Friday, March 29, 2024

Chính quyền quản lý đầm, hồ, cá to thành ‘quý hiếm’!

Bài và hình: Ama Trung (Đăk nông)

 

Đầm, hồ tự nhiên nơi có nguồn thuỷ sản phong phú giúp người dân quê tôi có thêm thu nhập, hoặc cải thiện bữa ăn hàng ngày. Nhưng mọi sự thay đổi kể từ khi các đầm hồ này thuộc sự quản lý của chính quyền.



Việt Nam thuộc khí hậu nhiệt đới, vì vậy mà cả nước có nhiều sông, suối, hồ, đầm tự nhiên. Trước kia hồ, đầm ở đâu thì dân địa phương, thậm trí dân ở nơi khác cũng đến cứ tự nhiên đánh bắt thủy sản mà không ai ngăn cấm, vì lẽ đó mà có rất nhiều hộ gia đình không có đất đai sản xuất đã chọn nghề đánh bắt thủy sản ở các hồ, đầm làm kế sinh nhai nuôi cả gia đình và có đủ tiền để con cái ăn học tới nơi, tới chốn. 



Riêng trên địa bàn khu vực Tây nguyên hầu như địa phương nào cũng có ít nhất 3-4 dòng suối chảy qua, và 4-5 cái hồ, đầm. Cái nhỏ cũng có diện tích 30-50 ha, hồ lớn từ 100 đến 200 ha mặt nước.






Đầm, hồ tự nhiên khi chính quyền chưa quản lý.



Cứ vào khoảng trung tuần tháng 10 âm lịch, cá tôm và các loại thủy sản khác từ các con suối, con sông trên địa bàn tìm đường về những hồ, đầm này để trú ngụ và sinh sản vì thời gian này cho đến cuối mùa khô hầu hết các con suối, con sông rất ít nước hoặc cạn trơ đáy. Cũng nhờ vậy mà về mùa khô, những người thuộc diện nông nhàn (mỗi tỉnh có đến hàng ngàn hộ dân) tranh thủ kiếm tiền bằng nghề chài, lưới, giăng câu…Rồi những hộ sống gần hồ, đầm hàng ngày cũng đánh bắt cá tôm tự nhiên để cải thiện bữa ăn.



Trước kia nhiều hồ, đầm hàng năm cứ đến đầu mùa mưa còn được chính quyền cấp huyện trích ngân sách mua cá giống về thả để làm tăng các loài thủy sản cho địa phương. Thế nhưng từ khoảng năm 2006, rất nhiều các dòng suối lớn bị chặn lại để phát triển thủy điện lớn, nhỏ.



Rồi qua năm 2009, hầu hết các hồ, đầm trong các địa phương được giao cho Ban quản lý và cung cấp nước sản xuất thuộc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các tỉnh quản lý. Sau đó tỉnh đã bỏ kinh phí xây dựng đập rất chắc chắn xung quanh hồ để bảo vệ nguồn nước rồi thu phí thủy lợi của dân chuyên canh tác lúa và các loại cây công nghiệp khác khi cần tưới.



Bỗng nhiên hồ, đầm tự nhiên thuộc về sự quản lý của Ban này hoặc được giao cho xã bảo vệ. Từ đó mà các địa phương đã tổ chức cho các cá nhân đấu thầu để chăn nuôi thủy sản. Hàng năm tiền thuê hồ, đầm được nộp vào ngân sách xã. Lúc này các ông chủ thầu hồ, đầm có quyền ‘sinh, sát’ trong tay, họ thuê ‘đầu gấu’ bảo vệ nguồn thủy sản không cho bất kỳ ai đánh bắt, kể cả những con tép nhỏ, làm cho hàng ngàn hộ gia đình dân chài, lưới hoàn toàn thất nghiệp và các hộ gia đình sống gần khu vực mất hẳn cá, tôm trong bữa ăn hàng ngày.













Các hồ, đầm tự nhiên giờ đã được bao bờ chắc chắn và được chính quyền quản lý.



Trước kia người dân tự đánh bắt đem bán với giá vừa phải gọi là đủ công làm, còn nay cũng vì dân không còn được đánh bắt nữa mà cá tôm bỗng dưng cao giá do chủ thầu tính toán chuyện ‘đầu cơ’, họ đánh bắt nhỏ giọt đem ra chợ bán mang tính độc quyền. Nông dân ở vùng sâu vùng xa đành ngậm tăm mua theo giá họ ‘hét’, chứ đi ra các chợ khác cũng vậy, vì các chủ thầu đã bắt tay với nhau tăng giá.



Rồi cũng từ việc xã cho đấu thầu đã gây nhiều chuyện mất an ninh trật tự tại địa phương,  bởi người dân muốn thả câu, giăng lưới kiếm con cá, con tôm cũng bị chủ thầu ngăn cản, thậm trí bị đánh đập quy cho tội ăn cắp. Từ những chuyện bực tức dồn nén lâu ngày như vậy, đã phát sinh mất trật tự xã hội và chính quyền nhiều nơi đã phải mất công giải quyết do thưa kiện kéo dài.



Không chỉ có vậy, các chủ thầu nhân cơ hội này đã tìm đủ mọi cách khai thác để tận thu tối đa số thủy sản dưới hồ, đầm bằng mọi hình thức, kể cả hình thức chích điện. Rồi về gần cuối mùa khô các chủ thầu đã dùng máy tát cạn đến khô đáy để bắt sạch những con cá, con tép, thậm trí cả rắn nước, ốc, hến… không chừa loại nào, bởi họ nghĩ sang năm chưa chắc được đấu thầu.



Trước năm 2009, cứ về mùa khô cá, tôm được người dân đánh bắt từ các đầm, hồ tự nhiên đem ra bán đầy chợ. Nào là cá chép, cá trắm, cá lăng từ 5 đến 7 kg, rồi cá lóc, cá trê 3-4 kg, cá rô, cá thác lác, cá phi to như bàn tay xòe. Vài ba buổi chợ lại thấy có người bán. Nhưng ba, bốn năm nay, quê tôi cá to thuộc diện vô cùng hiếm, nếu có đi nữa cũng được các chủ thầu đóng vào thùng chở lên phố bán cho các nhà hàng, nên người dân chỉ được mua những con cá bằng 2 đầu ngón tay như cá rô, cá sặc, cá mè suối… 



Không biết ít năm nữa Tây nguyên có bao nhiêu giống cá bị tiệt chủng!

MỚI CẬP NHẬT