Thursday, April 18, 2024

Ðất nhiễm mặn, nông dân lo thiếu gạo ăn


CẦN THƠ (NV) –
Phúc trình của Viện Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam vừa lên tiếng báo động, nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang ngồi đứng không yên vì tỉ lệ nhiễm mặn đồng ruộng miền Nam năm nay tăng vọt.










Ðất nhiễm mặn làm lúa chết non. (Hình: Báo Tuổi Trẻ)


Phúc trình được báo Tuổi Trẻ trích dẫn nói rằng tỉ lệ nhiễm mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long năm nay không dưới 4%. Viện này còn ước tính, vùng đất liền bị nhiễm mặn tính từ cửa biển vào sâu hơn 50 cây số, so với năm trước đây là 30 km. Tỉ lệ nhiễm mặn đo được tại các vùng dọc theo các sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại, Hàm Luông, Cổ Chiên… còn lên tới 10%.


Theo nguồn tin riêng của Người Việt, mùa mưa đến chậm vì Tháng Tư nhuần cũng là nguy cơ chậm rửa mặn cho đồng ruộng. Một số nông dân đang lo vì vụ lúa Ðông Xuân đồng bằng sông Cửu Long còn một tháng nữa mới đến mùa thu hoạch mà mùa khô kéo dài có nhiều nguy cơ mất mùa.


Ðồng ruộng bị mặn hóa là thiên tai gây thất mùa đáng sợ đối với nông dân miền Nam hiện nay, đặc biệt tại tỉnh Bến Tre. Một nông dân huyện Ba Tri cho biết, nước mặn xâm nhập sâu vào đồng ruộng làm lép lúa chưa kịp trổ bông.


Cũng theo báo Tuổi Trẻ, nông dân vùng đất trù phú của tỉnh Sóc Trăng là huyện Cù Lao Dung cũng đang sốt vó vì nước mặn làm mía chết non. Tình trạng nhiễm mặn cũng đã khiến nông dân huyện này chỉ có thể xuống giống được 70% mía trồng trong năm nay so với năm rồi. Một số nông dân còn cho hay, trời nắng nóng kéo dài năm nay và nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng khiến mía chết non tràn lan tại nhiều xã chuyên canh mía của huyện.


Nước nhiễm mặn đầu năm nay còn gây thiệt hại trầm trọng cho người dân xã Phước Minh thuộc tỉnh Ninh Thuận ở miền Trung. Tuy nhiên, tai họa này lại do con người gây ra.


Theo nông dân xã Phước Minh, dự án đưa nước mặn vào nhà máy sản xuất muối trong vùng đã làm nhiễm mặn tất cả giếng nước của nông dân. Ông Lê Văn Thể, đại diện nông dân xã Phước Minh nói: “Suốt 4 năm qua, kể từ khi nhà máy này đi vào hoạt động, cây cối chết khô, đất bị khô cằn, vật dụng trong nhà bị hư hỏng vì hơi nước mặn… Chúng tôi bị cạn cả nguồn nước ngọt để uống.”


Người ta còn chưa quên từ tháng 4 năm rồi, độ mặn các sông Sài Gòn, Ðồng Nai tăng cao đe dọa nguồn nước sinh hoạt của cư dân cả vùng Sài Gòn.


Cũng theo báo Tuổi Trẻ, tỉ lệ nhiễm mặn tăng vọt tại hầu hết các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang… kéo dài từ năm rồi cho đến năm nay.


Sự báo động về tình hình nhiễm mặn tồi tệ hơn mới đây cho thấy miền Nam có thể bị thiếu gạo trong năm nay. (PL)

MỚI CẬP NHẬT