Tuesday, April 16, 2024

Ðường nhập lậu tăng, ngành đường mía bị dọa sập tiệm


SÀI GÒN (NV) – Người ta tính ra mỗi năm có khoảng 300,000 – 400,000 tấn đường được nhập cảng trái phép vào thị trường Việt Nam, đáp ứng 30% nhu cầu. Ðiều đó giữ giá đường thấp trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, hậu quả trầm trọng hơn là làm cho các nhà sản xuất đường trong nước đối mặt với sự cạnh tranh không cân xứng về giá, dẫn đến lượng đường tồn đọng, tổn thất hàng tỷ đồng.


Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, lượng đường nhập lậu hàng năm khoảng 400,000 tấn, chiếm 1/3 số lượng tiêu thụ trong nước. Ðây cũng chính là số lượng đường nội địa bị tồn kho trong hai năm 2012-2013 của ngành sản xuất đường Việt Nam. Ông Hải cho biết thêm, khoảng 1.35 triệu tấn đường được tiêu thụ trong năm qua, trong khi tổng số cung cấp từ các cơ sở sản xuất là 1.78 triệu tấn.









Các nhà máy đường đứng trước nguy cơ đóng cửa vì nạn buôn lậu đường. (Hình: báo Quảng Ngãi)


Theo phúc trình của Hiệp hội mía đường Việt Nam, cuối năm 2012, có ít nhất 41 nhà máy sản xuất đường rơi vào tình trạng “càng xuất càng lỗ.” Trong số này có nhà máy Long Mỹ Phát, Hậu Giang đã phải “ngậm ngùi đóng cửa” vì không còn con đường nào khác.


Cũng theo ông Hải, nguyên nhân đáng kể gây tổn thất trầm trọng cho các doanh nghiệp sản xuất đường mía là sự buông lỏng kiểm soát của chính quyền địa phương. Họ đã để cho giới thương lái nhập đường lậu ồ ạt vào thị trường Việt Nam qua biên giới Cambodia, chủ yếu từ Thái Lan. Người ta ước tính đã có ít nhất 400,000 tấn đường được nhập lậu bằng nhiều hình thức. Không chỉ các nhà máy sản xuất gặp nguy, mà hàng triệu nông dân mưu sinh bằng nghề trồng mía cũng đang đứng trước nguy cơ mất việc.


Theo ông Ðỗ Thành Liêm, Chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị kiêm Tổng Giám Ðốc Công ty Khánh Hòa, hầu hết các quốc gia sản xuất đường trên thế giới đều thiết lập hạn ngạch xuất nhập cảng đường. Trái lại, Việt Nam là quốc gia có lượng mía đường phong phú, trải dải khắp các tỉnh thành của vùng Nam Bộ, nhưng quota nhập cảng đường lại không được sự kiểm soát chặt chẽ từ Bộ Công Thương.


Ông Nguyễn Hải còn thú nhận rằng, Hiệp hội mía đường không hề biết cụ thể về số doanh nghiệp được cấp quota, cũng như số lượng đường nhập cảng là bao nhiêu. Hầu hết những thông số này đều được đặt “trong vòng bí mật.”


Báo Lao Ðộng dẫn lời ông Lê Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn nói rằng, phải có biện pháp quyết liệu ngăn chặn tình trạng nhập cảng lậu đường. Theo ông, nếu không ngăn chặn nạn buôn lậu đường thì sớm muộn gì hàng trăm ngàn nông dân trồng mía sẽ phải “bỏ của chạy lấy người,” đẩy ngành công nghiệp sản xuất đường đi vào con đường phá sản. (P.L)

MỚI CẬP NHẬT