Friday, March 29, 2024

Điện Biên: 29 người H’Mong bị cáo buộc “hoạt động phỉ”

ĐIỆN BIÊN (NV) .- Tòa án tỉnh Điện Biên vừa đưa 29 người H’Mong ra xử với cáo buộc họ đã “hoạt động phỉ”. Phiên xử này dự trù sẽ kéo dài trong một tuần và được tổ chức theo hình thức lưu động.








Người H’Mong tụ tập, giơ cao các khẩu hiệu đòi trả tự do cho ông Lý Văn Dinh, Dương Văn Tu ngày 20/3/2014 ở huyện Hàm Yên tỉnh Tuyên Quang. (Hình: Truyền thông Dòng Chúa Cứu thế)


Xét xử lưu động là hình thức xét xử được thực hiện bên ngoài trụ sở tòa án với mục tiêu “giáo dục, răn đe”. Việc đem 29 người H’Mong ra xử lưu động được thực hiện sau khi hàng ngàn H’Mong biểu tình, phản đối việc chế độ Hà Nội đưa các đồng đạo của họ ra xử hồi tháng trước ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.


Trong thập niên vừa qua, do theo – thực hiện các nghi thức của một tôn giáo mà nhà cầm quyền CSVN gọi là “tà đạo Dương Văn Mình”,  nhiều người H’Mong đã bị đưa ra tòa, bị phạt tù vì bị vu cho tội “gây rối trật tự công cộng” hoặc “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức và công dân”. Đây là lần đầu tiên, các nạn nhân của đàn áp tôn giáo tại Việt Nam bị cáo buộc “hoạt động phỉ”.


Các cơ quan tư pháp CSVN xác định có 37 người H’Mong “hoạt động phỉ”. Chỉ có 29 người bị đưa ra tòa trong phiên xử vừa kể vì 8 người đã đào thoát. Cáo trạng cho biết, sau khi “gây rối trật tự công cộng” ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên hồi tháng 5 năm 2011, những người H’Mong này đã trốn ra nước ngoài.


Giữa tháng 10 năm 2012, họ quay trở về, dùng súng bắn vào lán của lực lượng Biên phòng tại xã Sen Thương, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, khiến một người chết và bốn người bị thương. Những người H’Mong này còn dự tính tấn công một số mục tiêu khác ở huyện Mường Nhé nhưng bị bắt trước khi thực hiện các dự tính đó.


Cũng vào thời điểm này, công an Việt Nam vừa bắt giữ thêm ba người H’Mong ngụ ở tỉnh Bắc Kạn. Đàn áp người H’Mong cư trú ở khu vực Tây Bắc Việt Nam vì lý do tín ngưỡng có dấu hiệu lan rộng sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy họ bắt đầu phản kháng mạnh mẽ hơn trước.


Từ cuối thập niên 1980 đến nay, càng ngày càng nhiều người H’Mong nghe theo lời ông Dương Văn Mình, từ bỏ nhiều tập quán có tính chất hủ tục, ví dụ như giữ người chết trong nhà, sống cùng với thi thể người chết ba ngày ba đêm, hoặc bảy ngày bảy đêm, thậm chí chín ngày đêm, mổ trâu bò, cùng ăn uống rồi mới chôn cất. Hoặc khi đau ốm thì không cúng kiếng mà đi chữa bệnh.


Tuy nhiên khi người H’Mong thôi dùng thầy cúng, thôi tin ma, ngừng giữ và thực hiện các hủ tục thì chế độ Hà Nội lại cảm thấy bất an. Họ gọi những quan điểm tín ngưỡng mà ông Dương Văn Mình truyền bá, dựa một phần vào đạo Thiên Chúa, và được nhiều người H’Mong tán thành là “tà đạo Dương Văn Mình”.


Nhiều nhà nguyện với thánh giá, nhà quàn với các vật dụng hỗ trợ chôn cất người chết theo cách thức chung, trong đó người Kinh đã thực hiện từ lâu và vẫn đang làm như thế khắp nơi, nay mới được thực hiện trong cộng đồng người H’Mong bị đập phá.


