Friday, April 19, 2024

Gạo ế, nông dân chết vì chính sách nhà nước

CẦN THƠ (NV) .- Nông dân Việt Nam có thêm một mùa bội thu nhưng thóc gạo không ai mua vì xuất cảng gạo bế tắc và đó là lỗi từ phía nhà cầm quyền đã không có chính sách thích hợp.  









Nông dân đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục khóc ròng khi vụ Đông – Xuân 2013-2014 bội thu nhưng giá lúa liên tục tụt giảm. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)


Giá lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang giảm liên tục. Tuy chỉ còn từ 4,100 đồng đến 4,200 đồng một ký nhưng thương lái vẫn không muốn mua vì xuất cảng gạo càng lúc càng bi đát. Cũng vì vậy, theo tường thuật của tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ở nhiều nơi tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nông dân để lúa chín rục ngoài đồng chứ không gặt vì sợ mất thêm chi phí gặt, đập.


Càng được mùa càng lỗ vì giá lúa giảm đã trở thành điệp khúc, lặp đi, lặp lại trong nhiều năm và khiến nông dân thêm khốn cùng vì ngập trong nợ (vay để mua hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu chạy máy bơm,…).


Tình trạng này có vẻ như không thấy hồi kết. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa loan báo, xuất cảng gạo của Việt Nam đang bế tắc vì bị cạnh tranh quyết liệt từ Thái Lan và một số quốc gia chuyên xuất cảng gạo khác. VFA tiết lộ, tổng lượng gạo xuất cảng của Việt Nam giảm khoảng 14% về số lượng và 16% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Cần lưu ý rằng 2013 từng được xem là năm bi đát nhất đối với xuất cảng gạo. 


Trò chuyện với tờ Đất Việt, ông Alan Phan, một chuyên gia kinh tế người Mỹ gốc Việt, nhận định, chính những chính sách của chính phủ Việt Nam đã làm hại công việc xuất cảng gạo của Việt Nam. Theo ông ALan Phan, tuy đã thực hiện nhiều giải pháp để “giúp đỡ, hỗ trợ nông dân” nhưng chính sách hiện hành đang hại họ. Nhà cầm quyền CSVN vẫn duy trì sự chi phối thị trường, bày ra hết hiệp hội này đến hiệp hội kia, giấy phép này đến giấy phép khác và biến thị trường trở thành phụ thuộc vào chính sách trong khi chính sách có nhiều sai lầm.


Chẳng hạn, do chủ trương đẩy mạnh xuất cảng gạo giá rẻ thành ra thị trường chỉ chấp nhận cách tạo ra gạo giá rẻ. Nếu muốn tạo ra gạo chất lượng cao để không bị cạnh tranh gay gắt, người ta sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi, bị tước mất những chính sách ưu đãi. Do khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giới kinh doanh gạo xuất cảng ở Việt Nam đang trông chờ vào thị trường Trung Quốc nhưng theo ông Alan Phan, nếu Trung Quốc ngưng nhập cảng gạo của Việt Nam, Việt Nam lại chới với.


Năm ngoái, Trung Quốc mua của Việt Nam 2.1 triệu tấn gạo và con số này chiếm khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất cảng của Việt Nam trong cả năm 2013. Tuy nhiên đến tháng 1 năm nay, lượng gạo Trung Quốc mua của Việt Nam chỉ còn chừng 17% so với tổng lượng gạo xuất cảng trong cả tháng. Viễn cảnh xuất cảng gạo trở thành u ám.


Ông Phan cho rằng, nếu để thị trường tự do, Việt Nam vẫn đủ khôn khéo để cạnh tranh với các quốc gia xuất cảng gạo khác thay vì phụ thuộc và bị động như hiện nay.


Ông Alan Phan cũng đưa ra cảnh báo về dự tính tìm đường đưa gạo Việt Nam vào thị trường Nam Hàn và Hoa Kỳ. Theo ông, đây là hai thị trường theo định chế kinh tế tự do cho nên chỉ có thể thắng nếu thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là phải hành động đúng theo quy luật của thị trường và đúng theo nhu cầu của người tiêu dùng. Chế độ Hà Nội không thể can thiệp vào vấn đề này. (G.Đ)



 

MỚI CẬP NHẬT