Wednesday, April 24, 2024

Hàng Tết tăng giá gấp rưỡi, người nghèo thiệt thòi


VIỆT NAM –
Kể từ 20 Tháng Chạp âm lịch, mọi hàng hóa tăng giá từ từ, cho đến chiều 28 Tết, hàng tăng lên xấp xỉ 150% so với giá thường ngày. Nhưng có nhiều báo nói quá sự thật, nâng giá hàng hóa lên cao gấp cả chục lần so với thực giá của nó ở thị trường.



Mọi thứ trái cây chỉ tăng giá hơn một chút so với ngày thường. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)


 


Thịt heo, trước 20 Tháng Chạp, giá 100 ngàn đồng đến 110 ngàn đồng, tùy vào loại thịt nạc hay mỡ mà có giá cao thấp. Ðến chiều ngày 28 Tết, giá mỗi ký thịt heo đùi, mông là 150 ngàn đồng, những loại còn lại có giá dao động từ 120 ngàn đồng đến 140 ngàn đồng.


Thịt bò cũng tăng giá từ 140% đến 150%. Ðây là chuẩn giá chung được tham khảo từ sáu thành phố lớn: Cần Thơ, Sài Gòn, Nha Trang, Ðà Nẵng, Huế và Hà Nội.


Các mặt hàng trái cây cũng dao động giá không nhiều, từ 130% đến 150% giá thường ngày. Trái thanh long là loại trái được chuộng nhất để thờ cúng cho Tết năm Rồng vẫn được bán với giá 20 ngàn đồng/1kg. Thường ngày, loại trái cây này có giá từ 12 ngàn đồng đến 15 ngàn đồng mỗi ký.


Riêng các loại hoa, cây cảnh, giá năm nay thấp hơn so với năm ngoái. Giá trung bình một chậu quất từ 200 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng, cùng loại, năm ngoái có giá từ 500 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng. Hoa mai tuy khó trồng nhưng có giá trung bình từ 700 ngàn đồng đến 3 triệu đồng, thấp hơn so với năm ngoái.


Các loại hoa, cúc, vạn thọ, lay ơn, hướng dương, thược dược, cẩm chướng… đều có giá thấp tương đương 70% giá năm ngoái.


Các loại củ, quả, rau… có tăng giá chút đỉnh, chừng 120% so với giá thường ngày.


Một người nông dân chuyên trồng hoa ở Ðà Nẵng cho biết: “Thời tiết năm nay rất khủng khiếp, để trồng ra một chậu hoa trổ kịp Tết, phải tốt rất nhiều công sức và phân tro. Nhưng khi bán ra lại có giá tệ hơn năm ngoái.”


Một người khách mua hoa ở chợ hoa Ngọ Môn, Huế cho biết: “Năm nay hoa rẻ hơn năm ngoái chút đỉnh, nhưng kinh tế khó khăn, cả năm làm không dư được bao nhiêu. Mình ăn Tết nhín lại, thay vì mua vài chậu cúc, năm nay chỉ mua một chậu để giữa nhà cho ấm áp là đủ rồi….”


Các nhà vườn trồng hoa cho biết họ đã hạ mức giá hoa xuống so với dự tính ban đầu nhưng vẫn không hút được khách, chỉ còn một ngày nữa đến Mồng Một Tết mà hoa vẫn còn hơn 70% trong vườn. Họ như đang ngồi trên đống lửa than.


Tuy nhiên, giá hoa mua tại các cơ quan, các nhà giàu thì khác. Các cơ quan cũng mua một chậu hoa mai tương đương với chậu hoa mai ngoài thị trường bán giá 3 triệu đồng thì về đến cơ quan, nó có giá từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Các nhà giàu thì cố tìm hoa lạ, hoa độc để mua với giá cao ngất, có chậu lên đến cả tỉ đồng (giá của người sở hữu chậu hoa cho biết, ngoài thị trường nó không cao đến vậy).


