy bỏ nội dung phạt vạ bất hợp lý này.


Người thứ hai là ông Lê Hồng Sơn, cục trưởng Cục Kiểm Tra Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật thuộc Bộ Tư Pháp cộng sản Việt Nam cũng cho rằng “quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đi lại tại Nghị Ðịnh 71 là không phù hợp.”


Theo ông, nghị định này giúp cán bộ công an giao thông “can thiệp quá sâu vào những lĩnh vực không thuộc trách nhiệm điều hành của mình.” Và như thế, ông Sơn cho biết, là “ép” quan hệ dân sự và “làm co lại sự phát triển của xã hội.”


Ông Sơn tuyên bố: “Người ta đi xe không chính chủ là việc bình thường. Quản lý là điều cần thiết nhưng cũng vừa phải thôi. Chứ quản lý quá sâu, đến mức phạt cả việc không sang tên đổi chủ là không chấp nhận được. Còn việc giải quyết hậu quả do không sang tên đổi chủ, gây khó khăn cho việc xử lý thì đây là trách nhiệm của ngành công an.” Ông này cho khuyến cáo người đi xe “không chính chủ” bị phạt đâm đơn kiện công an giao thông ra tòa hành chính về quyết định xử phạt sai trái này.


Cũng theo ông Sơn, tài xế chạy xe trên đường chỉ cần có bằng lái, có giấy chứng nhận kiểm định xe là đủ.

MỚI CẬP NHẬT