Thursday, March 28, 2024

Giới ‘nhà giàu mới’ ở Hà Nội xài sang nhất nước?

HÀ NỘI (NV) Trong khi cơn “bão giá” nhấn chìm hàng triệu người nghèo Việt Nam vào cảnh khó khăn, sức mua sắm của giới trung lưu, hay còn gọi là ‘nhà giàu mới’ ở Hà Nội vẫn tăng đều.







Một phụ nữ gánh hàng rong ngang qua cửa tiệm thời trang hạng sang Louis Vuitton ở Hà Nội. Cửa hàng này phục vụ cho tầng lớp nhà giàu mới ở Việt Nam. (Hình: Hoang Dinh Nam/Getty Images)


Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, trong một bài trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật Sài Gòn nói rằng, giới trung lưu Hà Nội rất “chịu chi”. Một trong những dẫn chứng về nhận định này là hiện tượng “mau hết hàng” tại các shop sang trọng ở Hà Nội.


Báp Pháp Luật Sài Gòn cho hay, “Mới đây nhãn hiệu thời trang xa xỉ nhất thế giới là Hermès khai trương chi nhánh tại Sài Gòn sau bốn năm mở chi nhánh ở Hà Nội. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Hermès tại Việt Nam vẫn tăng trưởng đều 20%-30%. Ðiều đó cho thấy đang có một bộ phận người tiêu dùng chi tiền mạnh tay cho hàng hiệu.”


Dư luận từng đồn rằng, một bộ túi xách thời trang gồm bốn chiếc của Hermès có giá 140,000 USD chỉ mới nhập về đã có người mua.


Giải thích về việc hãng Hermès không chọn Sài Gòn trước thay vì Hà Nội? Ông Nghĩa nói rằng, “Thực ra người Hà Nội có một tâm lý tiêu dùng mạnh tay hơn, chơi ngông hơn và người Hà Nội lại giàu có hơn ở Sài Gòn.”


“Người Hà Nội rất nhiều tiền và tầng lớp trung lưu ở đây đang phát triển rất nhanh, họ tiêu dùng rất mạnh tay. Có thể nhìn thấy tất cả xe hơi, xe máy sang trọng đều có mặt ở Hà Nội trước.”


Theo ông Lê Xuân Nghĩa, tầng lớp trung lưu ở Hà Nội đang tăng lên về số lượng với đặc điểm là sẵn sàng dùng đồng tiền có được để “thực hiện giấc mơ xưa”.







Các hãng thời trang thượng lưu như Gucci thường có mặt ở Hà Nội trước khi mở ở Sài Gòn. (Hình: Hoang Dinh Nam/Getty Images)


Ông nói: “Ngày trước họ còn nghèo. Giờ đây có chút tiền, họ không thích để dành mà muốn dùng chút tiền đó tạo nên một phong cách hào nhoáng cho bản thân và gia đình mình. Họ muốn mau chóng trở thành những người thời thượng, đặc biệt là phụ nữ.”


Theo ông, quý bà trung lưu ở Hà Nội hiện nay đua nhau mua sắm các loại hàng hiệu, nổi tiếng bất chấp giá tiền cao vót.


“Họ coi chuyện mua sắm đồ nổi tiếng là mục tiêu không mệt mỏi. Và các hãng thời trang coi đây là đích ngắm của họ. Còn giới thượng lưu giàu có hơn nữa, họ coi những sản phẩm đắt tiền không có gì đặc biệt và không quan tâm nhiều đến nó, họ nghĩ đến việc đầu tư và kinh doanh nhiều hơn.”


Báo Pháp Luật Sài Gòn dẫn lời của ông Lê Xuân Nghĩa nhận định rằng những người “kiếm tiền dễ thì cũng mua sắm vung tay, thoải mái”. Theo ông, đó là tâm lý của tầng lớp mới nổi trong xã hội về mặt kinh tế ở Việt Nam, kể cả Trung Quốc hiện nay.


Ông Nghĩa còn tiết lộ, người Hà Nội kiếm tiền được nhiều nhờ kinh doanh địa ốc. Họ tung tiền “đầu cơ” mạnh vào lĩnh vực đất đai ở Hà Nội, kể cả các vùng mà họ cho rằng “đắc địa” như Ðà Nẵng, Ðà Lạt, Sài Gòn… Ông Nghĩa còn nói, “Ðó là những người có mối quan hệ nhất định với chính quyền và biết cách kiếm ra tiền từ mối quan hệ này.”


Ông Nghĩa nhận định, “Sự chênh lệch giàu nghèo trở nên rất lớn vì cơ hội làm ăn cho người giàu rất nhiều mà người nghèo dường như không có. Và khi xã hội mà tính minh bạch không cao thì khả năng tiếp cận cơ hội sẽ là lợi thế đầu tư làm ăn cho những người giàu có.” (P.L.)

MỚI CẬP NHẬT