Ông Dương Văn Mình và nhiều người H’Mong bị tống giam, bị phạt tù vì “gây rối trật tự công cộng”, “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức và công dân”.


Người H’Mong câm lặng chịu đựng sự đàn áp thô bạo này cho đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011 thì sự kiện Mường Nhé bùng phát. Mường Nhé là một huyện thuộc tỉnh Điện Biên, mà ranh giới vừa giáp biên giới Trung Quốc, vừa giáp biên giới Lào.


Ngày 30 tháng 4 năm 2011, hàng ngàn người H’Mong đã đổ đến Mường Nhé cầu nguyện, đòi tự do tín ngưỡng. Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao tiết lộ, số lượng người H’Mong đổ về Mường Nhé trong sự kiện này là khoảng 7,000 người.


Trong khi chế độ Hà Nội tuyên truyền rằng đã “vận động đồng bào tự nguyện giải tán” và “không hề đàn áp” thì DPA – Thông tấn xã Đức – dẫn thông tin từ một viên chức cầm quyền của tỉnh Điện Biên, xác nhận có 3 đứa trẻ thiệt mạng. Riêng Center of Public Policy Analysis (CPPA – Trung tâm Phân tích Chính sách Công quyền) tại Hoa Kỳ – một trong những nơi thường xuyên theo dõi về tình trạng đàn áp người H’Mong thì loan báo, con số nạn nhân thiệt mạng nằm trong khoảng từ 39 đến 49 người, chưa kể hàng trăm bị  thương tích trầm trọng trong khi hàng trăm người khác người bị mất tích.
 
Kể từ sau sự kiện Mường Nhé, người H’Mong từ các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam liên tục đổ về Hà Nội khiếu nại, đòi tự do tôn giáo, đòi thả những người bị bắt. Tháng trước, trong hai ngày 18 và 21, hàng ngàn người H’Mong từ nhiều nơi đã đổ về trụ sở Tòa án huyện Hàm Yên, giương cao các khẩu hiệu đòi tự do tôn giáo và trả tự do cho ba người H’Mong bị đưa ra xét xử ở hai vụ xử cách nhau ba ngày, song với cùng một cáo buộc là “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức và công dân”.


Trước sự phản ứng quyết liệt của người H’Mong, viên thẩm phán ngồi xử ông Thào Quán Mua hôm 18 tháng 3 tuyên bố hoãn xử vì bị “đau bụng đột xuất”. Vụ xử hai ông Lý Văn Dinh và Dương Văn Tu hôm 21 tháng 3 được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy cảnh sát cơ động đã dàn sẵn để chặn đường, giựt khẩu hiệu nhưng không ngăn được người H’Mong đổ tới trụ sở tòa án.


Những người H’Mong tham gia phản kháng cho biết, có ít nhất bốn người bị bắt, 30 người bị ngất do cảnh sát cơ động đánh đập. Cuối cùng, ông Dương Văn Tu bị phạt 1 năm 9 tháng tù. Còn ông Lý Văn Dinh bị phạt 1 năm 5 tháng tù.


Ông Tu và ông Dinh bị bắt, bị phạt tù vì bị cho là xúi giục dân chúng xây dựng nhà quàn. Ông Thào Quán Mua, người bị đưa ra xử hôm 18 tháng 3 thì bị truy tố do “xúi giục khiếu kiện tập thể”. Nội dung “khiếu kiện tập thể” là đề nghị chính quyền tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngừng việc đập phá những nhà quàn của người H’Mong.


Các vụ phản kháng đòi tôn trọng tự do tôn giáo của người H’Mong ở Mường Nhé, Điện Biên (2011) và của người thiểu số ở Tây Nguyên (2001, 2004) là một trong những lý do để năm ngoái, Bộ Công an Việt Nam vận động Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam gia tăng đầu tư cho cảnh sát cơ động – lực lượng vũ trang của công an, chuyên thực hiện nhiệm vụ trấn áp.


Ngoài trang bị cá nhân, hơn hẳn quân nhân, năm ngoái, lực lượng này được trang bị thêm cả súng B.40, xe bọc thép. Qua “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam còn cho phép lực lượng này mua phi cơ, tàu thủy và “nổ súng trấn áp bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh”. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT