Thursday, March 28, 2024

Con số ‘cử nhân, thạc sĩ’ thất nghiệp không chính xác


HÀ NỘI (NV) – Tuy nói rằng số “cử nhân, thạc sĩ” thất nghiệp nhiều hơn tại Việt Nam, nhưng đối chiếu với những bản tin cũ mấy tháng trước cho thấy sự dối trá của các con số thông kê thấy đưa ra.



Các cử nhân đến tìm việc tại Trung tâm xúc tiến việc làm Hà Nội. (Hình: Lao Động)


Hôm Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016, tờ Lao Động điện tử đưa tin “Viện Khoa Học Lao Động và Xã Hội vừa công bố, Quý 1, 2016, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, đặc biệt, trong đó vẫn ‘tồn dư’ gần 200,000 lao động có trình độ đại học trở lên chưa có việc làm, tăng hơn 35,000 người so với thời điểm cuối năm 2015.”


Một số báo điện tử khác như Doanh Nghiệp Việt Nam, Một Thế Giới, SG Times, CAND, cũng dựa vào báo cáo của Bộ Lao Động viết với nội dung tương tự.


Tờ Sài Gòn Times viết rằng “Chỉ riêng trong Quý 1, 2016 đã có thêm 35,400 lao động có trình độ đại học trở lên thất nghiệp, nâng tổng số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp lên con số 190,900 người, tăng 22.8% so với Quý 4, 2015.”


Còn VTV thì nói “Gần 200,000 cử nhân, thạc sĩ bước ra từ các ngành đào tạo rất hot, như: Quản trị kinh doanh, marketing, tin học, chứng khoán, ngân hàng, điện lực… đã dành 4 năm để học đại học, 2 năm để học lên cao học. Họ đã tốt nghiệp với vô số bằng cấp khá, giỏi. Nhưng tất cả đều đang thất nghiệp.”


Trang mạng điện tử của VTV còn nêu ra một số lý do, viết rằng “cứ 10 sinh viên tốt nghiệp ra trường, có tới 6 người thiếu kỹ năng và tiếng Anh; trong 10 cử nhân, có tới 4 người thiếu kiến thức chuyên môn.”


Nếu số người tốt nghiệp đại học lại “tăng hơn 35,000 người so với thời điểm cuối năm 2015” như các báo trong nước đưa tin hôm Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016, nó có vẻ là những con số thụt lùi, không phải gia tăng.


Theo một bài viết trên tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam (TBKTVN) ngày 24 tháng 12, 2015, Tổng Cục Thống Kê dựa vào dữ liệu thị trường lao động trong Quý 3, 2015 của Bộ Lao Động nói rằng “Tỉ lệ thất nghiệp của nhóm người có trình độ cao đẳng và đại học trở lên vẫn có xu hướng tăng.”


Theo các nguồn tin này dựa vào bản tin thị trường lao động, họ đã ghi nhận “Quý 3, 2015, cả nước có hơn 1 triệu 128 ngàn người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 15,900 người so với Quý 2, 2015. Trong tổng số người thất nghiệp, khu vực thành thị có 521,300 – người chiếm 46.2%, nhóm thanh niên từ 15-24 tuổi có 666,500 người – chiếm 59%.”


Đặc biệt “Tỉ lệ thất nghiệp ở cao đẳng và đại học, đại học trở lên vẫn tăng, trong khi số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cả nước là 225,500 người, tăng thêm 26,100 người so với Quý 2, 2015.” Tức là con số “cử nhân, thạc sĩ” thất nghiệp ở thời điểm này cao hơn con số hơn 190,000 được nêu trong cái báo cáo mới nhất của Bộ Lao Động Hà Nội.


Gần cuối tháng 12 năm ngoái, báo chí tại Việt Nam dựa vào thống kê Quý 3, 2014 đã báo động rằng “cử nhân thất nghiệp đã đến mức báo động” khi nêu ra con số 174,000 người. Trước đó, người ta đã thấy có những lời bàn luận về nguyên nhân của vấn đề. Có những lời đả kích chủ trương, chính sách giáo dục không phù hợp với thị trường lao động ở trong nước.


Bên cạnh đó, tấm bằng đại học mà các thanh niên nam nữ nhận từ các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam lại không được đánh giá cao nên đóng góp không nhỏ vào nạn thất nghiệp của giới này ngày càng tăng. (TN)

MỚI CẬP NHẬT