Saturday, April 20, 2024

Hà Nội lo ngại Bắc Kinh trả đũa bằng kinh tế

HÀ NỘI (NV) Nhà cầm quyền Việt Nam có vẻ lo ngại Trung Quốc sử dụng mậu dịch như một võ khí trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước.







Cuộc họp mậu dịch song phương giữa Hà Nội và Bắc Kinh ngày 12 tháng 11, 2012 tại Hà Nội. (Hình: Báo Công Thương)


Ðiều này có thể nhìn thấy gián tiếp qua cuộc phỏng vấn của báo tài chính Mỹ Bloomberg với Phạm Quang Vinh, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam khi ông này bình luận việc xuất cảng của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm sút nghiêm trọng khi Bắc Kinh mở chiến dịch chống Nhật liên quan tranh chấp quần đảo Senkaku.


“Áp lực kinh tế không nên sử dụng để dàn xếp các tranh chấp lãnh thổ”. Ông Phạm Quang Vinh nói với phóng viên của Bloomberg hôm 28 tháng 11, 2012 vừa qua tại Hà Nội như vậy, và cho rằng phải qua luật lệ quốc tế.


Ông Vinh nói, ông có “theo dõi” cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc.


Tin tức cho hay xuất cảng của Nhật sang Trung Quốc giảm 12% trong tháng trước khi các tin tức liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Ðiếu Ngư) lên cao độ.


Bên cảnh tranh chấp với Nhật, phía Nam thì Bắc Kinh tranh chấp với Việt Nam các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không những vậy, Bắc Kinh còn mập mờ với các bản đồ và lời tuyên bố chiếm đến 80% biển Ðông.


Ngày 12 tháng 12 năm 2012 tới đây, sẽ có một cuộc họp giữa ASEAN và Bắc Kinh để thảo luận về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (COC) trên biển Ðông để tránh xung đột, một điều nhiều chuyên viên quốc tế không tin có thể thành hình trước chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.


Ông Vinh nói với Bloomberg là Việt Nam sẵn sàng thảo luận với các nước khác và các đối tác về dò tìm và khai thác dầu khí trên biển Ðông bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam căn cứ trên Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS).


Ông Vinh cho biết “không chấp nhận” bất cứ hành động nào của Tập Ðoàn Dầu Khí Hải Dương (quốc doanh) của Trung quốc (CNOOC) hợp tác với các công ty ngoại quốc khai thác tài nguyên ở khu vực đang tranh chấp.


Trung Quốc thời gian gần đây đã dở đòn kinh tế đánh Philippines (từ chối nhập cảng chuối) vì tranh chấp khu vực bãi đá ngầm Scarborough (Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham đảo) chỉ cách vịnh Subic của Philippines có 123 hải lý, lấy cớ chuối Philippines “nhiễm sâu bọ”.


Mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt $35.7 tỉ USD trong năm 2011, gia tăng 30.7% so với năm trước. Chỉ 10 tháng đầu năm 2012, mậu dịch hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt $33.6 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất cảng được $10.2 tỉ USD trong khi nhập cảng từ Trung Quốc $23.4 tỉ USD.


Việt Nam tùy thuộc đến 90% vào nguyên liệu, các loại phụ tùng và máy móc của Trung Quốc để sản xuất xuất cảng. Riêng hàng da và vải sợi nhập cảng của Trung Quốc nhiều nhất rồi mới tới Hàn Quốc và Ðài Loan.


Tại Hà Nội ngày 12 tháng 11 năm 2012, đã có một cuộc họp của “Nhóm công tác hợp tác thương mại Việt-Trung trong khuôn khổ Ủy Ban Hợp Tác Kinh Tế Thương Mại Việt Nam-Trung Quốc”.


Bản tin báo điện tử “Công Thương” (của Bộ công Thương CSVN) viết: “Kỳ họp đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, thẳng thắn và đã thu được kết quả tốt đẹp.”


Tuy nhiên lại không nói những kết quả tốt đẹp đó là gì. (T.N.)

MỚI CẬP NHẬT