Friday, March 29, 2024

Công an bắt thêm em vợ ký giả Hoàng Khương



 


SÀI GÒN (NV) – Một ngày sau khi bắt ký giả Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ vì cáo buộc ‘đưa hối lộ’, công an Sài Gòn hôm 3 tháng 1, 2012 đã bắt tiếp em vợ của ông này là Nguyễn Ðức Ðông Anh.










Ông Nguyễn Ðức Ðông Anh (mặc áo đỏ) bị bắt. (Hình: Báo Tiền Phong)


Hai người bị bắt trước đó là một giám đốc công ty và một thượng úy công an giao thông quận Bình Thạnh. Như vậy là tổng cộng 4 người bị bắt trong vụ hối lộ và nhận hối lộ, không kể một người được tại ngoại.


Vụ án này đang gây chấn động tại Việt Nam vì dư luận cho rằng ông Hoàng Khương đã bị “bẻ gãy ngòi bút” sắc bén vì liên tiếp tấn công mặt trái của công an Việt Nam.


Theo báo Người Lao Ðộng, trưa ngày 2 tháng Giêng năm 2012, sau khi để mọi người được “vui Tết,” công an đã đến tận nhà riêng của ký giả Hoàng Khương, tên thật là Nguyễn Văn Khương tại Sài Gòn lục soát và áp tải ông này về nhà giam.


Chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau, công an Sài Gòn lại thực hiện lệnh khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Ðức Ðông Anh 22 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Ông này là em vợ của ký giả Hoàng Khương cũng đã bị bắt sau cuộc khám xét.


Báo Tiền Phong cho biết trước đó, công an Sài Gòn đã bắt thượng úy công an giao thông quận Bình Thạnh Huỳnh Minh Ðức và ông Tôn Thất Hòa 57 tuổi, giám đốc công ty Duy Nguyên tại quận 9 về tội “nhận hối lộ” và “môi giới hối lộ”. Nhân vật thứ năm liên can trong vụ án này là ông Trần Anh Tuấn, chủ xe container cũng bị khởi tố về tội “đưa hối lộ” nhưng đang được tại ngoại.


Ðây là vụ án được ký giả Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ tường thuật trong loạt bài điều tra “chống tiêu cực” đã được đăng lên báo.










Ký giả Hoàng Khương mặc áo xám, thứ ba từ trái bị công an thường phục áp tải về nhà giam. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)


Vụ này xảy ra đêm 23 tháng 4 năm 2011 khi công an giao thông Bình Thạnh lập biên bản phạt ông Trần Minh Hòa, ngụ tại quận Phú Nhuận về tội “chạy xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự” và giữ chiếc xe gắn máy của ông này.


Ông Hòa có người quen biết với ông Nguyễn Ðức Ðông Anh, em vợ của ký giả Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, sau đó tìm cách nhờ giúp mang xe “cưng” trở ra. Ông Hòa chấp nhận đóng tiền phạt mà không bị đưa ra kiểm điểm trước tổ dân phố.


Theo báo Thanh Niên, vì có mối quan hệ rộng rãi với công an các cấp, ký giả Hoàng Khương liên lạc dễ dàng và chuyển cho ông Ðức 15 triệu đồng, tương đương với 750 đô “lót tay” để “chuộc” lại chiếc xe cưng của ông Hòa một cách êm thấm.


Sau vụ này, ký giả Hoàng Khương tung lên báo bài điều tra chống tiêu cực với đầy đủ hình ảnh và chi tiết, tố cáo ông Huỳnh Minh Ðức nhận hối lộ để cho chuộc lại chiếc xe của ông Trần Minh Hòa.


Bài báo này được đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10 tháng 7 năm 2011 với tựa đề “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép”.


Sau bài báo này, ông Huỳnh Minh Ðức bị bắt về tội “nhận hối lộ” ngày 18 tháng 11. Nhưng cũng liền sau đó, công an Sài Gòn cũng bắt luôn hai ông Tôn Thất Hòa, giám đốc công ty Duy Nguyên ở quận 9 tội “môi giới hối lộ” và ông Trần Anh Tuấn tội “đưa hối lộ”.


Ðồng thời, công an Sài Gòn cũng đã ra văn bản buộc báo Tuổi Trẻ phải kiểm điểm và thu hồi thẻ hành nghề của ký giả Hoàng Khương. Theo báo Người Lao Ðộng, ký giả Hoàng Khương đã bị đình chỉ công việc và “nhận sai sót trong công tác nghiệp vụ”.










Ông Huỳnh Minh Ðức nhận tiền hối lộ để trả lại xe bị giữ. (Hình của ký giả Hoàng Khương chụp)


Dù vậy đến ngày 2 tháng 1, Hoàng Khương bị bắt, và ngày hôm sau đến lượt em vợ của ông này là Nguyễn Ðức Ðông Anh.


Vụ ký giả Hoàng Khương bị bắt đã làm bùng lên dư luận kịch liệt chỉ trích, cho rằng đây là đòn trả thù nhắm vào ký giả viết bài phê phán tiêu cực của ngành công an. Báo Tuổi Trẻ cũng bị chỉ trích đã tỏ ra bàng quan và tiếp tay với công an áp dụng các hình thức khủng bố, trả đũa nhân viên của mình.


Tuy nhiên mới đây thì báo Tuổi Trẻ đã đồng ý kết hợp với gia đình của ông Hoàng Khương mời luật sư đứng ra can thiệp và bào chữa cho ký giả Hoàng Khương.


Dư luận cho rằng ký giả Hoàng Khương không có tội và nếu ông ký giả này không nhúng tay vào việc đưa ông Huỳnh Minh Ðức vào bẫy thì khó mà vạch trần mặt trái của ông Ðức nói riêng và ngành công an Việt Nam nói chung. (P.L.)

MỚI CẬP NHẬT