Friday, March 29, 2024

Hà Nội cảnh báo về thương lái Trung Quốc

HÀ NỘI (NV) .- Sau hàng loạt sự kiện liên quan đến thực trạng thương lái Trung Quốc tự do tung hoành, nguy hại cho kinh tế – xã hội, Bộ Công Thương của CSVN mới chịu phát cảnh báo.









Tháng trước, thương lái Trung Quốc đổ đến Vĩnh Long mua… lá khoai lang. Nếu ngắt lá để bán, năng suất của các ruộng khoai sẽ giảm 50%. (Hình: Tuổi Trẻ)


Cảnh báo xác nhận, thương lái Trung Quốc đang tận thu nhiều loại nông sản tại khắp nơi trên toàn Việt Nam và động cơ của giới này là “không rõ ràng”. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công Thương Việt Nam, cho biết, cơ quan này đã liên lạc với Sở Công Thương các địa phương và nhận thấy, thương lái Trung Quốc đang thu mua ồ ạt đủ loại nông sản.


Sau khi giới hữu trách các địa phương vận động nông dân yêu cầu các thương lái Trung Quốc phải có địa chỉ rõ ràng, lập hợp đồng mua bán thì nhiều nhóm thương lái Trung Quốc đã bỏ thị trường. Cảnh báo vừa kể được xem là hiếm hoi và chậm chạp so với thực trạng. Nhiều năm qua, thương lái Trung Quốc đã gây ra vô số thiệt hại cho cả môi trường, hệ sinh thái, lẫn kinh tế – xã hội Việt Nam.


Chẳng hạn cách nay hai năm, khi mía ế, mất giá, thương lái Trung Quốc đã tìm đến huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đặt mua cây sương sáo với giá từ 32,000 đồng đến 35,000 đồng một ký. Những đơn đặt hàng này đã khiến nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hâu Giang thi nhau đốn bỏ mía để trồng cây sương sáo. Hiện nay, giá mua cây sương sáo đã tụt xuống tới mức chỉ còn từ 5,000 đồng đến 8,000 đồng một ký, dù nông dân chấp nhận lỗ nặng (chi phí cho một ký sương sáo khoảng 12,000 đồng/ký) nhưng vẫn không có ai thèm mua và hàng loạt gia đình phá sản.


Đó không phải là trường hợp đầu tiên nông dân Việt Nam điêu đứng vì thương lái Trung Quốc. Trong hàng chục năm qua, cả dân chúng, báo giới, lẫn các chuyên gia kinh tế, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp, viên chức đã từng lên tiếng cảnh báo nhiều lần về tình trạng thương lái Trung Quốc tự do phá hoại song chế độ Hà Nội vẫn làm ngơ.


Đó cũng là lý do dẫn đến chuyện trong vài tháng gần đây, thương lái Trung Quốc vẫn tiếp tục gây ra đủ thứ xáo trộn nguy hại trên khắp Việt Nam. Ví dụ việc đặt mua không hạn chế cây đơn tướng quân (còn gọi là cây khôi) – một loại dược thảo vốn có rất nhiều ở các tỉnh rừng núi miền Bắc. Ông Lưu Văn Thanh, Giám đốc Dự án ADC thuộc Trung tâm Nghiên cứu nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cho biết, trước đây, xã Mai Lạp, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, vẫn được xem là “thủ phủ” của cây đơn tướng quân. Tại đó, đơn tướng quân nhiều như rau nhưng bây giờ thì chỉ có thể tìm trong rừng sâu hay núi cao.


Điều tương tự cũng đang xảy ra tại rừng Kỳ Sơn, Nghệ An, nơi mà năm 2007 đươ6c UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An. Dân chúng vùng này đang đổ vào rừng để đốn hạ cây “kim mao cẩu tích”, còn được gọi là cây cu li hay cây lông khỉ, vì thương lái Trung Quốc đặt mua với giá cao. Trước nữa, việc thương lái Trung Quốc đặt mua các loại cây như máu chó, hoàng đằng, củ ba mươi, cây khúc khắc (còn được gọi là thổ phục linh)… đã khiến các loại cây này gần như tuyệt chủng ở Kỳ Sơn, Nghệ An.


Thương lái Trung Quốc còn lùng sục mua mầm của thảo quả ở Hà Giang. Thông thường, mỗi héc ta thảo quả cho 2,5 tấn thảo quả/năm, tương đương 72 triệu. Môt ký mầm thảo quả tương ứng với 20 cây, được thương lái Trung Quốc hỏi mua với giá 50,000 đồng đã kích thích việc vặt mầm, khiến thảo quả bị suy giảm khả năng sinh trưởng và phát triển, không thể ra hoa, kết quả nhưng chẳng ai ngăn chặn. Ở Hà Giang, hồi giữa thập niên 2000, sau khi thương lái Trung Quốc đặt mua gốc và thân cây chè cổ thụ có tên là San Tuyết, loại chè San Tuyết nổi tiếng một thời đã biến mất khỏi thị trường.


Đầu tháng này, bà Phan Thị Thu Hiền, làm việc tại Vụ Y học Cổ truyền, Bộ Y tế, thú nhận, tình trạng khai thác dược thảo theo kiểu “đào tận gốc, trốc tận rễ” là rất phổ biến, trong khi đó, các loại dược thảo cần một khoảng thời gian dài để trưởng thành, có thể thu hoạch nên nhiều nguồn dược thảo bị kiệt quệ.


Cùng bàn về điều vừa kể với tờ Khoa học và Đời sống, ông Vũ Văn Dũng, Hội Khoa học – Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, gọi các loại dược thảo của Việt Nam là một thứ “vàng xanh”. Tình trạng thương lái Trung Quốc tận thu khiến nguồn “vàng xanh” cạn kiệt là một vấn nạn lớn.


Chuyện thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua ốc bươu vàng – loại sinh vật được xem là đại họa của nông nghiệp – khiến nông dân lén lút nuôi để bán, làm mùa màng thất bát được nhiều người trưng dẫn như bằng chứng rõ ràng nhất về chuyện đặt mua như phá.


Năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Trân, một cựu đại biểu của Quốc hội CSVN, từng nhận định, phải xem việc thương lái Trung Quốc tận thu mọi thứ là có thâm ý: tận diệt các loại thực vật, động vật qúy hiếm, thúc đẩy tiến trình phá rừng,  làm đất sớm bạc màu, khiến quá trình rửa trôi đất đồi núi diễn ra nhanh hơn, phá hoại môi sinh, môi trường. Không chỉ tác động để hủy diệt tự nhiên, những chiến dịch thu mua của thương lái Trung Quốc còn đánh vào các doanh nghiệp Việt Nam, khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu nguyên liệu, mất uy tín vì không còn khả năng thực hiện đúng hợp đồng.


Ông Trân khẳng định, không ai nghĩ rằng, thương lái Trung Quốc chỉ là những cá nhân vào Việt Nam làm ăn riêng lẻ. Ông Trân kêu gọi, phải xem chuyện giải quyết tình trạng thương lái Trung Quốc đang phá hoại kinh tế Việt Nam là “một nhiệm vụ không thể trì hoãn”. (G.Đ)


 

MỚI CẬP NHẬT