Thursday, March 28, 2024

Công nhân ‘Thanh-Nghệ-Tĩnh’ bị kỳ thị khi đi tìm việc

VIỆT NAM (NV) Trước đây, dư luận rộ tin đồn cư dân thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (gọi tắt là Thanh-Nghệ-Tĩnh) bị kỳ thị khi tìm việc làm tại các khu kỹ nghệ tỉnh Bình Dương, Ðà Nẵng…







Người lao động xuất thân “Thanh-Nghệ-Tĩnh” gặp khó trên đường tìm việc. (Hình: báo Dân Trí)


Nguồn tin này nói rằng một số công ty tọa lạc tại Bình Dương còn niêm yết thông báo nói thẳng “không nhận người của ba tỉnh trên.” Một số công ty khác thì có vẻ kín đáo hơn, cũng nhận hồ sơ nhưng sau đó “giữ thái độ im lặng kéo dài” đối với người lao động xuất thân từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.


Mới đây, tin của Petrotimes cho biết, tình trạng đáng tiếc nói trên đã bắt đầu xuất hiện tại Sài Gòn. Ðây là vùng đất không kém phần béo bở đối với người lao động tìm việc vì Sài Gòn có 15 khu chế xuất và khu công nghiệp, với hàng trăm công ty lớn nhỏ hoạt động ngày đêm.


Có người cho rằng thái độ kỳ thị này đã khiến hàng ngàn thanh niên cư dân Thanh-Nghệ-Tĩnh tìm hoài không ra việc.


Báo mạng Petrotimes dẫn lời nhiều người lao động trẻ cho biết đã bị một số công ty ở khu chế xuất Linh Trung 2 thuộc quận Thủ Ðức trả lại hồ sơ ngay tức khắc sau khi nghe giọng “Thanh-Nghệ-Tĩnh.”


Ông Hoàng Công Nghĩa, cư dân Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa nói: “Tôi đến 5 công ty trong một ngày, nhưng đã có 4 công ty từ chối ngay ở cổng. Các ông nhân viên bảo vệ liếc mắt vào hồ sơ tìm việc của tôi, nhìn thấy chữ ‘quê Thanh Hóa’ thì đưa trả lại ngay mà không giải thích lời nào.”


Cuối cùng, theo ông Nghĩa, có một công ty còn lại đã nhận hồ sơ, nhưng ông “không dám hy vọng.”


Một người khác là Phạm Minh T, cư dân huyện Quỳ Châu, Nghệ An kể đã nộp đơn xin việc tại ba công ty, nhưng cả tháng nay vẫn chưa nhận được hồi âm. Ông này buồn rầu tâm sự: “Có người bảo tôi, đã bị từ chối khéo rồi, đừng hy vọng hão huyền.”


Trong khi đó, theo một số công nhân có nhiều tuổi nghề đang làm việc tại Sài Gòn, tình trạng đáng tiếc nói trên đã xảy ra vài năm nay. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng này mới trở nên công khai và lan rộng nhiều khu vực, nhiều địa phương.


Một nam công nhân khu chế xuất Linh Trung 2 tên Ngô Văn H. tiết lộ: “Kể cả các công ty ngoại quốc hoặc công ty liên doanh có vốn nước ngoài cũng không chịu nhận người lao động Thanh-Nghệ-Tĩnh.”


Theo Petrotimes, cả giới chủ phòng trọ cũng “né” người lao động Thanh-Nghệ-Tĩnh. Một chủ nhà trọ ở phường Linh Xuân, Thủ Ðức tên Nguyễn Thị Hạnh cho biết: “Dân Thanh-Nghệ-Tĩnh cần cù, nhưng họ lại hay gây sự, đánh nhau sau mỗi lần uống rượu. Tôi đành phải dành ưu tiên cho người các tỉnh khác trước. Còn dư phòng mới buộc lòng nhận người Thanh-Nghệ-Tĩnh thì tôi yêu cầu họ làm giấy cam kết không được nhậu nhẹt, cãi vã và nhất là phải nộp tiền thuê nhà trước rồi mới vào ở.”


Vẫn theo Petrotimes, “Một số cán bộ các công ty kinh doanh thì cho rằng công nhân Thanh-Nghệ-Tĩnh thường kết bè, kéo cánh dẫn đến gây gổ, xung đột với người khác.”


Gần đây, công nhân Thanh-Nghệ-Tĩnh làm việc tại một số công ty ở Sài Gòn, Bình Dương… còn “nổi tiếng” là “ngòi pháo” gây ra các vụ đình công “đen,” gây rối loạn trật tự công cộng.


Ông Nguyễn Tấn Ðịnh, phó giám đốc ban quản lý khu chế xuất HEPZA, Thủ Ðức còn cho biết, đã phân nhỏ người lao động Thanh-Nghệ-Tĩnh đến tìm việc tại nhiều vùng khác nhau để tránh điều tiếng, nhưng không thành công.


Theo ông, thái độ “cục bộ” của người Thanh-Nghệ-Tĩnh càng khiến các chủ công ty “dè chừng” họ trầm trọng hơn. (PL)

MỚI CẬP NHẬT