Tuesday, April 23, 2024

Đất đai là nguyên nhân bất ổn ở Việt Nam

HÀ NỘI (NV) .- Chậm hoặc không giải quyết các tranh chấp đất đai là nguyên nhân chính khiến dân chúng bất bình và khiến xã hội bất an.









Nông dân bị nhà cầm quyền cướp đất, đền bù bất công kiểu cướp ngày, khiếu kiện tập thể quanh năm trong vô vọng. (Hình: Internet)


50% của 5,000 người được phỏng vấn để thực hiện cuộc khảo sát “Chỉ số Công lý 2012” đã nhận định như thế.


Trong cuôc khảo sát vừa kể, hơn 50% số người được phỏng vấn nhận định rằng chính quyền chỉ quan tâm tới phát triển kinh tế chứ không đếm xỉa tới việc bảo vệ môi trường.


“Chỉ số Công lý 2012” là tên một cuôc khảo sát do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam thực hiện. Kết quả cuộc khảo sát vừa được công bố hôm 3 tháng 10-2013. Mục tiêu của cuộc khảo sát mang tên “Chỉ số Công lý 2012” là tìm hiểu nhận định của dân chúng trên toàn Việt Nam  về hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền trong việc giải quyết các tranh chấp pháp lý và khiếu nại hành chính ở Việt Nam


Kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số Công lý 2012” cho thấy, 50% tranh chấp đất đai và khiếu nại về môi trường tại Việt Nam trong năm 2012 không được giải quyết. Khoảng 38% tranh chấp đất đai tại Việt Nam liên quan đến giấy tờ xác lập quyền sử dụng đất và chính sách bồi thường, tái định cư cho những người bị thu hồi đất.


Cũng theo kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số Công lý 2012”, khoảng 20% khiếu nại về phương thức giải quyết chính sách xã hội và ngăn chặn ô nhiễm môi trường của hệ thống công quyền đã không được hệ thống này hồi đáp.


Đa số những người tham gia trả lời các cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên trong quá trình thực hiện cuộc khảo sát “Chỉ số Công lý 2012”, cùng nhận định rằng, hệ thống công quyền thường không giải quyết các khiếu nại hành chính đúng thời hạn luật định. Thời gian chở đợi để các khiếu nại về môi trường được giải quyết trung bình là 18 tháng và thời gian chờ đợi để các khiếu nại về chính sách xã hội được giải quyết trung bình là 24 tháng. Tương tự, thời gian chở đợi để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trung bình là 42 tháng (3 năm rưỡi).


Ở buổi công bố kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số Công lý 2012”, ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh, kết quả cuộc khảo sát phản ánh trung thực nhận định của dân chúng về lề lối làm việc của hệ thống công quyền tại Việt Nam.


Kết quả cuộc khảo sát “Chỉ số Công lý 2012” xác định chính sách của Việt Nam về đất đai là không thích hợp, cần thay đổi. Tuy nhiên, chế độ Hà Nội không muốn thay đổi, bất chấp kết quả các cuộc khảo sát tương tư, cũng như những phân tích, góp ý của nhiều giới.  


Hồi hạ tuần tháng 9, trước khi Quốc hội CSVN mở hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự luật đất đai mới, luật sư Trần Quốc Thuận, một đảng viên có 45 tuổi Đảng, đồng thời là người từng đảm nhận vai trò Phó Văn phòng Quốc hội Việt Nam trong 14 năm, cảnh báo, giới cầm quyền phải tỉnh ngộ, sớm thay đổi cả thể chế chính trị lẫn chính sách về đất đai, nếu không thì tình hình sẽ rất nguy hiểm.


Luật đất đai hiện hành ở Việt Nam là nguyên nhân của 70% vụ khiếu nại, tố cáo vừa kéo dài, vừa đông người, thậm chí trở thành nguyên nhân của nhiều vụ bạo động và càng ngày càng làm chế độ lúng túng.


Cũng vì vậy, nhà cầm quyền CSVN quyết định soạn – ban hành một bộ luật mới về đất đai. Dự luật đất đai đã từng được “nâng lên, đặt xuống” nhiều lần vì không thể kết thúc cuộc tranh cãi về việc xác lập quyền sở hữu đất đai. Trong khi nhà nước CSVN vẫn muốn duy trì qui định “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” thì một số viên chức và đặc biệt là đa số nhân sĩ, trí thức và dân chúng phản bác kịch liệt.


Lúc đầu dự tính sửa xong luật đất đai mới sửa hiến pháp nhưng do ý định duy trì qui định “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” bị chỉ trích gay gắt, chế độ Hà Nội thay đổi ý định, muốn sửa (đưa Quốc hội thông qua) cả hai (hiến pháp và luật đất đai) một lượt vào kỳ họp Quốc hội sẽ diễn ra vào tháng tới.      


Trao đổi với BBC về dự luật đất đai, ông Trần Quốc Thuận khẳng định, việc duy trì qui định “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” sẽ không thể “giải quyết tận gốc” các vấn đề nan giải về kinh tế – xã hội. Vị luật sư này cảnh báo, nếu đất đai vẫn thuộc quyền sở hữu toàn dân thì điều đó sẽ dẫn tới những hậu quả khó lường.


Cả hiến pháp lẫn luật đất đai hiện hành cho phép thu hồi đất để “phát triển kinh tế xã hội”. Nếu hiến pháp mới và luật đất đai mới vẫn duy trì điều đó thì “rất dễ sợ” bởi nhiều viên chức sẽ tiếp tục lợi dụng điều đó để làm giàu.


Ông Thuận nhận định, qui định “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân” là một mối lợi lớn mà các viên chức không dễ gì buông bỏ. Duy trì qui định này chỉ nhằm có cơ sở để chiếm đoạt quyền lợi cho mình, cho gia đình của mình, con cháu của mình và gia tộc của mình.


Khi bình luận về dự luật đất đai, ông Thuận nói thêm là chính bản chất của thể chế chính trị hiện nay đã dẫn đến những hậu quả, trong đó có “sở hữu toàn dân về đất đai”, có “chuyên chính vô sản”, áp chế dân chủ, điều hành tùy tiện, dẫn tới quốc nạn là tình trạng tham nhũng không thể cứu chữa. (G.Đ)



 

MỚI CẬP NHẬT