 


 

Chậu hoa mai này đã được mua với giá 550 ngàn đồng, tại Duy Xuyên, Quảng Nam. (Hình: Phi Khanh/Người Việt)


 


Một người tên Cung, chủ cũ của một chậu hoa địa lan tại Hà Nội (mà nó được chủ mới hét giá nửa tỉ đồng) cho biết: “Thật ra, ông này chỉ mua của tôi với giá bảy chục triệu đồng, với nghề trồng lan lâu năm như tôi, giá như vậy là quá cao rồi, làm chi có chuyện giá nửa tỉ hay một tỉ. Ðây là một kiểu dối trá trưởng giả, cố hô những thứ của mình sở hữu lên thật cao để bịp thiên hạ, làm vậy cũng là một cách ‘nâng cos’ của mình và tạo ra lũng đoạn thị trường.”


“Ở Hà Nội này, mọi thứ có thể xảy ra, ví dụ như đất ở quận Hoàn Kiếm, làm gì có ai mua cả hai tỉ bạc một mét vuông. Nhưng người ta hô vậy, có hai hướng: Hô cao để thấy mình sang, hô cao để tạo ra một tập hợp đại gia, thượng lưu, dễ lòe đời, dễ vay tiền làm ăn, một miếng đất có giá vài ngàn tỉ bạc đem thế chấp vay ngân hàng, mở công ty lúc nào cũng dễ vay, vay được nhiều. Toàn ảo cả!”


Một người chủ vườn quất chuyên bán cho các cơ quan nhà nước ở Quảng Nam cho biết: “Không có chậu quất nào mà có giá vài chục triệu bạc cả, hiếm lắm, nhưng bán cho cơ quan thì phải ghi hóa đơn gấp từ mười đến mười lăm lần giá mình bán, cái này cũng là tham nhũng, lớn tham lớn, nhỏ tham nhỏ….”


“Nếu một chậu quất có giá vài chục triệu, chậu lan có giá vài tỉ thì nông dân đâu có khổ như bây giờ. Giá này láo toét, do tham nhũng mà ra cái giá này! Nông dân mình Tết vẫn khổ sở đầy đường ra đó. Các báo thì cứ tham khảo giá cơ quan, lấy vài ba trường hợp ‘đặc biệt’ có tham nhũng mà hô hào chung chung giá thị trường, sai!”


 


Nhìn chung, giá cả thị trường Tết năm nay có biến động từ 120% đến 150% so với giá gốc. Nhưng hàng hóa lại bán rất chậm, nhà buôn và nhà nông vẫn chưa hết lo cho dù Tết đã sát sườn.


Nhìn giá hàng Tết nhiều năm trước, rồi nhìn lại giá hàng Tết năm nay, có thể nói rằng cho dù tăng giá hay trượt giá thì nhà nông vẫn cứ khổ, người nghèo vẫn ăn một cái Tết nghèo, giá tăng hay hạ thì không ảnh hưởng gì đến nhà giàu, tư bản đỏ. Mà đất nước này có hơn 80% dân số là nhà nông. Tết Nhâm Thìn vẫn là cái Tết ảm đạm của phần đông dân Việt Nam.


 


Như lời ông P., giảng viên Ðại Học Kinh Tế Ðà Nẵng: “Căn tính của người Việt hiện rõ nét nhất trong dịp cuối năm và đầu năm. Trong đó, điểm nổi trội nhất là nghèo và phô trương. Vì nghèo nên cả năm cứ quần quật làm ăn, không có thời gian sửa soạn nhà cửa, đợi Tết đến thì đầu tắt mặt tối mà sửa soạn, đó cũng là một kiểu phô trương.”


“Nhưng đáng sợ nhất là những người có tiền, phần lớn người có tiền ở Việt Nam có rất nhiều tiền nhưng vẫn cứ nghèo bởi họ thiếu sự sang trọng, thường hô hào những gì mình đang sở hữu có giá trên trời để thấy mình sang. Nhìn chung, Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi nghèo và phô trương, nhìn qua cái Tết của người Việt thì sẽ thấy tôi nói đúng.”

MỚI CẬP NHẬT