Thursday, March 28, 2024

Dân nổ súng là bất bình với nhà cầm quyền


 


Vụ người dân bắn công an ở Hải Phòng


 


 


HẢI PHÒNG (NV) – Một trong những người chống lại vụ cưỡng chế đất đai và bắn bị thương 6 công an, bộ đội ở xã Vĩnh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, hôm 5 tháng 1, khai rằng nguyên nhân của việc nổ súng là vì bất bình với nhà cầm quyền huyện Tiên Lãng.


Ông Ðoàn Văn Quý, 45 tuổi, trú xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào chiều tối 7 tháng 1 công an Hải Phòng đầu thú đã khai như vậy.


Ông Ðoàn Văn Quý là em ruột ông Ðoàn Văn Vươn, người chủ của khu đất bị nhà cầm quyền cưỡng chế. Ông Ðoàn Văn Quý là nghi can chính trong vụ đặt mìn, nổ súng chống lại lực lượng cưỡng chế sáng 5 tháng 1 tại khu đầm hồ xã Vinh Quang, làm 6 công an bị thương.


 



Ông Đoàn Văn Vươn, người bị nhà cầm quyền cưỡng chế đất. (Hình: Báo Pháp Luật)


 


Tin của báo Ðất Việt cho biết, ngày 5 tháng 1 năm 2012, một lực lượng gồm cả công an, bộ đội đông hàng trăm người với đầy đủ súng ống đã tới cưỡng chế khu đất trồng cây ăn trái và đàm nuôi thủy sản của anh em ông Ðoàn Văn Vươn. Ðoàn người cưỡng chế đã bị ăn 2 quả mìn nhưng không ai bị thương tích, rồi sau đó bị một số loạt đạn khi đem lực lượng tăng phái đến.


Trưởng công an huyện Tiên Lãng, một đại úy công an là hai trong số 6 người trúng đạn hoa cải từ trong bắn ra. Nhóm người chống cưỡng chế đã rút đi trước một rừng người đầy đủ súng ống. Vì vậy, nhà cầm quyền địa phương đã truy tố vụ việc. Một số người khó tránh khỏi tù tội hoặc cũng có thể đến tử hình.


Công an đã bắt giữ 6 người trong đó có vợ chồng ông Vươn và con trai. Theo VNExpress, vợ chồng ông Vươn và con trai lại là những người đứng xem nổ súng trong số hàng ngàn người dân địa phương đứng chật cứng con đê dài 2 cây số.


Theo báo Ðất Việt, sau khi đầu thú tại cơ quan công an, ông Quý cho biết: “Nguyên nhân phạm tội do quá bất bình với việc UBND huyện Tiên Lãng đã dùng đủ mọi cách thu hồi vùng đầm nuôi trồng thủy sản rộng 38 ha mà Quý cùng cả đại gia đình đã đổ không biết bao nhiêu tiền của, mồ hôi cải tạo suốt gần 20 năm qua. Anh trai của Ðoàn Văn Quý là Ðoàn Văn Vươn, dù có bằng ÐH nhưng cũng bỏ công việc văn phòng để khai phá đầm hồ.”


Ðoàn Văn Quý khai nhận đã dựng hai hàng rào tre chắn ngang đường vào khu đầm, chuẩn bị sẵn mìn tự tạo, bình ga, xăng, rơm… để chống lực lượng cưỡng chế. Người này cũng thừa nhận chính mình đã trực tiếp cầm súng hoa cải bắn vào lực lượng tham gia giải tỏa. Sau khi nổ súng, Ðoàn Văn Quý trốn vào vùng rừng ngập mặn ven biển nhằm trốn tránh sự truy bắt.


Tuy nhiên, vụ cưỡng chế dẫn tới nổ súng không giản dị là cưỡng chế đất của người đã hết hạn thuê. Nó có dấu hiệu của một vụ mánh mung của một số viên chức địa phương muốn cướp trắng công lao khai phá đất hoang đầm lầy của người dân thành một cơ sở nuôi thủy sản và vườn cây ăn trái.


Nhiều người dân địa phương trong đó có ông Phạm Văn Danh, 82 tuổi, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Vinh Quang, cho báo Pháp Luật Sài Gòn biết rằng, ông Vươn “đã có công với bà con xóm làng chúng tôi, nếu không có cậu ấy làm bờ kè tạo tấm lá chắn thì không biết bao giờ người dân Vinh Quang mới hết cảnh vỡ đê, chạy bão.”


Theo lời ông Danh, “Hơn 20 năm trước, thằng Vươn nó đề nghị tôi nhận bãi biển phía ngoài đê làm đầm. Hồi ấy cả vùng này là biển nước mênh mông. Tôi khuyên nó: ‘Cháu không làm được đâu, Nhà nước còn không làm được thì mày làm sao được.’ Nhưng nó không nghe, cứ quyết tâm làm.”


Vẫn theo báo Pháp Luật Sài Gòn, “Vùng cửa biển mênh mông sau hàng chục năm cải tạo đã trở thành khu đầm thủy sản trù phú. Từ đó, người dân Vinh Quang đã thoát khỏi cảnh vỡ đê chạy bão. Biết bao bà con xóm chùa gần đó được anh tạo công ăn việc làm, nhà ai túng bấn lại được anh giúp đỡ. Khi đó, gia đình anh Vươn tiếng là khá giả nhưng vẫn đang gánh khoản nợ vài tỉ đồng…


“Thế mà bỗng dưng anh Vươn nhận được quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng. Không bồi thường, không giao lại. Không chỉ anh Vươn mà nhiều hộ khác, trong đó có ông Vũ Văn Luân (ngụ xã Hùng Thắng) cũng cùng chung cảnh ngộ.


“Cho rằng đầm nuôi thủy sản phải được giao 20 năm, khi hết thời hạn sẽ được giao tiếp, anh Vươn và ông Luân đã khởi kiện quyết định thu hồi đất ra tòa. Bị TAND huyện Tiên Lãng bác yêu cầu, họ kháng cáo lên TAND TP Hải Phòng. Tòa TP tổ chức cho hai bên thỏa thuận, nghe đại diện của UBND huyện hứa hẹn nếu rút đơn sẽ cho thuê tiếp, anh Vươn và ông Luân đã rút đơn.


“Sau đó, họ nhiều lần làm đơn xin thuê tiếp nhưng không có hồi âm. Tháng 11, 2011, UBND huyện ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Rồi đến cái ngày ‘định mệnh’ 5 tháng 1, 2012, UBND huyện tổ chức lực lượng thực hiện quyết định cưỡng chế…”

MỚI CẬP NHẬT