Thursday, March 28, 2024

Ðại siêu thị ở Hà Nội ‘vắng như chùa Bà Ðanh’

HÀ NỘI (NV)Hiện tượng lạ chưa từng có tại Hà Nội trong vòng hai năm trở lại đây: một số đại siêu thị rơi vào tình trạng ế ẩm, có ngày không một người khách bước chân vào.

Báo mạng Giáo Dục-Gia Ðình nêu đích danh trung tâm thương mại Parkson Thái Hà tọa lạc giữa trung tâm Hà Nội.

Parkson Thái Hà bắt đầu hoạt động từ tháng 4, năm 2008, nơi tập trung hơn 300 thương hiệu lớn trên thế giới. Với thiết kế mang phong cách kiến trúc phương Tây, gồm bảy tầng lầu và hàng trăm loại hàng hóa có tiếng, Parkson Thái Hà được kỳ vọng trở thành một trung tâm thương mại và mua sắm sầm uất nhất Hà Nội.









Khu trung tâm thương mại Parkson Thái Hà vắng như “chùa bà Ðanh.” (Hình: VietNamNet)


Tuy nhiên, chỉ sau năm năm hoạt động, số khách hàng vào đây thưa dần. Một số nhân viên bán hàng tiếp thị sản phẩm Parkson Thái Hà cho biết: “Cả ngày không bán được một món nào giờ đây là chuyện bình thường.”

Cùng chung tình trạng với Parkson Thái Hà, một số trung tâm mua sắm khác như Parkson Keangnam LandMark Tower, tọa lạc tại đường Phạm Hùng cũng “vắng như chùa Bà Ðanh.” Sau gần hai năm hoạt động với diện tích 35,600m2, khoảng 90% diện tích đã cho thuê ban đầu nay chỉ còn lại chừng 60%. Nhiều cơ sở kinh doanh đã phải trả lại cửa tiệm thuê mướn vì thu không đủ bù chi.

Cuối năm 2012, báo mạng VietNamNet đã báo động về tình hình ế ẩm của các khu mua sắm cao cấp, điển hình là Grand Plaza, ờ về phía Tây Hà Nội.

Cũng chỉ sau hai năm hoạt động, Grand Plaza trở nên vắng vẻ, ảm đạm. Nhiều gian hàng được bày trí rực rỡ, với nhiều sản phẩm phong phú trong ngày khai trương, dần dần đóng cửa, dẹp tiệm. Khách vào trung tâm thời gian sau bắt đầu cảm thấy ngột ngạt, khó thở vì không có máy điều hòa. Vì vắng khách, ban quản lý trung tâm tắt bớt máy lạnh để giảm chi phí.

Ông Hoàng Ðức Anh, giám đốc điều hành Grand Plaza cho biết: “Trong những ngày đầu, trung tâm hướng đến những khách hàng có thu nhập cao, trên 10 triệu đồng/tháng, tương đương 500 đôla. Nhưng nay thì chúng tôi phải thay đổi chiến lược, chuyển sang phục vụ người mua sắm có mức thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 200-250 đôla.”

Chiến lược mới này đã làm thay đổi bộ mặt của một khu trung tâm thương mại cao cấp ở Hà Nội. Giờ đây, người ta chỉ còn thấy những tiệm bán “hàng hiệu” đóng cửa im lìm, hoặc được thay thế bằng những quầy bán hàng lưu niệm, hoặc hàng “handmade.” (PL)

MỚI CẬP NHẬT