Thursday, March 28, 2024

Facebook bị chặn ở Việt Nam, nhưng 2 bộ trưởng lại xài xả láng

 


Tư Ngộ/Người Việt 


HÀ NỘI (NV) Mng Facebook là một dịch vụ miễn phí được sử dụng rộng rãi tại phần lớn các nước trên thế giới để người ta có thể chia sẻ bài viết, thông tin, hình ảnh của mình và của người khác.









Trang ‘Những người phát cuồng về Bộ Trưởng Vương Ðình Huệ’ trên Facebook. (Hình: NV)


Nhờ nó mà một biến cố vừa xảy ra, người ta thông báo cho nhau biết liền, trong nhấp nháy. Người ở góc biển này biết ngay cái gì vừa xảy ra đối với người ở chân trời bên kia.


Tại Việt Nam, nó đã bị tường lửa chặn lại từ năm 2009 vì một số người trong và ngoài nước dùng Facebook cho nhu cầu thông tin mà nhà cầm quyền coi là “độc hại” và có ý “lật đổ chính quyền nhân dân.”


Tuy nhiên, bất cứ ai ở Việt Nam muốn vào Facebook thì có thể vào được không mấy khó khăn nếu biết cách “trèo tường lửa.” Nhờ vậy, nhiều tin tức, bài viết thuộc lại “nhậy cảm” vẫn được lọt từ bên trong Việt Nam ra bên ngoài và ngược lại.


Ðó là chuyện “quần chúng tự phát” thì một lẽ. Ðàng khác, theo một bài viết trên blog Beyond Brick của báo điện tử Financial Times, có hai vị bộ trưởng khá nổi bật của nhà cầm quyền Hà Nội lại là các “fan” của mạng Facebook, sử dụng mạng này để giao tiếp với mọi người.


Vương Ðình Huệ, bộ trưởng Tài Chính và Ðinh La Thăng, bộ trưởng Giao Thông Vận Tải là hai người được báo Financial Times đề cập trong bài viết.


Trong một chế độ mà vấn đề quyền lực và đường lối cai trị của đảng theo một khuôn phép thể hiện trong tất cả mọi mặt của xã hội, sự xé rào của hai ông này tuy là cái lạ đối với nhà báo nước Anh, nhưng cũng không mấy ngạc nhiên đối với những ai hiểu xã hội Việt Nam ngày nay. Những kẻ ra lệnh cấm hay có trách nhiệm áp dụng các lệnh cấm thì lại là những kẻ xé rào. Họ là những kẻ nằm ở trên luật lệ. Luật lệ chỉ áp dụng cho đám đông thấp cổ bé miệng khi kẻ bị trị muốn dùng luật lệ theo một nhu cầu nào đó, dù là một thứ luật lệ bị bẻ cong.


Ngôi nhà Cựu Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu trưng bày một cặp ngà voi và một cái trống đồng Ðông Sơn. Ngà voi thì đụng chạm tới luật bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm mà giống voi nằm trong “sách đỏ” cần bảo vệ vì đang tới gần tuyệt chủng. Trống đồng Ðông Sơn là tài sản cấp quốc gia, dấu hiệu của nền văn minh thời cổ đại, không phải các cá nhân được sở hữu.


Ðó chỉ là một thí dụ nhỏ trong hàng ngàn, chục ngàn thí dụ khác để cho hiểu các ông Huệ ông Thăng nếu có xài Facebook thì cũng chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện.”


Ông Huệ nổi tiếng vì “dập” những ông quan ở Bộ Kinh Tế và các quan ngành dầu khí đòi tăng giá xăng. Ông Thăng nổi tiếng với những lời tuyên bố bạo mồm nhưng không nhằm nhò bao nhiêu với những khốn khổ của quần chúng về nạn kẹt xe, về ngập lụt. Ông ra lệnh cho các quan lớn nhỏ trong cái bộ của ông không được đánh gôn cũng như đòi thuộc cấp phải leo lên xe buýt đi làm để hiểu nỗi khổ của người dân.


Theo FT, nhân một cuộc đối đáp trực tiếp với dân qua mạng của nhà nước, ông Vương Ðình Huệ được hỏi hôm Thứ Ba vừa qua là ông ở trên Internet bao lâu mỗi ngày và ông có dùng Facebook không. Ông giơ lên cho người ta thấy ông đang có chiếc iPad với sự hăng hái y như lúc người ta giơ cao tấm thẻ đảng, rồi đáp rằng ông là người xài Internet rất nhiều trong ngày, nhất là khi ông cần đọc tin tức.


“Tôi có cái iPad. Nó như cái bóng của tôi. Tôi dùng nó khắp nơi, luôn luôn.” Ông nói.


Ðối với mạng Facebook, ông nhìn nhận khả năng của ông dùng mạng xã hội này của ông kém con gái ông nhưng cho biết thêm là ông “sẵn sàng dùng mạng này để nhận các phản hồi từ độc giả cũng như các người trên cả nước.”


Tìm kiếm trên Facebook thì có vẻ như ông Huệ chưa lập một hồ sơ cá nhân để có một địa chỉ riêng trên Facebook mà chỉ thấy có một người khác giả tên ông. Người Vương Ðình Huệ giả này có 23 “bạn” khi tác giả bài viết trên Beyond Brick tìm kiếm. Tuy nhiên, ông Huệ có một số nhóm bạn trên Facebook (Facebook Fan Group) gồm cả một người tự nhận là “Những người phát cuồng về Bộ Trưởng Vương Ðình Huệ,” có hơn 600 ủng hộ viên.


Ðảng và nhà nước CSVN lúc nào cũng hô hò rầm rĩ là phải “đề cao cảnh giác” đề phòng các “thế lực thù địch” lợi dụng mọi cơ hội để tạo “diễn biến hòa bình” mà hòng lật đổ chế độ độc tài đảng trị. Trong nhiều diễn văn, các lãnh tụ đảng đều cảnh cáo các đảng viên “tự diễn biến,” thoái hóa, biến chất trước các “âm mưu thâm độc” của kẻ thù chế độ. Các ông Huệ, ông Thăng chắc không bị liệt vào đám bị chỉ trích “tự diễn biến” hay “biến chất” nhưng bảo rằng theo đúng những cấm kỵ của chế độ mà các ông phục vụ thì không.


Những người đấu tranh dân chủ hóa tại Việt Nam như Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Huỳnh Thục Vy, Trịnh Kim Tiến, và nhiều bloggers nổi tiếng ở Việt Nam cũng dùng mạng Facebook thường xuyên. Thế ra hai ông bộ trưởng của lề phải lại chơi chung một sân với cái đám người phát tán thông tin “độc hại” bên “lề trái.” Hay sân chơi mênh mông quá họ không nhìn thấy nhau?

MỚI CẬP NHẬT