Friday, April 19, 2024

Dân Việt Nam đương đầu với ‘cơn bão giá xăng’


SÀI GÒN (NV) –
Xăng dầu vừa lên giá, tất cả các loại thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ đồng loạt chạy theo, sự khó khăn của người nghèo trong xã hội có thể nhìn thấy rất nhanh.











Bữa cơm của một gia đình nghèo ở Sài Gòn. (Hình: Người Lao Ðộng)



Ngày 7 tháng 3 năm 2012, nhà cầm quyền Việt Nam bất ngờ đẩy giá xăng dầu lên thêm 10%. Ngay lập tức, giới chạy xe ôm tăng giá.


Theo báo Dân Trí, từ bến xe miền Ðông đến quanh chợ Bến Thành, một chuyến xe ôm từ 4,000 đồng/km-7,000 đồng/km thì phải từ 6,000 đồng/km tới 9,000 đồng/km thì giới xe ôm mới chịu chạy.


Tờ Dân Trí phỏng vấn giám đốc một công ty vận tải được ông này cho biết “sẽ tăng ngay giá cước với những khách hàng không có hợp đồng, đàm phán lại giá cước với khách hàng có hợp đồng”.


“Theo các doanh nghiệp vận tải, do chi phí xăng dầu chiếm đến 40%-50% giá thành vận tải nên khi giá xăng dầu tăng từ 5%-10% như hiện nay thì giá cước vận tải có thể tăng từ 2%-5%, các doanh nghiệp khai thác tuyến vận tải về miền Tây còn có thể tăng cao hơn vì thêm chi phí sử dụng đường cao tốc.” Tờ Dân Trí kể.


Theo báo Người Lao Ðộng “Tuần trước, các hãng taxi đã thống nhất phải tăng giá cước taxi hơn 1,500 đồng/km do chi phí đầu vào (trừ xăng dầu) đã tăng trong nhiều tháng qua, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Nay giá xăng tăng hơn 2,000 đồng/lít sẽ càng gây thêm áp lực lên doanh nghiệp taxi. Thông thường, giá xăng tăng khoảng 2,000 đồng/lít, giá cước taxi sẽ tăng khoảng 1,000 đồng/km. Như vậy, theo ông Hỷ, sắp tới, giá cước taxi phải tăng ít nhất 2,000 đồng/km. Thông tin từ nhiều hãng taxi cho biết từ hôm nay (8 tháng 3), họ sẽ gửi văn bản xin phép tăng giá cước taxi lên các cơ quan chức năng. Nếu được chấp thuận, khoảng một tuần sau, các hãng sẽ áp dụng giá cước taxi mới.”


Với ngành sản xuất thép, báo Người Lao Ðộng kể: “Trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp thép đã phải chịu đựng giá gas tăng liên tục và đang ở mức ‘chót vót’, đã ảnh hưởng không ít đến giá thành sản phẩm. Nay cộng thêm giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp thép khó mà chịu đựng nổi.”


Bà Vũ Thị Mai, thứ trưởng Bộ Tài Chính cho rằng, từ việc tăng giá xăng “tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm tăng thêm 0.85%”, nhưng nhiều phần giá thực phẩm thường tăng rất bạo sau những lần xăng dầu, điện ga tăng giá.


Trong sự mô tả của báo Người Lao Ðộng, trước khi xăng tăng giá ngày 7 tháng 3 năm 2012, các gia đình dù không thuộc “chuẩn nghèo” cũng đã phải “đau đầu tính toán cách chi tiêu” rồi. Nay với thực phẩm, tiền thuê nhà, leo thang, sự “đau đầu” chỉ có nặng thêm.


Tờ NLÐ kể một gia đình hai vợ chồng, 3 con nhỏ, kiếm được 6.5 triệu đồng/tháng mà bữa cơm chiều (bữa chính trong ngày) chỉ có ít cá kho và canh rau chay.


“Chiều nay, tôi nấu món cá lóc kho và canh nhưng con cá nhỏ xíu đã tốn 35,000 đồng nên món canh đành phải nấu ‘chay’ (chỉ nấu với bột nêm)”, bà Ðặng Thị Hồng nhà ở phường 13 quận 11 nói với tờ NLÐ. “Nhiều lúc, đầu tôi muốn nổ tung vì quá nhiều khoản phải chi, trong khi thu nhập chẳng thấm vào đâu.”


Ðể người nghe thông cảm, bà Hồng “hạch toán”: Với khoảng 6.5 triệu đồng có được mỗi tháng, phải chi tiền thuê nhà 1.5 triệu đồng/tháng (trước đây chỉ 1.2 triệu đồng), cộng với tiền điện, nước 200,000-300,000 đồng/tháng. Con đang học mẫu giáo phải đóng học phí 1 triệu đồng/tháng. Cháu chuẩn bị vào lớp 1 nên phải học thêm 700,000 đồng/tháng. Tiền sữa, yaourt, ăn vặt cho con mỗi ngày khoảng 20,000-25,000 đồng. Cộng với tiền xăng khoảng 700,000 đồng/tháng, mỗi tháng các khoản chi nói trên đã “nuốt” của gia đình gần 5 triệu đồng. Như vậy, tiền chợ cho bữa cơm chiều của gia đình chị Hồng chỉ còn khoảng 50,000 đồng/ngày.”


Báo Sài Gòn Tiếp Thị, 4 ngày trước khi tăng giá xăng, kể bữa cơm “buồn tẻ” của ông Tuấn bà Thoa ở khu dân cư Vườn Lài, quận Tân Phú, một gia đình cũng kiếm được 6 triệu đồng/tháng. Trừ hết chi phí tiền nhà, điện, nước, sữa cho con nhỏ, tiền học cho con lớn, tính ra chỉ còn khoảng 70,000 đồng cho 3 bữa ăn sáng chiều tối cho cả nhà.


“Tui chẳng biết làm sao nữa”. Bà Thoa vừa khóc vừa nói.


Tờ SGTT cho biết thêm “Những người làm việc bên ngoài, ăn cơm hàng cháo chợ vốn được xem là bình dân, cũng đang lo lắng, vì từ đầu tháng 3 đến nay nhiều quán ăn đã bắt đầu tăng giá, cơm trưa vỉa hè đã lên 25,000-30,000 đồng/phần (tăng giá khoảng 10%). Cơm trưa văn phòng có ghế ngồi sạch sẽ một chút giá lên đến 40,000-45,000 đồng/phần.”


Nhà cầm quyền Hà Nội tuyên truyền cố gắng kềm giữ lạm phát năm 2012 ở dưới 10%, nhưng tình thế này, đó có vẻ là dấu hiệu của những lời tuyên truyền suông. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT