Thursday, April 18, 2024

Dân lo đói vì thủy điện, thủy lợi xả lũ

NGHỆ AN (NV) .- Hồ thủy điện, hồ thủy lợi vội vã xả lũ làm nhà ngập, tài sản chìm trong nước, mùa màng hư hại. Hậu quả là hàng trăm ngàn người trở thành tay trắng và đang đối diện với cái đói.









Cả gia đình nông dân này trông mong vào đàn gà, giờ chúng chết cả rồi biết sống sao đây? (Hình: VTC)


Đó là những gì nhìn thấy trên một số bản tin các báo điện tử ở Việt Nam về hậu quả của trận bão số 10 thổi vào miền Trung Việt Nam hôm đầu tuần. Cơn bão với sức gió hơn 100 cây số/giờ tuy đánh mạnh ở các tỉnh Quảng Bình Quạng Trị nhưng mang theo những trận mưa tầm tã kéo dài suốt từ Thanh Hóa đến Phú Yên.

Một số đập thủy lợi bị vỡ, nước tràn tự do ra đồng ruộng nhà cửa ở tỉnh Thanh Hóa. Sợ vỡ hồ thủy lợi Vực Mấu, ban quản lý đột ngột xả lũ làm một phần huyện Quỳnh Lưu và tất cả thị trấn Hoàng Mai của Nghệ An chìm trong biển nước.

Sợ vỡ đập thủy điện, ban quản lý các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn (gồm thủy điện A Vương, Dak Mi 4 và Sông Bung A4) cũng hối hả mở cửa đập xả nước. Người dân chỉ kịp tháo chạy lấy người, khi thấy nước lên qua nhanh, ngập cả nền nhà.

Một người dân ở thị trấn Hoàng Mai mất trọn một nông trại 400 con gà đẻ và 3,000 quả trứng ấp nói “Thấy nước ngập lên tới giường tôi mới biết”, theo báo Tuổi Trẻ.

Các chức sắc nhà nước chống chế cho việc xả lũ của các hồ thủy lợi là “đúng quy trình” dù thời gian thông báo “chỗ có chỗ không” tới nhà cầm quyền các địa phương và thường quá ngắn ngủi, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người lẫn tài sản.









Thóc đã mọc mầm khi bị ngâm lâu trong nước, chỉ còn phơi hóng để nuôi gia súc. (Hình: VTC)


Hậu quả của trận bão, thống kê của ‘Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương’ nói số người chết tới nay lên thành 12 người và 2 người còn mất tích, 225 người bị thương. Thiệt hại tài sản gồm “khiến 193.702 nhà bị tốc mãi, hư hỏng: 30.118 nhà bị ngập và 528 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi. Bên cạnh đó, hàng nghìn hec-ta hoa màu bị ngập, đổ. Nhiều cột ăng-ten phát sóng, cột điện trung và cao thế bị đổ”, theo VNexpress tường thuật.

Người ta không rõ các con số vừa kể có bao gồm cả những thiệt hại nhà cửa, vườn ruộng hậu quả từ các đợt xả lũ của các đập thủy điện và hồ thủy lợi hay không.

Các đập thủy điện và thủy lợi vừa có mục đích cung cấp điện, cung cấp nước cho mùa màng, còn đồng thời có nhiệu vụ “điều tiết” lượng nước để tránh ngập lụt trong mùa muaa7 bão và giảm thiểu thiếu nước cho sinh hoạt và mùa màng trong mùa khô.








Cậu học trò phơi lại những quyển sách cuối cùng chưa bị rã nát vì lũ. (Hình: VTC)
Với những gì từng xảy ra trước đây và hiện đang gây hậu quả trầm trọng các cùng hạ du từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, báo Người Lao Động đặt câu hỏi là “Điều tiết lũ hay hại dân?” , “Chức năng điều tiết lũ của các thủy điện nằm ở đâu?”

Báo Dân Việt nói rằng người dân ở các vùng có thủy điện “thua thiệt đủ đường”. Sau khi mấy hồ thủy lợi vỡ ở huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa, báo Người Lao Động cho biết người dân ở đây “Cái đói cận kề”. Báo điện tử VTC sau khi nêu ra những thiệt hại gần như mất trắng của một số xã ở huyện Quỳnh Lưu và thị trấn Hoàng Mai tỉnh Nghệ An đặt câu hỏi là “trâu, bò, lợn gà, thóc lúa mất sạch rồi, lấy gì sống đây?”

Chỉ riêng thị trấn Hoàng Mai đã có khoảng 20,000 nhà với 100,000 dân đối diện với những ngày khốn khó trước mặt. Ruộng lúa, vừn rau đậu, trang trại gà, vịt, đầm nuôi tôm cá ước lượng thiệt hại ở đây đã khoảng 800 tỉ đồng vì xả lũ thủy lợi, theo báo Tuổi Trẻ.

Trên tổng cộng thiệt hại tài sản lối 11,000 tỉ đồng hậu quả của bão cho các tỉnh miền Trung, riêng tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nặng nhất với khoảng 8,000 tỉ đồng. Nghệ An không bị bão nhưng lại bị hại vì ‘xả lũ” thủy lợi nên cũng mất 1,300 tỉ đồng. Một số đập thủy lợi ở Thanh Hóa vỡ gây thiệt hại khoảng 135 tỉ đồng, theo VNExpress.

Trước cơn bão số 10 có 4 ngày, ban quản lý hồ thủy lợi Ayun Hạ lớn nhất Tây nguyên ở tỉnh Gia Lai đã hối hả xả lũ làm ngập hàng loạt ngôi nhà và hàng trăm mẫu lúa ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. (TN)

MỚI CẬP NHẬT