Friday, April 19, 2024

Công an đánh chết người chỉ bị 4 năm tù

Nguyễn Văn Ninh: Chỉ là tai nạn nghề nghiệp

 

HÀ NỘI (NV) – Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh, kẻ đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng ở bến xe Giáp Bát cuối tháng 2, 2011, chỉ bị kết án 4 năm tù trong một phiên xử nhanh chóng.

Các thân nhân ôm di ảnh của ông Trịnh Xuân Tùng đứng bên ngoài tòa án ngày xử Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh tội đánh chết người. (Hình: Nguyễn Xuân Diện Blog)

Thân nhân và luật sư của nạn nhân đã phản đối bản án và tuyên bố sẽ kháng cáo.

Vụ đánh chết người đã gây phản ứng rất mạnh trên các diễn đàn thông tin và các trang báo cá nhân điện tử. Gia đình nạn nhân đã nhiều lần kêu gọi nhà cầm quyền đứng về phía công lý để trị tội một ông sĩ quan công an cao cấp coi rẻ mạng dân.

Bản tường thuật phiên tòa của tờ Lao Ðộng nói tài xế xe ôm Phạm Quân Hùng chở ông Trịnh Xuân Tùng (53 tuổi) tới bến xe Giáp Bát, Hà Nội, thì bị trung tá công an phạt tội “không đội mũ bảo hiểm” với số tiền 150,000 đồng. Người bị gọi là “không đội mũ bảo hiểm” là ông Tùng.

Bản tường thuật phiên tòa của tờ Lao Ðộng nói “ông Hùng không ký biên bản, để lại giấy đăng ký xe và điều khiển xe chở ông Tùng bỏ đi.”

Tờ báo kể tiếp là: “Sau đó, cả hai người cùng ông Bạch Chí Cường, (SN 1963, trú tại tập thể Nhà máy ô tô 3/2, Phường Phương Mai, quận Ðống Ða) đến uống rượu tại quán của chị Trần Thị Anh Thư (chợ Trương Ðịnh). Sau khi uống rượu xong, đến 15 giờ cùng ngày, ông Hùng chở ông Tùng và ông Cường quay lại vị trí tổ công tác làm việc buổi sáng để gặp Nguyễn Văn Ninh xin nộp tiền phạt, mức 100 ngàn đồng để hủy biên bản vi phạm và lấy lại giấy đăng ký xe.”

Bản tin tờ Lao Ðộng nói: “Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ninh không đồng ý. Thấy vậy, ông Tùng và ông Hùng đã có lời nói lăng mạ, rồi cả 2 người bỏ đi. Không dừng lại, một lúc sau, ông Tùng quay lại có lời lẽ và hành vi chống đối rồi bỏ chạy. Thấy vậy, Nguyễn Văn Ninh đã bắt giữ bằng cách túm tóc gáy ông Tùng giật lại, tay trái Ninh giữ lưng áo bên trái ông Tùng, túm tóc ấn ghì đầu làm ông Tùng ngã nghiêng mặt xuống đất. Sau đó ông Tùng bị khóa tay và đưa về trụ sở công an phường. Tại đây, ông Tùng kêu đau phải đi cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai, sau đó phải chuyển lên bệnh viện Việt-Ðức. Lúc 14 giờ ngày 2 tháng 3, 2011, ông Tùng được mổ cấp cứu và chuyển đến phòng hậu phẫu chăm sóc, theo dõi. Ðến 6 giời 25 phút ngày 8 tháng 3, 2011, ông Tùng tử vong.”

Bản tin báo Lao Ðộng hoàn toàn khác với những lời kể của nhiều nhân chứng ngay sau khi xảy ra vụ việc mà con gái ông Tùng, cô Trịnh Kim Tiến, cho biết qua các cuộc phỏng vấn.

Theo đó, khi tranh cãi về số tiền phạt nhiều ít, ông Trung Tá Nguyễn Văn Ninh đã túm cổ ông Phạm Quân Hùng. Ông Tùng xông vào gỡ tay ông Ninh thì bị ông Ninh dùng gậy đánh vào đầu vào cổ. Không những vậy, còn có một số dân phỏng nhảy vào tiếp sức đánh đá ông Tùng khiến ông Tùng gục xuống sau trận mưa mưa đòn. Dù đã nằm bất động, ông vẫn bị còng tay là kéo về còng tiếp ở trụ sở công an phường Thịnh Liệt.

Khi gia đình ông Tùng được thông báo, họ đã chạy tới trụ sở công an phường Thịnh Liệt, nghe thấy ông Tùng kêu cứu, xin được đưa đi cấp cứu cũng như xin uống nước. Tất cả những lời khẩn cầu của ông không những không được đáp ứng mà còn bị mắng chửi. Thân nhân ông mua phở về cho ông ăn cũng không được phép cho ăn.

Tuy Trung Tá Ninh nói ông chỉ “nắm tóc, ấn đầu” ông Tùng, nhưng ông Tùng bị gẫy đốt xương sống số 4 ở cổ và cái bụng phình trướng, tay chân mình mẩy đầy thương tích.

Bản tin tường thuật của tờ Lao Ðộng hoàn toàn phủ nhận trách nhiệm liên đới giết người của dân phòng cũng như trách nhiệm của những công an trực vào buổi tối ở trụ sở công an phường Thịnh Liệt khi từ chối không cho đưa ông Tùng đi cấp cứu, cho tới khi ông gần chết.

Những gì đã xảy ra được kể lại những ngày đầu tháng 3 năm ngoái cho thấy ông Tùng không hề có “hành vi chống đối và bỏ chạy” rồi bị “túm gáy giật lại.”

Các dân phòng Nguyễn Ðăng Hải, Nguyễn Ðắc Thành và Nguyễn Ðức Quang, Bùi Hữu Tiến và Ðặng Hoàng Anh tham gia đấm đá ông Tùng, trong phiên tòa, được coi là “thực hiện đúng trách nhiệm, nhiệm vụ được giao” nên cơ quan điều tra của công an “không đề cập để xử lý,” tức là không bị tội gì.

Bản tin tờ Lao Ðộng nói hoàn toàn khác với lời khai của thân nhân nạn nhân khi kể rằng: “Ðối với ông Nguyễn Mạnh Cường-Trưởng CA phường Thịnh Liệt, ông Hồ Văn Phú, Phạm Ðình Ký- là các Phó trưởng CA phường, ông Nguyễn Văn Lưu-cán bộ trực ban, khi nghe ông Tùng kêu đau đã đưa ông Tùng đến bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, không có căn cứ để xác định số người nêu trên có hành vi vi phạm pháp luật nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.”

Theo trang điện tử Dân Làm Báo và Nguyễn Xuân Diện Blogspot thuật lại lời cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Tùng, ông Trung Tá Ninh nói trong phiên tòa là việc ông đánh gãy cổ ông Tùng “chỉ là tai nạn nghề nghiệp” chứ không có lỗi.

Ông Nguyễn Văn Ninh chỉ bị đề nghị từ 3 đến 4 năm tù theo điều 97 của Luật Hình Sự (làm chết người trong khi thi hành công vụ) trong khi luật sư của ông Ninh và chính ông Ninh thì chỉ đề nghị án treo. Tuy nhiên, gia đình của nạn nhân thì đề nghị xử tội ông Ninh theo điều 93 của Luật Hình Sự với mức án tù từ 12 năm đến tử hình vì có đủ các yếu tố của một vụ giết người.

Các nhân chứng có mặt tại bến xe Giáp Bát lúc xảy ra vụ việc ngày 28 tháng 2, 2011 đã được công an lấy lời khai nhiều lần nhưng lại không được mời ra tòa làm nhân chứng. Gia đình nạn nhân yêu cầu gọi những người đó tới thì bị thẩm phán xử án từ chối. Cô Kim Tiến trình bày trước tòa thì hay bị ngắt lời, không cho nói nhiều.

“Luật sư của gia đình tôi, không đồng ý với tội danh và mức án này. Luật sư bên tôi đề nghị truy tố đúng người, đúng tội với tội danh ‘Cố ý gây thương tích làm chết người.’ Bản thân ông Ninh đã làm sai quy định pháp luật khi lập biên bản.” Cô Trịnh Kim Tiến nói trong cuộc phỏng vấn trên Dân Làm Báo. “Ở phần phát biểu của tôi trước tòa: Là đại diện của gia đình bị hại, tôi phản đối mức án mà Viện Kiểm Sát đề nghị, bởi không thể xét xử một người đã giết chết người khác với mức án như vậy. Tôi cũng yêu cầu triệu tập thêm một nhân chứng có mặt lúc ở đồn công an Thịnh Liệt, là người đã đề nghị đưa bố tôi đi cấp cứu nhưng bị từ chối, và tòa án đã bác bỏ đề nghị này.”

Trung tá Công an Nguyễn Văn Ninh tại phiên tòa sơ thẩm ở Hà Nội ngày 13 tháng 1, 2012. (Hình: Lao Ðộng)

Dịp này cô cho biết thêm: “Bên cạnh đó, tôi cũng đã cung cấp thêm cho tòa án, băng ghi âm ý kiến của những người dân ở nơi xảy ra vụ việc, và tôi cũng trình bày trước tất cả những người có mặt trong phiên tòa tóm tắt diễn biến sự việc mặc dù đại diện của tòa có ngắt lời và đề nghị tôi dừng lại.”

Cô Tiến nói rằng gia đình “không đồng ý” với bản án và “sẽ tiếp tục kháng cáo.”

“Giết chết một mạng người không thể bị xử lý với mức án nhẹ như trộm cắp, như các tội danh thường khác được. Nếu sinh mạng con người rẻ rúng như thế thì làm sao có thể tin tưởng vào sự công bằng của luật pháp. Gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cáo lên cấp cao hơn.” Cô nói.

Rất nhiều người phát biểu trên các blog và các mạng thông tin về phiên tòa với lời lẽ giận dữ rằng không thể có công lý trong một xã hội độc tài đảng trị như ở Việt Nam hiện nay.

MỚI CẬP NHẬT