Friday, March 29, 2024

Dân chúng Việt Nam tự tưởng niệm liệt sĩ chống Trung Quốc

VIỆT NAM (NV)Một số tổ chức xã hội dân sự vừa tổ chức tưởng niệm những liệt sĩ đã tử trận trong cuộc chiến giữa Việt Nam với Trung Quốc, giai đoạn 1979-1989, tại Sài Gòn và Hà Nội.


Năm nay, việc tưởng niệm chỉ bị an ninh Việt Nam giám sát chặt chẽ chứ không ngăn cản hoặc phá hỏng bằng những biện pháp từng bị chỉ trích là “mất dạy và bẩn thỉu” như năm ngoái.









Tưởng niệm liệt sĩ trong cuộc chiến chống Trung Quốc, bảo vệ biên giới phía Bắc, hôm 17 tháng 2 ở Sài Gòn. (Hình: Internet)


Năm ngoái, khi No U – một tổ chức dân sự tổ chức tưởng niệm những liệt sĩ đã tử trận trong cuộc chiến giữa Việt Nam với Trung Quốc tại tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, để hóa giải buổi tưởng niệm này nhằm giữ gìn quan hệ với Trung Quốc theo “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và thực thi “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai), chính quyền CSVN đã cho dựng tại chân tượng đài Lý Thái Tổ một sân khấu và tổ chức nhảy múa, ca hát cổ động… “Hưởng ứng năm trật tự và văn minh đô thị 2014”!


Một điểm đáng chú ý khác là năm nay, một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam như Thanh Niên, VTC News, Petro Times,… đã đăng một số loạt bài về cuộc chiến biên giới Việt-Trung, kể lại tội ác của lính Trung Quốc…


Ðúng 36 năm trước, vào ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc xua quân tràn sang biên giới Việt-Trung để “dạy cho Việt Nam một bài học.”


Chỉ trong vòng một tháng (từ 17.2.1979 đến 16.3.1979), lính Trung Quốc đã san thành bình địa các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, Cam Ðường, phá hủy 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện và trạm xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, 80.000 héc ta hoa màu, cướp và giết khoảng 400,000 gia súc…


Xung đột quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực biên giới còn kéo dài cho đến năm 1989, trong đó có ít nhất là sáu cuộc chiến đẫm máu vào các năm 1980, 1981, 1983, 1985, 1986, 1987.


Tuy Việt Nam chưa bao giờ công bố số liệu binh lính và thường dân thiệt mạng trong cuộc chiến ở biên giới Việt-Trung nhưng một số chuyên gia quân sự ước đoán, con số này phải lên đến 50,000.


Ðáng chú ý là kể từ khi Việt Nam “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc,” việc đề cập đến cuộc chiến ở biên giới Việt-Trung, kể cả tưởng niệm các liệt sĩ trở thành điều cấm kỵ. Chưa kể các nghĩa trang chôn cất những liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến này bị bỏ hoang, các bia ghi công, bia tưởng niệm bị đập bỏ hoặc đục bỏ.


Thái độ và lối hành xử đó không chỉ khiến dân chúng phẫn nộ, hồi tháng 9 năm ngoái, sáu viên tướng và 14 sĩ quan, đa số là đại tá của cả quân đội và công an CSVN đã gửi thư cho chủ tịch Nhà nước và thủ tướng Việt Nam một lá thư, kèm ba kiến nghị liên quan đến việc đối xử và sử dụng “lực lượng vũ trang nhân dân.” Tại Việt Nam “lực lượng vũ trang nhân dân” bao gồm cả quân đội lẫn công an.


Kiến nghị đầu tiên là không sử dụng quân đội và công an đàn áp dân chúng khi họ bảo vệ hoặc đòi hỏi quyền lợi hợp pháp của họ như biểu tình bày tỏ tinh thần yêu nước, chống cưỡng đoạt đất đai.


Kiến nghị thứ hai đòi hỏi cống hiến của “lực lượng vũ trang nhân dân” phải được ghi nhận thỏa đáng và gia đình của họ phải được chăm sóc chu đáo. Kiến nghị lên án việc phớt lờ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và những người lính đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên biển. Hai mươi sĩ quan cao cấp ký tên vào kiến nghị khẳng định đó là sai lầm và yêu cầu “đùng tái phạm.”


Họ yêu cầu phải sớm khôi phục danh dự và quyền lợi đã bị lãng quên của các liệt sĩ và thương binh đã hy sinh xương máu trong cuộc chiến với Trung Quốc, gấp rút tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ dọc biên giới phía Bắc đã bị bỏ hoang hơn hai thập niên vừa qua.


Kiến nghị thứ ba yêu cầu minh định kẻ thù vì “không thể mơ hồ biến thù thành bạn hoặc coi bạn là thù.”


Các sĩ quan cao cấp ký tên vào kiến nghị khuyến cáo, đừng để những quan niệm bảo thủ, giáo điều làm vuột mất “các cơ hội hợp tác với các cường quốc tiên tiến văn minh, nhằm phát triển kinh tế, công nghệ, nâng cao sức mạnh quốc phòng và tăng cường sự ủng hộ quốc tế trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.”


Họ cho rằng dân chúng – những người chủ quốc gia và “lực lượng vũ trang nhân dân” – lực lượng bảo vệ quốc gia phải được biết chính xác về hoàn cảnh thực tế của quốc gia. Cũng vì vậy, chính quyền Việt Nam phải báo cáo rõ ràng về thực trạng quan hệ Việt-Trung và về những hiệp định liên quan đến lãnh thổ, biển, đảo, những hợp đồng kinh tế ảnh hưởng lớn đến an ninh và chủ quyền của quốc gia.


Họ khẳng định, toàn dân và toàn quân không thể chấp nhận thái độ thể hiện sự thần phục Trung Quốc và cần công khai, minh bạch thực trạng quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT