Thursday, March 28, 2024

Dân Trung Quốc đầy miền Trung Việt Nam

HÀ TĨNH 16-3 (NV) – Sau hàng loạt thông tin cảnh báo từ các blogger, facebooker, hệ thống truyền thông Việt Nam bắt đầu đăng các phóng sự về thực trạng người Trung Quốc tràn ngập miền Trung.


Hàng ngàn công nhân Trung quốc nhập lậu, sống và làm việc tại Hà Tĩnh và Bình Thuận như những người này được nhà cầm quyền làm ngơ. (Hình: Người Lao Động)

Một trong những phóng sự đó mang tên “Ra ngõ gặp… người Trung Quốc”, vừa được đăng trên tờ Người Lao Động, kể về việc hàng ngàn công dân Trung Quốc đã đổ đến và đang làm việc mà không hề có giấy phép lao động ở Khu Kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Khu Kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh nằm ở phía Bắc của miền Trung. Còn Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận nằm ở phía Nam miền Trung.

Theo tờ Người Lao Động, Khu Kinh tế Vũng Áng có từ 3,000 đến 4,000 công nhân Trung Quốc đang làm việc và trong năm nay, con số này có thể tăng thêm khoảng 6,000. Tất cả những công nhân này được các công ty Trung Quốc đưa sang Việt Nam làm việc sau khi họ trúng thầu để thi công các công trình do tập đoàn Formosa của Đài Loan làm chủ đầu tư ở Khu Kinh tế Vũng Áng.

Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Hà Tĩnh xác nhận tại Khu Kinh tế Vũng Ánh hiện có 54 tổ chức, đang sử dụng khoảng 3,250 công nhân nước ngoài nhưng chỉ có khoảng 1,340 công nhân Trung Quốc có giấy phép lao động. Sở này thú nhận, số còn lại đổ vào Việt Nam làm việc bất hợp pháp và chủ yếu là những công nhân đến từ Trung Quốc. 

Năm ngoái, Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an CSVN và Thanh tra lao động của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Hà Tĩnh có thực hiện hai đợt kiểm tra việc sử dụng lao động nước ngoài tại Khu Kinh tế Vũng Áng nhưng chỉ cảnh cáo hoặc xử phạt rất nhẹ. Ba nhà thầu sử dụng 102 công nhân Trung Quốc nhập cảnh và làm việc bất hợp pháp tại Việt Nam chỉ bị phạt tổng cộng 35 triệu đồng.

Đây có thể là lý do công nhân Trung Quốc tiếp tục đổ đến việt Nam cư trú và làm việc bất hợp pháp. Tờ Người Lao Động mô tả, tại các xã Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương… của huyện Kỳ Anh có hàng ngàn công nhân Trung Quốc đến làm việc không có giấy phép nhưng vẫn “đăng ký tạm trú”. Ông Trần Anh Dũng, một người cư trú tại huyệ Kỳ Anh, Hà Tĩnh, nói với phóng viên tờ Người Lao Động: Bây giờ ra ngõ là gặp người Trung Quốc. Biển, bảng viết bằng chữ Tàu treo đầy đường. Đi đâu cũng thấy.

Một góc Khu Kinh tế Vũng Ánh – nơi gần như được tạo ra để công nhân từ Trung Quốc đổ tới cư trú và làm việc. (Hình: Người Lao Động)

Chẳng riêng Hà Tĩnh, có thể thấy tình trạng tương tự tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Công nhân Trung Quốc đổ tới xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong từ tháng 8 năm 2010, khi nhà thầu Trung Quốc khởi công công trình Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.

Ông Ngô Dương, cư trú ở xã Vĩnh Tân phàn nàn: Dù hầu hết công nhân Trung Quốc ăn, ở bên trong khu vực thi công công trình Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nhưng họ vẫn thường kéo nhau ra ngoài ăn nhậu, sau đó gây gổ đánh nhau làm mất trật tự. Một phụ nữ bán cơm kể thêm, có một số nam công nhân Trung Quốc thuê nhà trọ bên ngoài đã cặp bồ với thiếu nữ địa phương và có thể khi nhà máy xây dựng xong thì ở đây sẽ có làng Trung Quốc.

Tuy công nhân Trung Quốc ồ ạt đổ sang Việt Nam cư trú và là việc bất hợp pháp nhưng giới hữu trách ở các địa phương gần như làm ngơ. Một viên Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Hà Tĩnh bảo rằng, kiểm soát và cấp giấy phép lao động là chuyện của Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Ánh, chứ không phải trách nhiệm của nơi ông ta làm việc.

Viên Trưởng Công an huyện Kỳ Anh, cũng lập luận như vậy và từ chối nêu ý kiến về thực trạng công nhân Trung Quốc tràn ngập huyện Kỳ Anh. Trong khi đó, viên Phó Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng, lại khẳng định: Trách nhiệm chính trong việc quản lý lao động nước ngoài là của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội Hà Tĩnh. Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng chỉ được ủy quyền cấp giấy phép lao động. Cơ quan này không có quyền xử phạt, trục xuất. Đó là thẩm quyền của ngành lao động – thương binh – xã hội và Công an.

Viên Trưởng Công an xã Vĩnh Tân, huyện uy Phong, tỉnh Bình Thuận cũng từ chối bình luận về tình trạng công nhân Trung Quốc tràn ngập địa bàn do ông ta chịu trách nhiệm kiểm soát vì xã không được phép phát ngôn.

Có tin Tập đoàn Formosa – chủ đầu tư Khu Kinh tế Vũng Áng đã đề nghị Thủ tướng CSVN “đơn giản hóa những thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép làm việc cho công nhân nước ngoài đến làm việc tại Khu Kinh tế Vũng Áng”. (G.Đ.)

 

MỚI CẬP NHẬT