Thursday, March 28, 2024

Cha mẹ học sinh than ‘è’ cổ đóng tiền

 


SÀI GÒN (NV)Năm học 2013-2014 khai giảng chưa đầy một tháng, phụ huynh có con theo học tại hầu hết các trường tiểu học ở Việt Nam đều xôn xao về những khoản phí thu, chi “không rõ ràng.”

Có con trai đang học lớp sáu trường trung học cơ sở Vĩnh Cửu, tỉnh Ðồng Nai, bà Trần Thị Mận cho biết, hai vợ chồng bà phải làm thêm nghề phụ hồ, ngoài việc cày khoán trên bốn sào ruộng thuê, mới đủ tiền lo sách vở, học phí cho con vào năm học mới.









Học sinh chạy nhảy chơi đùa, không biết đến gánh nặng học phí đè nặng trên vai các phụ huynh (Hình: báo Tiền Phong)


Ðó là chưa kể hai vợ chồng bà phải bán luôn hai tạ lúa vừa thu hoạch để mua sắm quần áo, sách vở cho con. Bà nói: “Ngày họp phụ huynh đầu năm, chúng tôi nghe đồn rằng, ngoài học phí của trường, phụ huynh còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác, gọi là tiền quỹ lớp, tiền vệ sinh, tiền phụ đạo.”

Bà Mận còn kể rất nhiều loại quỹ khác nhau, mỗi loại khoảng vài chục ngàn đồng, trong đó, nhiều nhất là tiền đóng cho lớp học phụ đạo của con em. Chỉ riêng phí này cũng đã là 100,000 đồng/1 học kỳ, tương đương 4 đô. Tính tổng cộng mỗi phụ huynh phải đóng đến 600,000 đồng vào ngày đầu năm, tương đương 25 đôla.

Bà nói thêm: “Chúng tôi thắc mắc vì không rõ nhà trường còn chi dùng lệ phí của phụ huynh đóng góp vào việc gì khác nữa không. Giáo viên chủ nhiệm chỉ trả lời đến cuối năm mới tổng kết chi thu, mới thông báo để mọi người được biết.”

Một phụ huynh khác ở Biên Hòa, Ðồng Nai, bà Nguyễn Thị Tươi, có con học lớp ba trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cũng cùng nỗi băn khoăn trên. Theo bà Tươi, học phí là do giáo viên chủ nhiệm thu giữ. Còn những tiền còn lại gọi là quỹ lớp thì do hội trưởng hội phụ huynh của năm học đó nắm giữ thu, chi. Rất nhiều phụ huynh băn khoăn cho rằng, tuy quỹ lớp hình thành trên cơ sở “tự nguyện,” nhưng người không đóng, hoặc đóng trễ sẽ bị hội trưởng gọi điện thoại “nhắc nhở.”

Phụ huynh này cho biết: “Cuối năm học vừa rồi, chúng tôi thấy bàn ghế trong lớp học bị hư hại rất nhiều. Khi đề nghị dùng tiền quỹ đầu năm sửa chữa bàn ghế, trong khoản được gọi là sửa chữa cơ sở vật chất của trường, các vị đại diện hội phụ huynh học sinh lập tức trả lời “hết tiền.” Cũng theo vị phụ huynh trên, vì không muốn làm “ảnh hưởng” đến các cháu, nên họ đành… làm thinh cho qua chuyện.

Trong khi đó, theo bà Trương Thị Lan, hội trưởng Hội Phụ Huynh trường Bành Văn Trân, quận Tân Bình, Sài Gòn, tổng số tiền quỹ thu được trong một học kỳ khoảng 600,000 đồng của mỗi học sinh, tương đương 30 đô được chi bảo hiểm, xây dựng trường… Nếu cuối năm còn dư thì chi hết để mua quà tặng các thầy cô. Bà Lan khẳng định rằng vì phần lớn phụ huynh “không hiểu điều này nên thắc mắc, gây ra tranh cãi, biến cuộc họp thành cuộc khẩu chiến giữa hai phe, thường xảy ra vào cuối học kỳ.”

Tại trường tiểu học Ngô Thời Nhiệm, quận Gò Vấp, Sài Gòn, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự bất mãn vì bị coi là “con bò sữa để hội tha hồ rúc rỉa.” Bà Phạm Huyền Trang, có con học lớp năm, cho biết: “Con của tôi học hết năm nay thì sang cấp hai, chuyển trường khác. Vậy nếu tôi đóng 500,000 đồng, tương đương 25 đô để mua máy lạnh, ti vi, máy chiếu cho lớp, năm sau sang trường khác lại phải đóng khoản phí này nữa. Như vậy thì không hợp lý chút nào.”

Nhưng bà cũng nói rằng nếu nhà trường và hội phụ huynh nói rõ ràng việc sử dụng tiền quỹ thì phụ huynh cũng vui vẻ đóng góp, để con em mình được thoải mái học tập. Bà Huyền Trang cho rằng vì “đầu năm è cổ ra đóng tiền mà không biết chi dùng cho cái gì, và đến cuối năm thì được tin báo là hết quỹ, mọi người đều bật ngửa.”

Bà Huyền Trang, phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Ba Ðình, Hà Nội cũng xác nhận đã phải đóng nhiều khoản phí nâng cấp lớp học như máy chiếu, máy điều hòa, máy tính xách tay… từ đầu năm học. Bà nói: “Năm năm sau, đứa con thứ hai của bà vào lớp một cũng phải đóng những khoản phí như thế. Không biết những thiết bị ấy đi đâu.”

Ông Phạm Văn Nam, chánh thanh tra Sở Giáo Dục và Ðào Tạo cho biết, trong tháng 10 này sẽ xem xét vấn đề mà phụ huynh than phiền. (PL)

MỚI CẬP NHẬT