Thursday, March 28, 2024

Ðình công tăng gấp đôi tại Việt Nam


857 vụ trong năm 2011


 


HÀ NỘI (NV) –Ðã có 857 cuộc đình công xảy ra tại Việt Nam trong năm 2011, nhiều gấp đôi năm 2010, Bộ Lao Ðộng-Thương Binh-Xã Hội CSVN báo cáo trong một hội nghị “Tổng kết tình hình năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012” của bộ này được báo Dân Trí kể lại hôm Thứ Ba 10 tháng 1, 2012.










Ðình công ngày 23 tháng 6, 2011 ở công ty Giai Ðức, Hà Nội, bảo vệ lao xe làm chết người. Công nhân bàng hoàng đứng nhìn những chiếc dép của các nạn nhân còn vương vãi trên đường. (Hình: Dân Trí)


Tờ báo này kể thống kê cho thấy từ năm 1995 đến nay, đã xảy ra hơn 4,100 vụ đình công trên cả nước, phần lớn xảy ra tại các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam mở cơ sở sản xuất, lợi dụng tiền công rất rẻ do nhà cầm quyền ấn định.


Năm 2011 xảy ra 857 vụ đình công đạt kỷ lục nhiều nhất từ trước đến nay của một chế độ có bản hiến pháp tự xưng tụng là “của dân, do dân và vì dân”. Năm 2010 xảy ra 422 vụ, năm 2009 có 218 vụ, năm 2007 là 720 vụ.


Ðây chỉ là những con số báo cáo do chế độ Hà Nội đưa ra không biết gần với sự thật xảy ra được bao nhiêu. Nhưng dù vậy, hầu hết những vụ đình công này đã không được hệ thống báo đài do nhà cầm quyền kiểm soát loan tin. Có hai tờ báo lớn đại diện cho Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam là tờ Lao Ðộng ở Hà Nội và tờ Người Lao Ðộng thì cũng hiếm khi loan tin đình công, nhất là những vụ đình công ở các công ty dính đến đảng đoàn hay quốc doanh.


Bản tin trên tờ Dân Trí cho hay “Báo cáo cho hay, đến nay, chưa có cuộc đình công nào theo đúng trình tự quy định của pháp luật, mặc dù 70% trong số đó xảy ra ở các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn”.


Báo cáo này đổ vạ cho giới công nhân đình công tại một số nơi “đã xuất hiện phần tử gây rối, kích động, đình công, đập phá, thậm chí đánh và gây chết người”.


Các tổ chức công đoàn là những tổ chức ngoại vi của đảng CSVN cài cắm vào các xí nghiệp để “nắm” công nhân, không bảo vệ quyền lợi của công nhân nên chính người công nhân đã phải tự tổ chức các cuộc đình công khi giới hạn chịu đựng đã bị vượt quá khả năng chịu đựng.


Luật Lao Ðộng tuy có những điều khoản về đình công lại không bảo vệ người công nhân đình công, từng được mổ xẻ nhiều lần nhưng đến nay vẫn không được sửa đổi theo chiều hướng bảo vệ người lao động.


Lạm phát năm 2011 có tháng lên đến hơn 23% với những đợt tăng giá xăng, giá điện, phá giá đồng bạc làm cho giới công nhân vô cùng khốn đốn với đồng lương cố định và quá ít không đủ nuôi chính người công nhân.


Trong một vụ đình công xảy ra tại xí nghiệp Giai Ðức ở huyện Chương Mỹ ngoại thành Hà Nội ngày 23 tháng 6 năm 2011, nhân viên bảo vệ của công ty đã phóng một chiếc xe tải vào nhóm nhân công đình công làm bị thương một số người và một nữ nhân công đang mang thai thiệt mạng. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT