Thursday, March 28, 2024

Hai huyện ở Bình Định tan nát vì khai thác titan


BÌNH ĐỊNH (NV) .-
Khai thác titan khiến các khu rừng dương ven biển bị phá trụi, bão cát thường xuyên, nguồn nước cạn kiệt, không khí ô nhiễm nghiêm trọng, số người chết do mắc các bệnh về phổi tăng vọt.









Một thiếu niên trong vườn nhà ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Vườn nhà em đã bị bị sa mạc hóa vì bão cát và nguồn nước ngầm đã bị khai thác cạn kiệt. (Hình: Tuổi Trẻ)


Đó là hiện trạng của hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát ở Bình Định.


Bình Định vốn là một trong bốn tỉnh có trữ lượng titan cao nhất Việt Nam (2.5 triệu tấn). Đây là lý do khiến nhà cầm quyền tỉnh này cấp hàng loạt giấy phép khai thác titan. Chỉ tính riêng hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát đã có 30 doanh nghiệp được phép khai thác titan. Riêng xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ đã từng có 10 doanh nghiệp khai thác titan trong cùng một lúc.


Tờ Tuổi Trẻ mô tả, sau 5 năm, Mỹ Thành chuyển từ một xã ven biển trù phú, dân quê vừa đánh cá vừa làm ruộng, trở thành xơ xác, tiêu điều. Các rừng phòng hộ ven biển đã bị phá trụi, bão cát thường xuyên. Dân địa phương không thể trồng trọt, nước ngọt khan hiếm vì mạch nước ngầm bị kiệt, khói – bụi từ các nhà máy tinh luyện quặng làm không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Bà Đặng Thị Mai của một gia đình nông dân trong xã Mỹ Thành kể với phóng viên tờ Tuổi Trẻ rằng, số người trong xóm chết vì mắc các bệnh về phổi đang tăng vọt. Chưa kể trong xã còn hàng chục người chết do rơi xuống hố mà các doanh nghiệp khai thác titan đào xới rồi không hoàn thổ như đã cam kết.


Trong 5 năm qua, dân chúng địa phương nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng không ai thèm nghe. Các giấy phép khai thác titan vẫn tiếp tục được cấp. Ông Phạm Văn Dũng, 65 tuổi, ngụ ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, than: Cán bộ thì ở trên phố, giới đầu tư thì từ nơi khác tới, họ không ở đây nên không xót. Nhà cầm quyền xã đứng về phía dân nhưng thấp quá nên đành chịu. Các giấy phép cho người ta khoanh vùng, chỉ một tuần là hàng chục hecta rừng dương 40, 50 năm tuổi biến mất và đủ thứ hậu quả tai hại đi theo.


Ông Nguyễn Văn Mạo, cũng ngụ ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ nói thêm, tụi tui mất đất, mất rừng nhưng là dân đen nên kêu hoài mà không thấu! Không thể trồng cấy, bệnh tật liên miên khiến dân chúng hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát trở thành bần cùng, đa số trẻ con ở hai huyện này phải bỏ học sớm. 


Ngày xưa, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ là nơi chuyên trồng hành, khoai mì. Chỉ cần bảy, tám sào đất, sau mỗi mùa hành, một gia đình có 50 đến 60 triệu đồng, chưa kể có thể kiếm thêm nhờ trồng mì, trồng bắp. Còn bây giờ? Ông Phạm Văn Dũng kể rằng, nhiều nhà không có gạo ăn. Cả xóm nghèo, cả xã nghèo nên chẳng biết vay mượn ai.


Mới đây, sau khi hàng ngàn nông dân xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận biểu tình liên tục trong cả tuần để phản đối chính quyền tỉnh Ninh Thuận cho một công ty có tên là Quang Thuận – Ninh Thuận khai thác titan trở lại, đánh trả lực lượng trấn áp, khiến 6 sĩ quan công an bị trọng thương. Một viên phó chủ tịch tỉnh Bình Định, tuyên bố: “Sẽ không gia hạn cho bất cứ doanh nghiệp nào tiếp tục khai thác titan vì dân kêu ca nhiều lắm. Bình Định đã chỉ đạo phải khẩn trương hoàn thổ và trồng rừng. Phải phục hồi toàn bộ rừng phòng hộ ven biển để khôi phục môi trường, có như vậy mới an dân!”. 


Chưa rõ những tuyên bố như thế có thể xoa dịu sự căm phẫn của dân chúng Bình Định, trong việc cho phép khai thác titan ồ ạt suốt  năm qua hay không khi họ đã bị đẩy đến tuyệt lộ. Không có bất kỳ ai, bất kỳ ý kiến nào đề cập đến vấn đề trách nhiệm khi cho phép khai thác titan ồ ạt tại Bình Định, bần cùng hóa hàng trăm ngàn gia đình.


Viên giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường của tỉnh này công khai thú nhận: “Tôi cũng là dân huyện Phù Mỹ, làm sao mà không xót cho nông dân quê mình. Tuy nhiên trong chức năng và quyền hạn của mình, chúng tôi chỉ có thể tham mưu cho UBND tỉnh và cố buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đúng cam kết hoàn thổ, trồng rừng sau khai thác. Đó là một quá trình, hi vọng sau ba năm nữa môi trường ở đây được cải thiện và bà con có đất sản xuất”. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT